Họ đi trên bốn chiếc xe máy, có người cùng thôn bản đưa đón dẫn đường. "Truy bắt bằng được", nhận lệnh từ chỉ huy, các chốt tuần tra tung người truy đuổi.
Khánh vơ chiếc dùi cui, còng số 8 trong hộc bàn, chạy ra phía nhà xe. Sân đồn những năm trước, giờ ấy thường lao xao tiếng lính trẻ gọi nhau xuống nhà ăn, suốt một năm nay luôn vắng lặng khi tổ cắm chốt chống dịch, tổ đi tuần tra biên giới. Khánh gọi thêm một chiến sĩ nghĩa vụ trong nhà bếp, hai anh em nhảy lên xe nhằm hướng biên giới phóng đi.
"Để họ lọt vào nội địa thì nguy hiểm cho cả nước", Phùng Văn Khánh nhớ lại suy nghĩ trong đầu, cố tăng ga khi đôi bàn tay tê buốt, nước mắt trào ra vì gió lạnh. Hôm ấy là ngày thứ tư miền Bắc bước vào đợt rét đậm nhất từ đầu mùa đông. Đồn biên phòng nằm ở độ cao 1.700 mét của thôn Mỏ Phàng, xã Thượng Phùng. Nhiệt độ tụt xuống -2 độ C. Ba ngày liên tiếp băng tuyết phủ trắng cỏ cây. Mặt đường trơn trượt.
Một năm, trên đoạn biên giới dài 24 km thuộc hai xã Thượng Phùng và Xín Cái, sáu tổ công tác Đồn biên phòng Xín Cái phát hiện hơn 7.500 người nhập cảnh trái phép vào nội địa. Mèo Vạc có chung đường biên giới đất liền với huyện Phú Ninh của Trung Quốc, nơi có tuyến cao tốc kết nối với các tỉnh thành nội địa nước này. Khi Trung Quốc bùng dịch, lao động chui người Việt ồ ạt đổ về qua đường mòn, lối mở dọc biên giới Mèo Vạc.
Số người vượt biên về khu vực này chiếm một phần tư tổng số người vượt biên trái phép mà lực lượng bộ đội biên phòng toàn quốc phát hiện trên ba tuyến biên giới phía Bắc, miền Trung và Tây Nam năm 2020. Sáu chốt chống dịch, ba khu cách ly sát biên giới hoạt động 24/7 luôn trong tình trạng căng mình.
Xe tới gần trường Tiểu học Thượng Phùng, Khánh liếc thấy trên chiếc xe máy ngược chiều chở hai người đàn ông, kẹp balo phía trước. Trực giác bốn năm học ngành trinh sát mách bảo cậu quay xe đuổi theo. Nghe tiếng hô "Đứng lại", hai người đàn ông giật mình, vội vã tăng ga. Cuộc truy đuổi kéo dài 2 km, cho đến đoạn dốc cao gặp vài xe đi ngược chiều buộc họ phải giảm tốc độ. Khánh lập tức áp sát, chặn đầu, rồi báo cho đồng đội các tổ tới hỗ trợ.
Nhóm tám người Mông quê Tả Phìn (huyện Đồng Văn) hôm đó bị lập biên bản, đưa đi cách ly tập trung. Họ khai làm thuê bên Trung Quốc, gọi người trong bản đi đón vì không muốn cách ly 14 ngày. Những người bản địa quen đi chợ Mỏ Phàng giáp biên từ bé, thông thuộc địa hình và biết rõ vị trí các chốt tuần tra kiểm dịch.
"Lúc nào cũng trong tâm thế sẵn sàng nhận điện thoại, kể cả đang ngủ", đồn trưởng Tạ Tấn Hoàng xác định. Hai tháng chuyển từ Đồn biên phòng Phó Bảng (Đồng Văn) về Đồn Xín Cái (Mèo Vạc), thiếu tá 42 tuổi chưa bao giờ dám tắt chuông hay để điện thoại hết pin. Các cuộc gọi từ chốt kiểm soát báo về phát hiện người xuất nhập cảnh trái phép bất kể giờ giấc, cơm trưa, nửa đêm, hoặc 2h sáng.
