Bác sĩ bỏ sót các dấu hiệu ban đầu khi Elodie Baker, sống ở Chigaco, được mẹ đưa đến khám sức khỏe.
"Quá trình mang thai diễn ra bình thường, ca sinh nở cũng không có gì phức tạp và chúng tôi đã đưa Elodie về nhà", Katie, mẹ của bé, cho biết.
Tuy nhiên, ngay sau đó, cả cô và chồng nhận thấy có điều bất ổn xảy ra với con gái mình. Elodie khó bú, bắt đầu khóc khi được mẹ cho bú.
"Đến một đêm, con không chịu ăn. Khi tôi đang cho bú, con bé òa khóc và trái tim tôi như chùng xuống. Tôi nói với chồng: 'Có chuyện gì đó không ổn, chúng ta cần đưa con vào viện'", Katie kể lại.
Ban đầu, bác sĩ không thể chẩn đoán con gái họ mắc bệnh gì, triệu chứng của em không có gì nổi bật. Sau đó, họ đề nghị chụp X-quang, quyết định bước ngoặt giúp cứu sống cô bé.
Phim chụp cho thấy trái tim của Elodie to bất thường. Em được chỉ định nhập viện để theo dõi và điều trị. Bệnh tim giãn nở xảy ra khi tâm thất trái, buồng tim của một người mở rộng, gặp khó khăn trong việc bơm máu. Nó thường không để lại triệu chứng rõ ràng, bác sĩ khó phát hiện bằng các xét nghiệm chẩn đoán thông thường.
"Trong trường hợp của Elodie, các xét nghiệm di truyền không cho thấy nguyên nhân em phát triển loại viêm cơ tim này. Nó được gọi là bệnh tim giãn nở vô căn. Chúng tôi thực sự không biết vì sao em mắc bệnh", bác sĩ Anna Joong, người điều trị chính của Elodie tại Bệnh viện Nhi Lurie, cho biết.
Bác sĩ nhanh chóng xác định cô bé cần ghép tim. Đây có thể là một thách thức đối với trẻ nhỏ, vì các cơ quan của người trưởng thành quá lớn để hiến tặng.
Trong thời gian chờ đợi, bác sĩ đã cấy thiết bị hỗ trợ tâm thất trẻ em (VAD) vào lồng ngực Elodie, có vai trò như trái tim nhân tạo. Em cũng sử dụng một ống thực quản và ống thở.
Một tháng trước, vào ngày 27/3, em cuối cùng nhận được trái tim hiến sau 200 ngày chờ đợi. Người hiến tặng là một bé sơ sinh mắc bệnh hiếm đã qua đời. Ca phẫu thuật thành công, Elodie được rút ống thở và trị liệu vật lý, ngôn ngữ giúp bắt kịp tốc độ phát triển của các bạn cùng trang lứa.
"Bé được chuyển khỏi khoa hồi sức tích cực và có thể ngồi thẳng. Em thật mạnh mẽ và chúng tôi cũng rất biết ơn gia đình đã hiến tặng trái tim", bác sĩ Joong chia sẻ.
Bệnh tim giãn nở gây ra khoảng 10.000 ca tử vong tại Mỹ hàng năm, có thể do di truyền. Một số người béo phì, tiểu đường, cao huyết áp hoặc gặp các vấn đề vì nhịp tim thường có nguy cơ cao mắc bệnh tim giãn nở. Để tránh gặp tình trạng này, bác sĩ khuyến nghị ăn uống lành mạnh, tránh hút thuốc lá.
Thục Linh (Theo Daily Mail)