Ngày 27-28/2, không khí lạnh suy yếu, di chuyển lệch về phía đông hình thành đới gió Đông Bắc đến Đông. Đới gió này phát triển từ mặt đất lên tới độ cao khoảng 1.000 m kết hợp đới gió ẩm sẽ gây sương mù, mưa phùn ở miền Bắc.
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn quốc gia, từ đêm thứ hai (1/3) miền Bắc sẽ có một đợt không khí lạnh mới, hiện tượng sương mù giảm. Mưa nhỏ vẫn kéo dài trong 2-3 ngày tiếp theo.
Trang AccuWeather của Mỹ dự báo, ngày mai nền nhiệt miền Bắc 20-26 độ C, thứ tư 20-22 độ C, đến cuối tuần nhiệt độ cao nhất lên mức 28. Điểm cao trên 1.500 m so với mực nước biển như Sapa (Lào Cai) nhiệt độ đầu tuần tới 12-19 độ C, thứ sáu lên mức 12-21.
Miền Trung, khu vực từ Thanh Hóa vào đến Hà Tĩnh cũng chịu ảnh hưởng của đới gió Đông Bắc đến Đông nên xuất hiện mưa nhỏ và sương mù.
Từ 2/3 do tác động của không khí lạnh mới bổ sung, khu vực từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên Huế xuất hiện mưa nhỏ trở lại. Hiện tượng sương mù duy trì từ ngày 3 đến 6/3.
Khu vực từ Đà Nẵng trở vào đến Bình Thuận ít chịu tác động của các đợt không khí lạnh cuối mùa nên ít mưa, trời nắng, 28-31 độ C.
Nam Bộ và Tây Nguyên, bước vào tháng cao điểm mùa khô, trời nắng. Nền nhiệt ở Nam Bộ có xu hướng tăng và có thể xảy ra nắng nóng diện rộng 35-36 độ ở các tỉnh miền Đông trong nửa cuối tuần sau.
Tây Nguyên trời nắng, nền nhiệt cao nhất trong ngày 30-33 độ C, có nơi cao xấp xỉ 35 độ.