"Truy bắt bằng được", mệnh lệnh bốn chữ được anh phát ra nhiều nhất suốt mấy tháng qua. Chỉ cần biên giới để lọt một người không qua cách ly, các tỉnh thành nội địa có thể phải khởi động toàn bộ hệ thống chống dịch, kéo theo những thiệt hại về kinh tế. Ca bệnh 1440 là bài học đắt giá, khi nhóm sáu người lọt được qua đường mòn biên giới hồi cuối tháng 12 năm ngoái khiến năm tỉnh miền Tây và Nam Bộ bật hết công suất để tìm người trốn cách ly, truy vết người tiếp xúc.
Bài học ấy, anh Hoàng từng trải qua khi còn ở đơn vị cũ. Hồi tháng Tư, thị trấn Đồng Văn với hơn 7.600 cư dân nằm trong vòng phong tỏa khi ghi nhận "bệnh nhân 268". Thiếu nữ người Mông, trú ở xã Phố Là, có ba anh trai làm việc tự do bên kia biên giới. Lúc ấy, lần đầu tiên Việt Nam ghi nhận ca bệnh là người dân tộc Mông và trú tại thôn giáp biên với Trung Quốc.
Giáp Tết, tần suất những cuộc truy đuổi dày gấp đôi, gấp ba lần khi công dân vượt biên về chủ yếu là người bản địa. Họ thông thuộc từng lối mở, có thể cắt rừng, vượt sông nhanh hơn cả bộ đội. Vị đồn trưởng nhớ cuối tháng trước, nửa đêm nhận tin báo người vừa vượt sông Nho Quế vào đất liền, tổ tuần tra chốt Khai Hoang 1 - đóng chốt ngay trên sông lập tức truy tìm. Một tổ cơ động cùng lúc di chuyển từ đồn xuống hỗ trợ. Gần chục người lùng sục trắng đêm, rọi đèn pin soi từng hốc đá, bờ cây. Rạng sáng, tổ công tác bắt được thanh niên khi anh ta vừa về tới nhà ở xã Pải Lủng, bên kia bờ sông Nho Quế, cách đường biên gần 50 km.
"Có lúc bức xúc với người không chấp hành quy định, nhưng rồi anh em bảo ban nhau vận động người về, giữ đúng kỷ luật quân đội, không để xảy ra hành vi không đúng mực khi tiếp xúc với nhân dân", anh nói.
Cuộc chiến một năm qua, ngoài ngăn người xuất nhập cảnh qua đường mòn lối mở, còn là những đợt xuống tận bản làng vận động người dân vượt biên tự nguyện đi cách ly.
Về đồn nửa năm, trung úy Vừ Mí Và trở thành "người thương thuyết" mỗi lần xuống bản, khi là người Mông, nói tiếng Mông. Vừ nhớ trưa 11/1, nhận tin báo hai công dân Cử Mí Chính, Sùng Mí Sính đều 18 tuổi, vừa trốn về bản Lũng Chư (xã Thượng Phùng), cậu cùng đồng đội bỏ cơm trưa, vội vã đi ngay. Con đường xuống bản chừng chục km, một bên là vực, một bên đá tai mèo dựng đứng. Xe máy ngược dốc mãi như lên đỉnh trời.
Mất hàng tiếng vận động, nhưng Vừ Mí Pó, người đi đón đã tiếp xúc trực tiếp với hai công dân vượt biên ngập ngừng không muốn theo bộ đội. Vợ Pó mới sinh nửa tháng, chạy theo níu áo Và khóc lóc "Bộ đội cho nó ở nhà. Nó đi thì không ai nấu cơm cho vợ con".
"Thôi mới gặp, chắc không sao đâu, cho nó ở nhà đi", dân bản kéo nhau ra, nói với Và. Nhưng trung úy 26 tuổi lắc đầu. Mất thêm nửa buổi thuyết phục, Và mới đưa được người về trung tâm cách ly. Trước khi đi, Vừ Mí Và nói với dân bản "Bà con thấy ai về thì bảo nó đi cách ly, hoặc báo cho đồn, bị bệnh mà trốn thì gây họa cho bản làng".
Hoàng Phương