Kể từ khi lấy chồng, hôn nhân không suôn sẻ và nhẹ nhàng như cô nghĩ. Người chồng tuy không ngoại tình hay bạo hành nhưng lười lao động, không đụng tay vào việc nhà vì coi đó là trách nhiệm của vợ. Chỉ khi tâm trạng vui vẻ, anh mới đưa hai đứa trẻ ra ngoài chơi.
Những chuyện đó người phụ nữ này vẫn có thể chịu đựng được trừ việc ông chồng liên tục sỉ nhục cô, cho rằng phụ nữ không được quyền có ý kiến riêng và phải phục tùng. Tuy nhiên Shokora từng đi làm nuôi sống bản thân trước khi kết hôn nên luôn tin hôn nhân là sự song hành của cả hai người chứ "người này không phải là đầy tớ của người kia".
Thời gian mới cưới, hễ chồng nói "Là phụ nữ không được cãi" kèm theo những lời miệt thị khác là cô lập tức phản bác lại. Tuy nhiên sau đó chồng cô thậm chí còn chửi bới bằng những lời thâm độc hơn. Hết lần này đến lần khác, Shokora ngừng tương tác với chồng, bởi "trái tim đã vỡ vụn". Sự oán hận và bất bình từ từ tích tụ trong lòng, hôn nhân trở thành bức tường kín mít, ngột ngạt.
Bảy năm sau, khi con trai út học tiểu học, Shokora quyết định ra ngoài làm việc bán thời gian. "Thật hạnh phúc khi có tiền của riêng mình. Tôi có thể mua một tách cà phê hoặc bộ quần áo mình thích mà không cần nhìn thái độ của ai". Với người phụ nữ này, suy cho cùng cuộc sống không phải là một vũng nước đọng. Cô tiếp tục làm việc bên ngoài song song với làm việc nhà cho đến khi hai con vào cấp 3. Nhìn hai con chưa đủ tuổi thành niên, cô vẫn cố chịu đựng cuộc hôn nhân.
"Trái tim tôi luôn khao khát được tự do và ý nghĩ ra đi trở nên mạnh mẽ hơn từng ngày. Khi gần 40 tuổi, tôi biết sẽ không thể sống với người đàn ông này mãi", cô hồi tưởng và bắt đầu lên kế hoạch cho tương lai.
Bà mẹ hai con bắt đầu kiếm thêm nhiều công việc bán thời gian, không mua quần áo, giảm các chi phí không cần thiết. Đến khi tiết kiệm được một triệu yên, cô bắt đầu tìm nhà. Vì không muốn các con trong lứa tuổi nhạy cảm thấy quá đột ngột, cô thuê một căn phòng 15 m2, cách nhà chồng chỉ 15 phút đi bộ.
Shokora mang theo một chiếc ghế, ba hộp quần áo và một ít đồ dùng cần thiết, bắt đầu cuộc sống xa chồng. Năm đó cô 42 tuổi.
Sau khi có nhà, Shokora mua một chiếc ô tô cũ. Ngoại trừ việc không sống chung, cô chăm sóc con cái và đảm đương việc nhà chồng như bình thường. Tan sở, cô đi chợ, nấu cơm, rửa bát, giặt quần áo và trò chuyện với bọn trẻ. Đến 11h đêm cô trở về căn nhà thuê của mình để chuẩn bị cho ngày mai.
Dù vất vả nhưng người mẹ này vẫn luôn có mặt trong sự trưởng thành của hai con. "Chúng vẫn nhận đầy đủ tình yêu của bố mẹ, dù cả hai không sống chung với nhau", Shokora nói. Sau 5 năm, khi con trai út lên đại học, người phụ nữ này đệ đơn ly hôn. Hoàn toàn thoát khỏi cuộc hôn nhân ngột ngạt, bước tiếp theo của Shokora là tìm một công việc ổn định thay vì bán thời gian và mua căn hộ nhỏ 42 m2. Căn nhà này đã tiêu hết số tiền tiết kiệm của cô nhưng khi nghĩ đến có một nơi trú ẩn an toàn, trái tim cô thực sự rộn ràng: "Cảm giác an toàn phụ thuộc phần lớn vào việc bạn sở hữu ngôi nhà của riêng mình hay không", cô nói.
Chuyển đến nhà mới, một cuộc sống khác được mở ra. Trước đây, Shokora không có tiếng nói trong việc trang trí nhà cửa với chồng, sau này đi thuê cũng không được như ý muốn, giờ cuối cùng cũng có thể sống theo ý mình. Căn nhà được trang trí với tông màu đơn giản và ấm áp. Hoa cỏ cây cối và những đồ trang trí nhỏ có thể nhìn thấy khắp mọi nơi, theo đúng sở thích của chủ nhân. Trước kia, khi nấu ăn, cô phải ưu tiên khẩu vị của chồng và bọn trẻ, giờ có thể phục vụ cho bản thân và tận hưởng niềm vui ăn uống. Những lúc rảnh rỗi, cô lang thang khắp các con đường, ngõ hẻm của thành phố ngắm nhìn hoa lá cây cỏ và cuộc sống sôi động của nhiều người.
Khi Shokora đăng những hình ảnh lên trang cá nhân, cô không ngờ mình lại nổi tiếng. "Điều đó có ý nghĩa rằng, nếu hôn nhân không thể làm cho phụ nữ hạnh phúc, thực sự có nhiều lựa chọn khác. Sống một mình ở tuổi 60 cũng có thể tự do, thoải mái và tự tại", cô viết.
Hiện Shokora đã nghỉ việc nhưng nhờ có tích lũy được từ trước, cô vẫn làm việc bán thời gian 4 ngày một tuần. Trong trường hợp cần người chăm sóc, cô dự định sẽ bán nhà và sống trong viện dưỡng lão, không nhờ vả ai. Người phụ nữ này cho rằng, con người không cần sợ hãi về tuổi già: "Chỉ cần chúng ta có tâm lý tốt để trải nghiệm cuộc sống sau khi có kế hoạch về lương hưu, mọi thứ rồi sẽ ổn", cô nói.
Theo Shokora, sống một mình không có nghĩa là cô lập với thế giới. Cách đây vài năm, cô đã tham gia câu lạc bộ có tên "Fun People Club", hầu hết thành viên đều là phụ nữ độc thân và ngoài 60 tuổi. Cô gặp nhiều người có cùng chí hướng ở đây. Ngoài ra còn gặp gỡ con cái và bạn bè nhiều lần mỗi tuần.
Người mẹ hai con cho rằng, hôn nhân không may mắn, không có khả năng kiếm sống, lại phải sống trong một xã hội không thân thiện với phụ nữ, mọi người cần cứng rắn để không chấp nhận số phận đó. "Từng bước giành giật và xoay xở, phụ nữ sẽ đạt được ước mơ của mình", Shokora nói.
Ở Nhật, nhiều người gọi người gọi Shokora là "người hùng về sự trưởng thành của phụ nữ".
Hải Hiền (Theo Paper)