Ngày 18/1, thạc sĩ bác sĩ Cao Đằng Khang (Trưởng khoa Phẫu thuật Tim trẻ em Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM) cho biết đây là dị tật tim nguy hiểm cho trẻ sơ sinh vì ảnh hưởng trực tiếp đến tuần hoàn máu nuôi não và các cơ quan.
"Bình thường động mạch chủ sẽ kết nối với tâm thất trái, nhưng trường hợp này lại kết nối tâm thất phải, làm thay đổi trái ngược hai nguồn máu khác nhau để đi nuôi cơ thể. Máu nghèo oxy được cung cấp cho các cơ quan trong cơ thể thay vì đến phổi. Máu giàu oxy trở lại phổi thay vì cung cấp cho các cơ quan trong cơ thể. Điều này trái ngược với hoạt động bình thường của tim", bác sĩ Khang chia sẻ.
Trước đây, đa số bệnh chuyển vị đại động mạch được phát hiện muộn hơn, khi bé đã sinh ra đời. Hiện nay, nhờ những tiến bộ trong chẩn đoán trước sinh và sàng lọc bệnh lý nặng trước sinh, các bác sĩ có thể chẩn đoán chính xác nhiều bệnh lý phức tạp từ sớm.
Theo bác sĩ Khang, trong thai kỳ, chủ yếu trẻ sơ sinh được hỗ trợ tuần hoàn từ tim của mẹ, nên thai nhi trong bụng mẹ sẽ không bị ảnh hưởng nhiều khi mắc bệnh này. Khi em bé chào đời, khiếm khuyết này làm thay đổi tuần hoàn máu của cơ thể, nếu không được can thiệp sớm chắc chắn bé sẽ tử vong.
Ngay sau sinh, bắt buộc bé phải có sự hòa trộn máu để đủ máu nuôi cơ thể. Vì vậy các bác sĩ quyết định phá vách liên nhĩ tạo dòng máu trộn trong tim nhằm tăng lượng máu đỏ (máu giàu oxy) ra ngoài đi nuôi cơ thể, đảm bảo mức độ oxy ở mức không quá thấp đồng thời dùng thuốc để duy trì ống động mạch. Các thủ thuật này giúp duy trì nuôi cơ thể trong giai đoạn vừa chào đời và chờ đợi cuộc phẫu thuật cho bé.
Sau khi được can thiệp và hồi sức ngay sau sinh, bé lại thêm tình trạng nhiễm trùng sơ sinh nặng đòi hỏi phải điều trị chống nhiễm trùng tích cực để đảm bảo cho cuộc phẫu thuật.
Đến ngày thứ 10 sau chào đời, bé được bác sĩ phẫu thuật và sửa chữa toàn bộ tổn thương trong tim. Từ khi bé chào đời cho đến lúc phẫu thuật và giai đoạn nặng sau mổ đều rơi vào thời điểm dịch Covid-19 bùng phát mạnh mẽ, nên bệnh viện đã linh hoạt điều động nhân sự từ bệnh viện điều trị Covid tham gia cứu sống bé sơ sinh này. Ca phẫu thuật diễn ra thành công với sự phối hợp liên chuyên khoa giữa Trung tâm tim mạch và khoa sơ sinh, Gây mê hồi sức tim mạch. Ca phẫu thuật đã sửa chữa lại dị tật đảo ngược bẩm sinh của hai đại động mạch, giúp cấu trúc và sinh lý của tim trở về bình thường.
Sau phẫu thuật, bé được điều trị hơn một tháng về tình hình nhiễm trùng sơ sinh và nhiễm trùng sau mổ. Rất may mắn, hiện bé đã hồi phục tốt, hết nhiễm trùng, tim hoạt động tốt.
"Áp lực đầu tiên khi điều trị cho trường hợp này là bé còn quá nhỏ và các thủ thuật can thiệp bắt buộc phải tiến hành ngay sau khi bé sinh ra, em bé này còn bị nhiễm trùng sơ sinh nặng. Áp lực thứ hai là ca bệnh diễn ra trong thời điểm Covid-19 bùng phát mạnh, khó khăn trong huy động nhân lực", bác sĩ Khang chia sẻ.
Theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), cứ 1.000 trẻ sinh ra có 8 trẻ bị tim bẩm sinh. Có hơn 50 thể loại bệnh tim bẩm sinh, để đạt được kết quả điều trị cần kế hoạch riêng cho từng trẻ. Có trẻ chỉ cần theo dõi hoặc điều trị nội khoa, song có trường hợp phải can thiệp hoặc phẫu thuật.
"Trong quá trình mang thai, thai phụ cần thăm khám định kỳ theo lịch để nắm bắt sự phát triển của thai nhi và kịp thời xử lý những bất thường xảy ra", bác sĩ khuyến cáo.
Lê Cầm