Phiên toà sẽ kéo dài trong ba ngày, từ sáng 29/11. Trong 11 người kháng cáo có 7 bị cáo từng làm việc tại Công ty Nhật Cường là Nguyễn Bảo Ngọc, Giám đốc tài chính; Trần Ngọc Ánh, Phó tổng giám đốc; Đỗ Quốc Huy, Giám đốc Bán hàng; Nông Văn Lư, nhân viên; Hoàng Văn Phong, Trưởng ngành hàng Apple; Nguyễn Thị Bích Hằng, Kế toán trưởng và Lê Hoài Phương, nhân viên Công ty Nhật Cường Quảng Châu (Trung Quốc).
Bốn người khác cùng kháng cáo, gồm: Ngô Tuấn Sửu, Giám đốc Công ty cổ phần đầu tư và phát triển hạ tầng Thanh Sơn và Nguyễn Bảo Trung, Ngô Đức Tùng, Phạm Văn Hiệp
3 người còn lại của vụ án không kháng cáo là Bùi Quốc Việt, nhân viên Công ty Nhật Cường; Trần Tất Khoa, Giám đốc Công ty Nhật Cường tại Quảng Châu, Trung Quốc và lao động tự do Đỗ Văn Dũng.
Cả 11 người xin giảm nhẹ hình phạt, miễn trách nhiệm nộp tiền khắc phục hậu quả. Bị cáo Ánh cho rằng toà sơ thẩm chưa xem xét khách quan các yếu tố giảm nhẹ nên hình phạt 13 năm tù là quá cao. Ông nói chỉ là người làm công ăn lương tại Nhật Cường, không được hưởng lợi từ hoạt động buôn lậu của ông chủ Bùi Quang Huy.
Là người duy nhất bị tuyên phạt 2 tội danh, bị cáo Ngọc cũng nêu nội dung kháng cáo như ông Ánh; cho rằng chỉ phụ trách tài chính, quản lý thu chi cho công ty, không biết về hoạt động kinh doanh, hệ thống sổ sách kế toán...
Liên quan vụ án này, VKSND Hà Nội ra kháng nghị, đề nghị toà phúc thẩm xét xử vụ án theo hướng đưa Công ty Nhật Cường tham gia tố tụng với tư cách bên có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan. Nhật Cường phải nộp lại 221 tỷ đồng thu lợi bất chính từ hành vi buôn lậu để tịch thu sung quỹ nhà nước mà không buộc 13 bị cáo phạm tội Buôn lậu phải liên đới nộp lại khoản này.
Theo bản án sơ thẩm, từ 2014 đến tháng 5/2019, Công ty Nhật Cường mua 2.502 đơn hàng với 254.364 sản phẩm của nhiều chủ hàng tại nước ngoài. Công ty không nhập khẩu điện thoại qua đường chính ngạch mà chi 72,9 tỷ đồng để thuê 9 đường dây vận chuyển trái phép từ Hong Kong về Việt Nam. Tổng trị giá hàng hoá và chi phí tiền công vận chuyển hơn 3.000 tỷ đồng, thu lợi hơn 221 tỷ đồng.
Các hoạt động mua bán hàng hoá từ nước ngoài của Nhật Cường không có hoá đơn nên bị coi là buôn lậu. Huy còn chỉ đạo nhập nhiều số liệu trên phần mềm để theo dõi nội bộ mà không đưa vào báo cáo thuế. Hành vi này bị xác định gây thiệt hại cho nhà nước gần 30 tỷ đồng.
Giám đốc tài chính Nguyễn Bảo Ngọc bị phạt 14 năm tù về 2 tội Buôn lậu và Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng. Nguyễn Thị Bích Hằng (Kế toán trưởng) bị phạt 3 năm 6 tháng tù về tội Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng. Bị cáo Ngọc và Hằng nộp sung công quỹ nhà nước gần 30 tỷ đồng gây thiệt hại, trong đó Ngọc 16 tỷ, Hằng hơn 13 tỷ.
Ở nhóm tội Buôn lậu, toà phạt ông Ánh, Phó tổng giám đốc Nhật Cường, bị phạt 13 năm tù. 11 người còn lại từ 4 đến 9 năm tù.
Bùi Quang Huy đang bỏ trốn nên toà tuyên buộc 13 bị cáo phạm tội Buôn lậu phải liên đới nộp lại khoản tiền thu lời bất chính này. Cụ thể, ông Ánh nộp 69 tỷ đồng, Ngọc 40 tỷ, Lư 10 tỷ và những bị cáo còn lại từ hơn một tỷ đồng đến 10 tỷ đồng.
HĐXX kiến nghị Cơ quan điều tra Bộ Công an và VKSND Tối cao phối hợp khẩn trương điều tra, truy bắt những nghi phạm đang bỏ trốn, đặc biệt là Bùi Quang Huy. Với hai tiệm vàng Lộc Phát ở phố Hà Trung và Thuận Phát ở phố Hàng Dầu bị cáo buộc giúp Nhật Cường chuyển số tiền lớn ra nước ngoài, toà kiến nghị tiếp tục điều tra để tránh bỏ lọt tội phạm.