Chị Trần Cẩm Thuyên quê ở Biên Hòa, Đồng Nai, mẹ mất sớm, nhà chỉ có hai chị em sống với bố. Gần chục năm trước Thuyên sang Mỹ du học rồi lấy chồng và định cư. Trong thời gian này em trai là Trần Thiên Khoa ở nhà đổ bệnh, sức khỏe ngày càng suy giảm. Bác sĩ xác định Khoa bị lao phổi nên chỉ định dùng thuốc theo chương trình điều trị lao quốc gia.
Sau 8 tháng uống thuốc, kết quả xét nghiệm cho thấy bệnh nhân không còn virus lao nữa song lại bị nấm hình thành trong phổi. Từ đó Khoa liên tục sốt, mệt, khó thở, tiếp tục uống thuốc trị lao. "Bệnh của em tôi không thuyên giảm mà còn nặng hơn, thường xuyên ho ra máu, cơ thể chỉ còn da bọc xương. Bác sĩ tiên lượng em ấy không sống được bao lâu nữa", người chị ngậm ngùi.
Xót xa cho số phận của đứa em trai duy nhất có thể kết thúc khi tuổi đời còn quá trẻ, cô chị quyết tâm "còn nước còn tát". Chị Thuyên liên lạc với một bệnh viện ở Singapore và bay về nước đưa em sang chữa trị. Bác sĩ cảnh báo tình trạng bệnh của Khoa có thể ho ra máu và suy hô hấp bất cứ lúc nào, nếu di chuyển bẳng máy bay dân dụng sẽ rất nguy hiểm. Không còn lựa chọn nào khác, Thuyên đành thuê riêng một chiếc máy bay với chi phí 25.000 USD đưa em từ Việt Nam sang Singapore.
Vừa đến nơi, Khoa lập tức được đưa vào phòng cấp cứu. Nhận thấy tình trạng bệnh nhân quá nặng, các mạch máu nhỏ ở phổi đã vỡ có nguy cơ tử vong trên bàn mổ nên bác sĩ Singapore từ chối phẫu thuật. Song bệnh nhân ho ra máu không cầm được, nếu không can thiệp thì sẽ tử vong chỉ sau vài phút nên gia đình quyết định yêu cầu phẫu thuật và chịu mọi trách nhiệm. "Rất may các bác sĩ đã chấp thuận", người chị nhớ lại.
Trực tiếp phẫu thuật cho Khoa là bác sĩ Su Jang Wen, một chuyên gia phẫu thuật tim và lồng ngực, Bệnh viện Gleneagles, Singapore. Ông cho biết đây là một trong những ca đặc biệt khó bởi nhập viện trễ, phổi đã bị phá hủy nặng do lao, ho ra máu không cầm được vì vỡ mạch máu trong phổi... Kết quả xét nghiệm cho thấy Khoa bị nhiễm lao thể đặc biệt kèm theo nấm phổi.
Nhớ lại thời khắc sinh - tử mong manh của bệnh nhân, vị bác sĩ chia sẻ: "Chỉ còn sự lựa chọn là phẫu thuật, còn không bệnh nhân sẽ chết. Cuối cùng chúng tôi quyết định phẫu thuật cắt bỏ phổi trái để cứu bệnh nhân". Việc phẫu thuật cắt bỏ một lá phổi không hề đơn giản do huyết áp bệnh nhân xuống thấp, mạch không ổn định, mất máu nhiều… Trong suốt quá trình mổ, Khoa có lần bị ngưng hô hấp nên phải dừng lại để đặt nội khí quản mới tiếp tục bóc tách và cắt bỏ phổi trái. Ca mổ được kiểm soát chặt chẽ bởi các bác sĩ chuyên khoa hô hấp và nhiễm trùng.
Sau những giờ phút chờ đợi căng thẳng, cả gia đình vỡ òa hạnh phúc khi bác sĩ thông báo ca mổ thành công tốt đẹp.
Đến nay Khoa đã khỏe mạnh và trở lại cuộc sống thường nhật. Các bác sĩ dặn dò bệnh nhân cần tuân thủ uống thuốc, tái khám và duy trì chế độ vận động, tập vật lý trị liệu để phục hồi chức năng phổi.
Bác sĩ Su khẳng định dù đã bị cắt một bên phổi, chức năng hô hấp của bệnh nhân vẫn được đảm bảo. Sau mổ, bệnh nhân không nên nằm lâu mà cần tập đi lại nhẹ nhàng. Khi sức khỏe đã bình phục cần duy trì tập luyện thể thao để phổi phải hoạt động tốt hơn và đảm bảo được chức năng hô hấp đủ cho các hoạt động của cơ thể.
Thi Trân