Độc giả gửi câu hỏi tại đây
Theo bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Thị Phương Nga - Trưởng khoa Nội thần kinh Bệnh viện Thống Nhất (TP HCM), chứng chóng mắt thường gặp ở nhiều người, với các độ tuổi khác nhau, nhất là nhân viên văn phòng thường phải lao động trí óc, người trung niên, cao tuổi. Do tình trạng này thường xảy ra nên không ít người còn thơ ơ, chưa quan tâm đúng mức.
Chóng mặt dù không phải là bệnh nhưng có thể là một trong những dấu hiệu cho thấy cho bạn đang gặp một số vấn đề về sức khỏe. Chóng mặt có thể xuất phát từ các bệnh lý nội khoa, rối loạn tiền đình như rối loạn tiền đình ngoại biên, rối loạn tiền đình trung ương...
Căng thẳng tâm lý do áp lực công việc, gia đình, mệt mỏi, lo âu... cũng là nguyên nhân có thể khiến bạn gặp triệu chứng này thường xuyên và nặng hơn.
Theo bác sĩ Phương Nga, chóng mặt đang có xu hướng gặp nhiều hơn ở những người trẻ tuổi, nguyên nhân do cuộc sống hiện đại ngày càng bận rộn, áp lực trong công việc nhiều hơn, chế độ sinh hoạt không điều độ.
Chóng mặt có thể gồm cả hai loại sinh lý và bệnh lý. Chóng mặt bệnh lý thường tự phát, gây ra những triệu chứng như chao đảo, choáng váng, lâng lâng, xây xẩm, tối sầm, xoay vòng... Hiện tượng này diễn biến ngắn hoặc dài, ngắn có thể vài phút, dài thì nhiều ngày, đôi lúc tái đi tái lại. Trường hợp, chóng mặt không xảy ra thường xuyên thì bạn có thể không cần phải lo lắng quá nhiều. Tuy nhiên, nếu lặp lại nhiều lần trong ngày, tuần, bạn nên đến bác sĩ để tìm nguyên nhân.
Bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Thị Phương Nga chia sẻ thêm, chóng mặt cần điều trị theo từng nguyên nhân cụ thể. Một số trường hợp, chứng chóng mặt thuyên giảm bằng cách thay đổi lối sống, nghỉ ngơi nhiều hơn, ngủ đủ giấc, hạn chế căng thẳng... Một số trường hợp nặng, bác sĩ cho bệnh nhân dùng thuốc phù hợp và đưa ra cách điều trị phù hợp.
Khi chóng mặt đột ngột diễn ra, theo bác sĩ Phương Nga, bạn nên tìm chỗ nằm nghỉ ngơi, cố gắng mở mắt và nhìn thẳng vào một điểm nào đó trước mặt. Những khi đi ngoài đường, đang chạy xe, nếu cảm thấy có hiện tượng xây xẩm, chao đảo, xoay vòng... nên dừng lại để cơn chóng mặt qua đi. Khi triệu chứng chóng mặt thuyên giảm, bạn nên đến bệnh viện để thăm khám.
Xử trí khi bị chóng mặt sao cho phù hợp, tìm ra những nguyên nhân, cách phòng ngừa chóng mặt hiệu quả, làm cách nào để phân biệt chóng mặt với nhức đầu, thiếu máu não... Tất cả những câu hỏi của độc giả sẽ được bác sĩ Phương Nga, Trưởng khoa Nội thần kinh Bệnh viện Thống Nhất (TP HCM) chia sẻ cụ thể tại buổi tư vấn trực tuyến lúc 14h ngày 29/10 trên VnExpress.
Bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Thị Phương Nga hiện là Trưởng khoa Nội Thần kinh Bệnh viện Thống Nhất (TP HCM), ủy viên của các hội như Hội đột quỵ TP HCM, Hội đột quỵ Việt Nam, Hội bệnh Alzheimer và Rối loạn nhận thức thần kinh Việt Nam.
Kim Uyên