Tiến sĩ Nguyễn Trọng Hưng, Trưởng Khoa Khám Tư vấn Dinh dưỡng người lớn, Viện Dinh dưỡng Quốc gia, cho biết dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, nên tăng sức đề kháng cho cơ thể bằng những loại thực phẩm sau:
Trái cây giàu vitamin C
Vitamin C là axit ascorbic, một sinh tố tăng cường miễn dịch tốt nhất. Vitamin C hỗ trợ cơ thể đề kháng với nhiễm trùng, tạo ra collagen, tăng cường hấp thu chất sắt, chống bệnh đục thủy tinh thể bằng cách tăng lượng máu đến mắt. Vitamin C cũng là một chất chống oxy hóa, giúp bảo vệ tế bào khỏi tổn thương từ gốc tự do. Chính tổn thương tế bào của gốc tự do đã gây ra các bệnh tim mạch, ung thư và bệnh mạn tính khác.
Nguồn vitamin phong phú nhất là trái cây và rau quả. Các loại trái cây giàu vitamin C như nho, cam, chanh, ổi, bưởi... nên ăn hàng ngày.
Ớt chuông đỏ
Ớt chuông đỏ giàu vitamin C. Một chén ớt chuông đỏ xắt nhỏ chứa gần gấp ba lần hàm lượng vitamin C trong một quả cam (khoảng hơn 190 mg). Ớt đỏ cũng là nguồn cung cấp vitamin A tuyệt vời, có thể giúp tăng cường sức khỏe của mắt. Ngoài ra, vitamin B6, vitamin E và folate trong quả tốt cho sức khỏe tổng thể.
Súp lơ xanh
Súp lơ xanh là một loại rau giàu vitamin C. Bác sĩ Hưng cho biết vitamin C thuộc nhóm vitamin tan trong nước. Cơ thể không có được khả năng tạo ra được vitamin này hoặc tích trữ nó. Cho nên chúng ta cần phải được cung cấp vitamin C hàng ngày nhằm đảm bảo không để thiếu hụt.
Để bổ sung nhiều vitamin C, tốt hơn là ăn súp lơ xanh sống hơn là nấu chín.
Tỏi
Một trong những công dụng của tỏi là tiêu diệt vi trùng. Tỏi được coi như chất kháng sinh và kháng khuẩn. Khi bị cảm lạnh, hen phế quản và ho gà, người ta thường xoa ngực bằng tỏi giã nát. Tỏi có tác dụng kích thích và điều hòa chức năng cơ thể, như điều hòa các rối loạn chức năng gan (gây bệnh vàng da) và các tuyến nội tiết, đau thần kinh hông, chóng mặt, nóng lạnh bất thường. Tỏi giã vắt lấy nước cốt uống (10 ml) chữa sốt truyền nhiễm, cảm cúm, nhức đầu.
Các chế phẩm từ tỏi gồm tương tỏi, rượu tỏi, cao tỏi, thuốc tỏi để xông... có thể sử dụng trong bối cảnh dịch Covid-19 để tăng sức đề kháng cho cơ thể.
Đu đủ
Trong 100 g đu đủ chứa lượng vitamin C khoảng 62 mg. Đây cũng là một loại trái cây chứa nhiều chất chống oxy hóa như carotene và flavonoid, vitamin A và folate. Trái cây này chứa men papain, một loại men rất tốt cho đường tiêu hóa và hỗ trợ cho hệ thống men khác hấp thu tối đa thực phẩm ăn vào cơ thể.
Gừng
Ngay từ thời đại các Vua Hùng (2879-287 trước Công nguyên) tổ tiên ta dùng gừng ăn với thịt chim, cá, ba ba cho đỡ lạnh, dễ tiêu. Từ đó người dân đã biết dùng gừng, hành, tỏi, ớt, tía tô làm gia vị ăn hàng ngày để phòng bệnh.
Trong gừng chứa tinh dầu 2-3%, nhựa dầu 5%, dầu mỡ 3,7%, tinh bột, chất cay (Zingeron, Zingerol, Sogal), những chất này đều hiệu quả trong các bài thuốc chữa bệnh từ gừng, góp phần tác dụng tăng sức đề khác cho cơ thể.
Sữa chua
Sữa chua giàu vitamin C, tác dụng kháng khuẩn, dễ tiêu, nên ăn hàng ngày trong dịch Covid-19.
Hạt hạnh nhân
Hạnh nhân phổ biến trong chế độ ăn của người Ai Cập cổ đại và Ấn Độ. Cổ học Ayurvedic Ấn Độ tin rằng hạnh nhân có khả năng nâng cao năng lực não bộ, khả năng trí tuệ và tuổi thọ. Những lợi ích của hạt hạnh nhân được đã được chứng minh như: ngừa bệnh tim, giúp não khỏe mạnh, ngăn ngừa đái tháo đường, hấp thu dinh dưỡng, tăng sức khỏe tiêu hóa...
Thịt gia cầm, hải sản
Thịt và hải sản giàu chất dinh dưỡng. Đặc biệt, những loại động vật thân mềm như sò, hàu, trai, sò điệp, ốc chứa lượng lớn chất sắt, nên thêm vào chế độ ăn uống hằng ngày để đảm bảo cung cấp đầy đủ dinh dưỡng cho cơ thể. Ngoài ra, trong một số loại cá biển, tôm cua cũng có hàm lượng sắt cao. Cơ thể con người dễ hấp thụ chất sắt từ hải sản hơn là từ những loại thực phẩm khác. Cơ thể nạp đầy đủ chất dinh dưỡng thì sức đề kháng mới mạnh.
Bác sĩ Hưng lưu ý, không có thực phẩm nào hoàn hảo, vì vậy nên ăn đa dạng thực phẩm mỗi ngày. Nên ăn đủ, ăn đúng số lượng theo khuyến nghị của chuyên gia dinh dưỡng, tránh ăn quá nhiều hoặc quá ít.
Thúy Quỳnh