Thông báo kết quả lượng giá cuối kỳ Chương trình chống lao quốc gia giai đoạn 2011-2015, cuối tuần qua tiến sĩ Locky Wai, Trưởng đại diện Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đánh giá Việt Nam là một trong những nước có chương trình phòng chống lao tốt nhất thế giới. Tình trạng bệnh lao đã giảm trong những năm qua, tuy nhiên vấn đề khó khăn hiện nay là lao đa kháng thuốc.
Theo báo cáo của WHO năm 2014, Việt Nam đứng thứ 12 trong số 22 nước chịu gánh nặng của bệnh lao, xếp thứ 14 trên 27 nước bị ảnh hưởng nặng nề của tình trạng lao kháng thuốc. Số mắc lao mới được phát hiện hàng năm ở mức cao với 130.000 ca. Trong đó chiếm tỷ lệ cao nhất là các tỉnh khu vực phía Nam, đặc biệt với người có nền bệnh lý nhiễm HIV tại TP HCM và đồng bằng sông Cửu Long, thấp nhất ở miền núi và cao nguyên.
Bác sĩ Leopold Blanc thuộc nhóm chuyên gia độc lập, nhận định tình hình dịch tễ lao ở Việt Nam còn nhiều vấn đề tồn tại. Số ca mắc mới trong cộng đồng giảm nhưng tốc độ chậm, trong khi số ca lao kháng đa thuốc ngày càng tăng. Trong một năm (2011-2012) khoảng 5.100 trường hợp lao kháng đa thuốc được phát hiện. Tỷ lệ lao kháng đa thuốc cao đồng nghĩa với một lượng lớn bệnh nhân không được điều trị đúng cách.
Tình trạng lao đa kháng thuốc được cho là có liên quan đến việc điều trị không đúng cách tại các cơ sở y tế không thuộc chương trình chống lao. Hiện nay 44 trên 63 tỉnh thành có bệnh viện lao và phổi tuyến tỉnh với nhiều giường cho bệnh nhân nằm viện. Dù vậy xu hướng kéo dài ngày nằm viện điều trị lao dẫn đến gia tăng chi phí, không hiệu quả và không thân thiện với người bệnh, công tác kiểm soát nhiễm trùng chưa tốt làm gia tăng tình trạng lao đa kháng thuốc.
Các chuyên gia nhìn nhận sự hợp tác của chương trình chống lao với các cơ sở y tế công và tư đã góp phần phát hiện khoảng 20% số ca mắc lao. Hạn chế là các kỹ thuật hiện đại trong xét nghiệm lao chưa được sử dụng triệt để trong chẩn đoán lao và lao kháng đa thuốc.
Chương trình chống lao đứng trước thách thức ngân sách tài trợ cho dịch vụ chẩn đoán điều trị lao đa kháng thuốc từ nước ngoài sẽ không còn trong những năm tới. Trong khi đó sự tham gia của các tổ chức lao động thương binh, xã hội vào chương trình chống lao còn hạn chế, bệnh nhân không được hỗ trợ tâm lý, xã hội, quyền riêng tư của người bệnh chưa được bảo đảm... Các chuyên gia lo ngại sắp tới bệnh nhân phải tự chi khoản tiền lớn trong quá trình điều trị cộng với nguy cơ kiểm soát nhiễm khuẩn không tốt ở khoa lao kháng đa thuốc, không có sẵn phác đồ điều trị hoặc chăm sóc giảm nhẹ cho những ca điều trị thất bại... dẫn đến nguy cơ tử vong và mất dấu cao.
Dự kiến đến năm 2017, bảo hiểm y tế sẽ chi trả toàn bộ chi phí liên quan đến lao. Khoảng 20-25% người bệnh không có bảo hiểm giai đoạn 2016-2020, tức là nhóm này sẽ phải chi trả chi phí lớn trong suốt quá trình điều trị. Bảo hiểm y tế có tác dụng khuyến khích bệnh nhân điều trị, song ở góc độ khác một số chuyên gia bày tỏ lo ngại nó có thể làm lệch hướng chương trình chống lao. Theo đó, khi không chịu áp lực về viện phí, cả người bệnh và bác sĩ có xu hướng kéo dài thời gian nằm viện, trong khi vấn đề kiểm soát nhiễm khuẩn không tốt dễ dẫn đến điều trị thất bại.
Các chuyên gia khuyến nghị Chính phủ cần coi chương trình chống lao là vấn đề ưu tiên, Bộ Y tế phải theo dõi chặt chẽ việc tuân thủ chỉ tiêu của chương trình chống lao ở các địa phương. Một trong những mục tiêu của WHO là kêu gọi các tổ chức ngoài y tế cùng tham gia, tăng cường hơn nữa hợp tác công tư.
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Xuyên nhìn nhận bệnh lao là một vấn đề xã hội, do đó cần có sự hợp tác chặt chẽ hơn nữa giữa các ngành, các tổ chức để hướng tới mục tiêu vì một xã hội không còn bệnh lao.
Trần Ngoan
tranngoan@vnexpress.net