Chiều 5/3, đại diện Công ty Cổ phần Vacxin Việt Nam (VNVC) cho biết thông tin trên. Hiện lô vaccine Covid-19 đầu tiên ở Việt Nam vẫn đang được bảo quản nghiêm ngặt trong kho lạnh của VNVC tại TP HCM, chưa vận chuyển đến bất kỳ địa điểm tiêm chủng nào theo chỉ định của Bộ Y tế.
Hai thùng hàng chứa 117.600 liều vaccine AstraZeneca đã được mở khi về đến kho tuần trước. Cơ quan chức năng đã lấy đi một số liều để kiểm định chất lượng sản phẩm. Số vacicine còn lại đã được VNVC kiểm đếm lại số lượng, tình trạng bảo quản, đóng gói thành từng kiện nhỏ, niêm phong.
Phía VNVC cho biết họ đang chờ kế hoạch phân phối cụ thể từ Bộ để lên phương án và lịch trình vận chuyển chi tiết. Ngay khi có kết quả kiểm tra chất lượng và chỉ đạo triển khai tiêm chủng từ Bộ Y tế, các kiện vaccine sẽ lên đường ngay, kịp thời gian tiêm chủng.
"Chúng tôi có thể sẽ dùng cả xe lạnh chuyên dụng và máy bay vận chuyển vaccine, tùy vào vị trí và giao thông các địa phương tiếp nhận", đại diện VNVC nói.
Hiện, các ôtô và hệ thống các thùng bảo quản chuyên dụng dùng vận chuyển vaccine đã hoàn tất quy trình kiểm tra kỹ thuật, đáp ứng tiêu chuẩn GSP (thực hành tốt bảo quản thuốc), GDP (thực hành tốt phân phối thuốc) theo quy định của Bộ Y tế, sẵn sàng lăn bánh. Các xe này sẽ đưa vaccine từ kho tổng tại TP HCM đến các địa phương lân cận. Riêng các tỉnh phía bắc và Tây Nguyên, VNVC sẽ thuê máy bay, đi bằng đường hàng không.
Đại diện VNVC nhấn mạnh, vaccine AstraZeneca có điều kiện bảo quản (2-8 độ C) như tất cả các loại vaccine thông thường đang có mặt tại Việt Nam. Quy trình bảo quản, vận chuyển diễn ra thường quy. Chỉ có điều, đây là vaccine được nhập khẩu trong tình huống khẩn cấp để phòng chống dịch. Do đó, VNVC kỹ lưỡng hơn một chút, giảm thiểu tối đa sai sót có thể xảy ra.
Dự kiến 13 tỉnh thành có dịch là Hải Dương, Quảng Ninh, Hà Nội, Bắc Ninh, Điện Biên, Hưng Yên, Hòa Bình, Bắc Giang, Hải Phòng, Hà Giang, TP HCM, Gia Lai, Bình Dương sẽ được ưu tiên tiêm trước. Nhóm nhân viên y tế, đặc biệt là người trực tiếp tham gia điều trị cho bệnh nhân Covid-19, nhân viên nhân viên tham gia phòng chống dịch, nhân viên ngoại giao, hải quan, lực lượng quân đội, công an... đứng đầu danh sách 11 nhóm đối tượng tiêm trước, đã được Bộ Y tế công bố.
Tại cuộc họp Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống Covid-19 sáng 5/3, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam lưu ý Bộ Y tế tổ chức, đánh giá độ an toàn, hiệu lực, hiệu quả một cách tốt nhất. Đây là nhiệm vụ khó khăn bởi trong những đợt tiêm chủng mở rộng, những vaccine đã ổn định cũng có lúc xảy ra sự cố, sơ suất, nếu không chuẩn bị tốt sẽ biến thành sự cố lớn.
Hơn nữa, tất cả vaccine trước đây tiêm ở Việt Nam đều được phát triển theo quy trình lúc bình thường, với thời gian trung bình 7-8 năm, thậm chí có loại 12 năm. Trong khi đó, vaccine Covid-19 được nghiên cứu, phát triển theo quy trình khẩn cấp, việc cấp giấy phép sử dụng ở Việt Nam cũng vậy. Vì vậy, các đơn vị phải cảnh giác, chuẩn bị kỹ lưỡng khi tiêm.
"Bộ Y tế tuyên truyền cho người dân, khi tiêm đảm bảo an toàn mức cao nhất, nếu có bất kỳ sự cố nào, dù nhỏ cũng phải bình tĩnh xử lý", Phó thủ tướng Đam nói.
Ngày 6/3, Bộ tập huấn với tất cả đơn vị tiêm chủng trên toàn quốc về tiếp nhận, sử dụng, xử lý tai biến sau tiêm. Ngày 8/3, các đơn vị bắt đầu tiêm tại 18 cơ sở đang điều trị bệnh nhân Covid-19, vùng có dịch, trường hợp được ưu tiên theo quy định của Chính phủ. Những người đã tiêm chủng sẽ được quản lý, theo dõi bằng hồ sơ sức khỏe điện tử, có chứng nhận điện tử đã được tiêm vaccine.
Việt Nam dự kiến nhận 150 triệu liều vaccine trong năm nay và đầu năm sau, chia thành 7 đợt, được cung ứng từ AstraZeneca, Covax và sản xuất trong nước. Ngày 24/2, hai lô đầu tiên với 117.600 liều đã về đến Việt Nam.
Thư Anh