Bé gái ngụ Trà Vinh chào đời với màu môi tím, gia đình nghĩ là đặc điểm di truyền nên không đưa đi khám. Gần đây, bé đến bệnh viện khám vì viêm phổi, bác sĩ phát hiện tim của bé có tình trạng bất thường trong cấu trúc của vách ngăn buồng tim kèm với vị trí các động mạch thay đổi. Điều này dẫn đến máu thiếu oxy trộn lẫn với máu giàu oxy gây ra tím ở môi, đầu các ngón tay ngón chân. Dị tật này được gọi là chuyển vị đại động mạch, rất khó siêu âm phát hiện trước sinh.
Các bác sĩ Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP HCM) nhận định thời gian vàng để mổ dị tật tim này là trước một tháng tuổi, nay bé đã bốn tháng nên khả năng các buồng tim đã suy chức năng. Kết quả chẩn đoán hình ảnh ghi nhận tim của bé sắp suy, vẫn có thể cứu chữa được nên bác sĩ nhanh chóng sắp xếp lịch mổ.
Bác sĩ Nhâm Bá Duy (Khoa Hồi sức Ngoại), cho biết trải qua cuộc mổ kéo dài 8 giờ, ống giúp thở của bé trào bọt hồng khi giảm dần máy hỗ trợ tim phổi, chứng tỏ tim trái đang suy cấp. Máy hỗ trợ tim phổi dùng riêng trong phòng mổ có thời gian chạy giới hạn, nếu muốn tiếp tục hỗ trợ cho bé cần phải chuyển sang máy hỗ trợ tim phổi thời gian chạy lâu hơn (máy ECMO).
Ê kíp hồi sức và phẫu thuật cùng nhau thảo luận và quyết định gắn ECMO cho bé. Thời gian từ lúc ra quyết định đến khi thành công hoàn tất là khoảng 4 giờ. "Các y bác sĩ đã thấm mệt khi phải làm việc liên tục suốt 12 giờ đồng hồ, nhưng vì tương lai của bé đã cố gắng tập trung cao độ, cần mẫn, tỉ mỉ, nỗ lực hết mình", bác sĩ Duy chia sẻ.
Sau mổ, bé được chuyển sang Khoa Hồi sức Ngoại. Trong suốt 6 ngày tiếp theo, các y bác sĩ luôn túc trực tinh chỉnh đông máu, điện giải, kiềm toan để giữ trạng thái tối ưu cho cơ tim được phục hồi. Các điều dưỡng chăm sóc rất kỹ càng, cố gắng cẩn thận tối đa không để tai biến xảy ra. Bác sĩ trưởng khoa luôn cập nhật tình hình mỗi ngày của bé cho người nhà qua điện thoại, giúp người mẹ phần nào vơi đi lo lắng bồn chồn khi không thể ở gần con.
Cai được ECMO, tim của bé phục hồi, phổi cũng thông khí tốt. Bé uống sữa qua ống thông dạ dày, phục hồi dinh dưỡng tiêu hóa. Bốn ngày sau đó, bé cai được máy thở, ngủ ngoan, toàn thân ấm áp hồng hào, vừa được chuyển khoa để được gần vòng tay của mẹ.
Theo bác sĩ Duy, trước đây những trường hợp triệu chứng tim bẩm sinh đến trễ, nặng nề, bệnh nhân thường không dễ sống sót. Nay bệnh lý này có thể được cải thiện nhờ phương tiện ECMO cùng với đội ngũ mổ tim phối hợp, ra quyết định điều trị kịp thời và hiệu quả.
Bác sĩ khuyến cáo phụ huynh nên thường xuyên đưa bé đi khám, tầm soát khi có dấu hiệu bất thường như tím môi, tím đầu chi, thở mệt, bú kém, chậm tăng cân, nhằm không bỏ sót tật tim bẩm sinh cũng như tránh để muộn màng.
Bệnh viện Nhi đồng 1 triển khai mổ tim cho trẻ em từ 2006, đưa tỷ lệ tử vong giảm còn dưới 5% mỗi năm. Bệnh viện sắp khánh thành Trung tâm chuyên sâu Phẫu thuật và can thiệp Tim mạch, giúp nhiều em bé dị tật tim bẩm sinh được điều trị hiệu quả hơn.