Ung thư cổ tử cung là ung thư phổ biến hàng thứ 4, nguyên nhân thứ 2 gây tử vong cho phụ nữ. Trên thế giới hàng năm có khoảng 500.000 phụ nữ chẩn đoán bị ung thư cổ tử cung và một nửa trong số đó chết.
Bác sĩ Lê Văn Hiền, Phó Giám đốc chuyên môn Bệnh viện Phụ sản Mekong, Tổng Thư ký Hội Phụ sản TP HCM cho biết, ung thư cổ tử cung thường không có triệu chứng gì ở giai đoạn sớm, thăm khám lâm sàng cũng không cho thấy dấu hiệu. Ở giai đoạn trễ có thể có chảy máu sau giao hợp hay chảy máu tự nhiên, tiết dịch hôi, đau vùng chậu. Thăm khám sẽ thấy chồi, sùi, loét, polyp hoặc thâm nhiễm, rất dễ chảy máu... Khi triệu chứng xuất hiện, thông thường là lúc ung thư đã phát triển và ở vào giai đoạn khó điều trị.
Ung thư cổ tử cung không phải do di truyền hay viêm nhiễm sinh dục vì thiếu vệ sinh. Virus HPV là nguyên nhân gây nên hơn 99% trường hợp ung thư cổ tử cung. Có hơn 100 chủng HPV song chỉ 14 chủng được xem là nguy cơ cao dẫn đến ung thư cổ tử cung. Trong số đó, chủng 16 và 18 là hai chủng nguy cơ cao nhất, gây 70% các trường hợp ung thư cổ tử cung. Phụ nữ bị nhiễm chủng HPV 16, HPV 18 có khả năng phát triển thành tiền ung thư cổ tử cung cao hơn gấp 35 lần so với người không nhiễm HPV.
"Phần lớn trường hợp nhiễm HPV đều không có triệu chứng và tự hết trong 6-12 tháng nhờ hệ thống miễn dịch tự nhiên của cơ thể. Việc nhiễm kéo dài, nhiễm lặp lại sẽ làm gia tăng nguy cơ ung thư", bác sĩ Hiền chia sẻ.
Virus HPV rất dễ lây và chủ yếu lây lan qua quan hệ tình dục. Chỉ cần tiếp xúc ngoài da ở bộ phận sinh dục đã có thể lây. Tất cả phụ nữ đang có sinh hoạt tình dục đều có nguy cơ nhiễm HPV nhóm cao gây ung thư. Nguy cơ này bắt đầu từ lần quan hệ tình dục đầu tiên và kéo dài suốt cuộc đời. Ước tính khoảng 80% phụ nữ có một lần nhiễm HPV trong suốt cuộc đời họ.
Theo bác sĩ Hiền, ung thư cổ tử cung có thể được ngăn ngừa. Xét nghiệm HPV có thể phát hiện sớm bệnh, từ đó có hướng xử trí kịp thời nhằm ngăn ngừa bệnh, tránh hậu quả đáng tiếc khi bệnh ở giai đoạn muộn.
Lê Phương