Ở các giải marathon có tính chuẩn đầu vào trên thế giới hiện nay, tiêu chí dành cho nữ thường thấp hơn nam khoảng từ 30 phút tới 45 phút. Riêng Boston Marathon, mức chênh 30 phút được sử dụng từ năm 1987. Việc chuẩn nữ thấp hơn chuẩn nam được cho là để đảm bảo tính công bằng mà vẫn phản ánh đúng sự khác biệt sinh học về thành tích trung bình giữa hai giới.

Kathrine Switzer (bib F6) chạy cùng các VĐV nam tại Boston Marathon, ngày 17/4/1972. Ảnh: Frank O'Brien
Tuy nhiên, điều này không tự nhiên mà có. Boston Marathon, giải đầu tiên áp chuẩn đầu vào thành tích để kiểm soát lượng người tham dự, phải trải qua nhiều lần điều chỉnh trong 15 năm để tìm ra mức chuẩn đầu vào hợp lý cho VĐV nữ.
Boston Marathon lần đầu cho phụ nữ tham dự vào năm 1972, là một trong những giải đầu tiên trên thế giới làm điều này. Khi ấy, phong trào nữ quyền lan rộng trong thể thao sau sự kiện Kathrine Switzer "chạy chui" ở Boston Marathon 1967 và bị an ninh kéo khỏi đường đua.
Trước sức ép từ dư luận, ban tổ chức Boston Marathon miễn cưỡng cho phép phụ nữ đăng ký tham gia giải, nhưng áp mức chuẩn đầu vào bằng nam, tức 3 giờ 30 phút. Không có sự điều chỉnh nào để phản ánh sự khác biệt sinh học giữa hai giới.

Kathrine Switzer mang bib nam để "chạy chui" ở Boston Marathon 1967 và bị an ninh truy đuổi. Ảnh: Boston Globe
Ở thời điểm đó, y học nhận định phụ nữ không đủ sức khỏe để tham gia các môn thể thao sức bền như marathon. Nhưng thay vì đặt chuẩn thấp hơn nam để phù hợp với quan điểm này, ban tổ chức lại đặt một mức mà theo họ lý giải là để đảm bảo chỉ có những nữ VĐV đủ khả năng mới được tham gia.
Bất chấp điều đó, vẫn có 9 nữ runner đáp ứng điều kiện, 8 trong số đó hoàn thành cuộc đua. Họ là Nina Kuscsik, Kathrine Switzer, Elaine Pedersen, Frances Morrison, Sara Mae Berman, Ginny Collins, Pat Barrett và Valerie Rogosheske. Kuscsik sau đó trở thành nữ VĐV đầu tiên vô địch Boston Marathon với thời gian 3 giờ 10 phút 26 giây.
Chuẩn đầu vào Boston Marathon (BQ) được giữ ở mức ngang bằng cho nam và nữ ở mọi nhóm tuổi cho đến năm 1977. Khi ấy, giải bắt đầu tính chuẩn riêng cho nhóm tuổi 18-39 của nam ở mức 3 giờ. Nữ giới vẫn phải bắt kịp chuẩn 3 giờ 30 (3:30) như những nhóm tuổi còn lại của nam nếu muốn tham dự.
Năm 1980, lần đầu tiên ban tổ chức thừa nhận rằng nữ có đặc thù thể chất khác, nhưng vẫn áp dụng mức chênh lệch ít ỏi (10 phút) so với nam trên 39 tuổi, ở mức 3:20. Từ 1981, ban tổ chức bắt đầu áp chuẩn theo nhóm tuổi cho nữ - 3:20 cho nhóm dưới 39 và 3:30 cho nhóm trên.
Từ 1984 tới 1986, Boston Marathon chia VĐV nam và nữ thành bốn nhóm tuổi: 18-39, 40-49, 50-59 và 60 trở lên. Nhóm 18-39 có chuẩn đầu vào chênh 30 phút, các nhóm còn lại chênh 20 phút. Từ 1987 cho đến nay, chuẩn của nam và nữ được giữ ở mức cách nhau 30 phút cho mọi nhóm tuổi.
Sau này, các giải marathon lớn tham khảo mức chênh lệch này để áp chuẩn cho nam và nữ. VnExpress Marathon Volvo All-Star 2025, giải marathon áp chuẩn đầu tiên của Việt Nam, đưa ra mức sub4 marathon cho nam và sub5 cho nữ (chênh 1 tiếng), và sub2 bán marathon nam, sub2:30 nữ (chênh 30 phút).
Một số môn thể thao khác cũng trải qua câu chuyện tương tự. Giải đua xe đạp vòng quanh nước Pháp Tour de France, ra đời năm 1903, từng có ý tưởng tổ chức giải cho nữ vào năm 1955 nhưng nhanh chóng bị hủy bỏ vì "phụ nữ không đủ sức". Sau nhiều lần thử nghiệm thất bại, đến năm 2022, phiên bản nữ mới ra mắt với lộ trình 8 ngày thay vì 21 ngày như nam sau khi ban tổ chức tính ra mức phù hợp để có đủ lượng VĐV.

Valerie Rogosheske tham dự Boston Marathon 2022, 50 năm sau lần tham dự đầu tiên. Ảnh: AP
Môn trượt băng tốc độ trải qua gần 30 năm điều chỉnh để tìm ra những cự ly phù hợp cho VĐV nữ. Còn môn cử tạ cũng phải mất nhiều năm để phân tích dữ liệu, trước khi đưa ra hạng cân và mức chuẩn hợp lý thay vì áp dụng y hệt chuẩn của nam.
Ngày nay, trang Women's Running ước tính có khoảng 40-50% VĐV tham dự các giải marathon lớn như Boston, New York hay Chicago là nữ. Riêng Boston Marathon, thống kê gần nhất có thể tiếp cận là vào năm 2022, khi có 12.100 VĐV nữ trong tổng số 28.600 người tham gia. Cũng trong sự kiện này, một nhóm tám nữ runner, trong đó có Valerie Rogosheske, đã thi đấu để tưởng nhớ sự kiện trước đó 50 năm.
Những con số này không chỉ cho thấy Boston Marathon đã thay đổi chính sách như thế nào, mà còn phản ánh hành trình đấu tranh của phụ nữ để có một vị trí xứng đáng trong môn chạy bộ.
Thy An