Ngày 15/2/2018, đêm 30 Tết, một vụ thảm án xảy ra tại thôn miền núi Vương Bình ở thành phố Hán Trung, tỉnh Thiểm Tây. Ba cha con họ Vương bị sát hại bởi hàng xóm tên Trương Khấu Khấu, 35 tuổi.
Nạn nhân là Vương Tự Tân và con trai cả Vương Hiệu Quân, con trai thứ ba Vương Chính Quân. Con trai thứ hai Vương Phú Quân thoát chết vì không về nhà ngày hôm đó. Sau vụ án, cảnh sát đã đưa Phú Quân đến nơi an toàn để bảo vệ, đồng thời mở cuộc truy lùng toàn diện với Khấu. Đến 17/2, ngày thứ ba sau án mạng, Khấu ra đầu thú.
Theo điều tra, Khấu quan sát ba cha con hàng xóm từ trên gác nhà mình, phát hiện họ đang chuẩn bị đi thăm mộ tổ tiên. Sau đó, Khấu đội mũ, đeo khẩu trang, cầm con dao, bám sau họ và chờ thời cơ phạm tội. Trước khi bỏ trốn khỏi hiện trường, Khấu còn đốt ôtô của Quân.
Khấu khai phạm tội để trả thù nhà họ Vương, bắt nguồn từ một vụ án khác cách hơn 20 năm.
Hai nhà Trương - Vương vốn là hàng xóm thân thiết, nhưng đã "trở mặt" vì mâu thuẫn lợi ích. Vào khoảng 19h ngày 27/8/1996, khi đi ngang qua nhà Vương Chính Quân, bà Trương Bình đã nhổ nước bọt vào mặt Phú Quân và bị bạt tai. Đôi bên cãi vã kịch liệt.
Nghe tin, Chính Quân chạy về, vừa chửi bới vừa đấm đá bà Bình. Khi chồng cùng con gái chạy đến, bà Bình nhận lấy thanh sắt, đánh vào trán và mặt đối thủ. Đáp trả, Chính Quân làm bà Bình ngã xuống đất, chết vào tối cùng ngày tại bệnh viện.
Ngày 5/12/1996, tòa sơ thẩm cho rằng Chính Quân phạm tội cố ý gây thương tích dẫn đến chết người. Tuy nhiên, do bị cáo chưa đủ 18 tuổi, thành thật nhận tội và bố đã chi trả số tiền lớn lo hậu sự cho nạn nhân, cộng thêm bà Bình cũng có một phần lỗi nên Chính Quân bị kết án 7 năm tù.
Về phần bồi thường dân sự, tòa cho rằng bị cáo đang đi học và chưa thành niên, gia đình khó khăn về tài chính nên người giám hộ là Vương Tự Tân phải bồi thường tổn thất kinh tế cho gia đình nạn nhân 9.639 nhân dân tệ.
Tuy nhiên, gia đình họ Trương không đồng ý với nội dung bản án cũng như phán quyết của tòa. Họ cho rằng Phú Quân cầm gậy đánh chết người nhưng cuối cùng thủ phạm tòa tuyên lại là Chính Quân.
Dù bất mãn với bản án, nhà họ Trương không kháng cáo hay kháng nghị. Thời gian trôi qua, vụ án dần bị lãng quên, không ai ngờ rằng 22 năm sau nó lại dẫn đến một thảm án khác.
Khấu mới 13 tuổi khi mẹ qua đời. Năm 17 tuổi, Khấu bỏ học, nhập ngũ vì gia đình khó khăn. Anh ta từng nói lý do nhập ngũ là để rèn luyện thân thể, sau này báo thù cho mẹ. Xuất ngũ, Khấu không được phân công công việc như ý nguyện.
Sau khi đi xuất khẩu lao động Argentina trở về năm 2017, Khấu luôn ở nhà, không có điều gì bất thường. Vài giờ trước khi gây thảm án trả thù nhà hàng xóm, Khấu còn dặn bố về sớm ăn cơm.
Ngày 8/1/2019, Khấu bị tuyên tử hình về tội Cố ý giết người.
Trước phiên tòa trung thẩm, ông Như vay 150.000 nhân dân tệ để xin cơ quan thẩm định Bắc Kinh giám định tâm thần cho con trai. Theo đánh giá, Khấu mắc chứng rối loạn nhân cách hoang tưởng do ảnh hưởng từ sự việc năm 13 tuổi, dẫn đến hạn chế về năng lực trách nhiệm hình sự.
Nhưng tòa án đã bác đơn xin ra tòa làm chứng của ba chuyên gia. Tòa án cho rằng, việc Chính Quân gây thương tích cho mẹ của Khấu đã bị trừng phạt, nhưng Khấu lại ôm mối hận, gây án với thủ đoạn tàn nhẫn. Bản án tử hình được thi hành vào ngày 17/7/2019.
Thảm án gây tranh cãi trong dư luận Trung Quốc. Các chuyên gia chỉ ra dù động cơ phạm tội là gì, hành vi giết người để trả thù của Khấu cần bị trừng phạt nghiêm khắc.
Theo Cố Vĩnh Trung, giáo sư Đại học Chính trị - Pháp luật Trung Quốc, không thể khích lệ việc giết người để giải quyết ân oán, nếu không sẽ trở thành vòng lặp không hồi kết.
Tuệ Anh (Theo CCTV, Toutiao)