Phố đi bộ Nguyễn Huệ khởi thủy là con kênh đào mang tên Kinh Lớn, dẫn nước từ sông Sài Gòn vào thành Gia Định do Nguyễn Ánh xây dựng năm 1790. Bấy giờ, người dân còn gọi là kênh Chợ Vải do dọc mé kênh có nhiều Hoa kiều tập trung bán vải vóc.
Sau khi Pháp chiếm được Sài Gòn, năm 1861, đô đốc Charner ban hành quy định giới hạn địa phận thành phố. Kinh Lớn được đổi tên thành kênh đào Charner, hai bên kênh là con đường chạy song song mang tên Rigault de Genouilly và Charner. Bức ảnh này được nhiếp ảnh Emile Gsell chụp năm 1870.
Một bức ảnh khác của Emile Gsell chụp con đường năm 1870 với dòng Kinh Lớn và dãy phố trên đường Charner. Cầu băng qua kênh nối hai bờ là hướng dẫn vào đường Ngô Đức Kế ngày nay.
Ở giữa đường Charner là ngôi chợ đầu tiên của Sài Gòn, được xây dựng vào năm 1860. Người Pháp gọi là chợ Charner, còn người dân hay gọi là chợ Lớn hoặc chợ Sài Gòn.
Đến năm 1914, khi chợ Bến Thành hoàn thành thì khu chợ này bị dẹp bỏ. Vị trí khu chợ cũ ngày nay nằm ở khu vực tòa nhà Bitexco, và Kho bạc Nhà nước TP HCM ngày nay.
Năm 1887, người Pháp cho lấp kênh đào và sáp nhập con đường ở hai bờ thành đại lộ Charner. Tuy nhiên người Sài Gòn thì gọi đường Kinh Lấp.
Sau khi lấp kênh, người Pháp xây dựng hệ thống tramway (xe lửa hơi nước) Sài Gòn - Chợ Lớn - Mỹ Tho. Ở đại lộ Charner, đoạn gần sông Sài Gòn có một trạm xe lửa.
Còn ngôi nhà nhô cao nhất là nhà của ông Vương Thái, đại gia người Hoa ở Sài Gòn cuối thế kỷ 19. Năm 1883, chính quyền Pháp mua lại căn nhà này và hoàn thành sửa chữa sau đó 4 năm. Ngày nay căn nhà này vẫn còn, là trụ sở của cục Hải Quan TP HCM. Nhìn từ đường phố đi bộ, ngôi nhà bị che lấp bởi nhà cao tầng, cây cối rậm rạp.
Từ con kênh thành đại lộ hiện đại, sầm uất những năm cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20. Các công trình hiện đại đều được người Pháp xây dựng ở con đường này. Tiêu biểu là thương xá Tax, xây dựng năm 1880. Tòa nhà là trung tâm thương mại lâu đời ở Sài Gòn.
Cuối năm 2016, thương xá Tax đã bị đập bỏ để thực hiện dự án xây dựng Trung tâm thương mại dịch vụ văn phòng khách sạn.
Tính từ bờ sông Sài Gòn đi vào, phía trái đường Charner mang số lẻ, bên phải mang số chẵn. Phía trái đường vốn là khu chợ nên việc buôn bán sầm uất. Còn bên phải đa số là cửa hàng, quán cà phê của người Pháp. Khách sạn Kim Đô hiện nay là trụ sở Công ty Société des Garages Charner, bán và sửa xe hơi từ cuối thế kỷ 19.
Đại lộ Charner trở thành đường rộng nhất Sài Gòn, nơi diễn ra các lễ hội lớn, có nhiều cửa hàng và trụ sở các công ty, khách sạn... Ngay đoạn giao với đường d’Ormay (Mạc Thị Bưởi) ở phía phải là khách sạn Grand Hôtel du Coq d’Or. Ngày nay nơi đây là khách sạn Palace Hotel.
Khách sạn Rex gồm 5 tầng được xây dựng năm 1927. Ban đầu, nơi đây là khu nhà để xe, bán ôtô. Năm 1959, chính quyền Việt Nam Cộng Hòa nâng cấp thành khách sạn. Sau năm 1975, khách sạn được đổi tên thành Bến Thành cho đến năm 1986 trở lại tên cũ như ngày nay.
Cuối đại lộ Charner lả Dinh Xã Tây, ngày nay là UBND TP HCM được xây từ năm 1898 đến 1909. Còn ở góc đại lộ Bonnard (Lê Lợi) và Charner (Nguyễn Huệ) là ngôi nhà mang tên Hotel des Nations, phía phải hình. Thập niên 40, khu tứ giác Eden được xây dựng tại vị trí ngôi nhà này. Đến năm 2012 dự án trung tâm thương mại xây dựng hoàn thành trên nền khu tứ giác.
Một công trình nổi tiếng ở đại lộ Charner là Tòa hòa giải, được xây dựng năm 1870. Sau khi tòa án thành phố hoàn thành năm 1887 thì Tòa hòa giải hết công năng. Vị trí Tòa hòa giải ngày nay là một cao ốc.
Còn Tổng nha ngân khố được xây dựng năm 1920, nay là Kho bạc Nhà nước TP HCM.
Năm 1956, đại lộ Charner được chính quyền Việt Nam Cộng Hòa đổi tên thành Nguyễn Huệ. Từ năm 1960, mỗi khi xuân về, đường Nguyễn Huệ xuất hiện chợ hoa từ khắp nơi về tập kết ở bến Bạch Đằng, trên bờ và trải dài trên đại lộ.
Cuối thập niên 90, vì lý do trật tự tại trung tâm thành phố nên chợ hoa Nguyễn Huệ chuyển sang công viên 23/9. Năm 2004, chợ hoa trở lại đường hoa với diện mạo mới. Tháng 4/2015, TP HCM khánh thành công trình quảng trường đi bộ Nguyễn Huệ với chiều dài 670 m, rộng 64 m.
Quỳnh Trần