Chăm sóc F0 tại nhà
Ngày 28/7, TP HCM tiên phong triển khai thí điểm mô hình chăm sóc F0 tại nhà, giảm tải cho các bệnh viện trong bối cảnh số ca nhập viện tăng cao tại các cơ sở cách ly và bệnh viện dã chiến. Đầu tháng 8, Sở Y tế ban hành hướng dẫn quy trình theo dõi chăm sóc F0 tại nhà và cập nhật liên tục, bắt đầu cung cấp túi thuốc A, B cho người dân, số ca chuyển đi cấp cứu giảm dần.
Cuối tháng 8, túi thuốc C với thuốc kháng virus molnupiravir được Bộ Y tế cấp cho TP HCM, trong chương trình thí điểm sử dụng có kiểm soát tại cộng đồng cho F0 triệu chứng nhẹ. 327 tổ phản ứng nhanh quận, huyện, phường, xã, thị trấn được thành lập, bao gồm bác sĩ, điều dưỡng của bệnh viện quận, huyện, công an và tình nguyện viên... 5 trạm cấp cứu vệ tinh 115 dã chiến tại các quận 11, 12, Bình Chánh, Bình Tân, thành phố Thủ Đức kịp thời tiếp cận F0.
Đến nay, cách ly điều trị và chăm sóc F0 tại nhà là một trụ cột chiến lược giúp TP HCM và nhiều địa phương kiểm soát dịch hiệu quả trong bối cảnh chủng Delta lây lan nhanh.
"Bệnh viện chị" hỗ trợ "bệnh viện em"
Mô hình này tạo sự chủ động trong việc tiếp nhận điều trị bệnh nhân Covid-19 nặng, đang được Bộ Y tế đề nghị các địa phương đang là điểm nóng áp dụng, như Hà Nội, Tây Ninh, Cà Mau...
Ví dụ, từ Bệnh viện dã chiến 3 tầng số 16 do Bệnh viện Nhân dân Gia Định phụ trách, các nhân viên y tế hỗ trợ bệnh viện, trung tâm y tế, bệnh viện dã chiến quận 7, 8 và huyện Cần Giờ tại thành cụm để chăm sóc và quản lý F0 tại địa phương. Khi có F0 tại nhà trở nặng, bác sĩ của trạm y tế và trạm y tế lưu động báo về bệnh viện dã chiến của quận, huyện để thu dung, can thiệp ổn định sau đó sẽ hội chẩn và chuyển tầng (nếu cần). Các bệnh viện trong cụm hoạt động theo phương án thông tầng, tức có thể chuyển bệnh nhân ngang tầng với nhau khi có nơi quá tải; chuyển bệnh hai chiều từ dưới lên trên và trên xuống dưới giữa các tầng.
Đối với ca nặng, các bác sĩ hồi sức tầng 3 hỗ trợ tuyến bệnh viện tầng 2, khi cần. Ví dụ khi Bệnh viện quận 12 và bệnh viện quận Tân Phú quá tải, tỷ lệ tử vong cao, y tế Bệnh viện dã chiến 3 tầng số 16 được điều động hội chẩn, chuyển bệnh nhân vừa và nặng về bệnh viện. Cách thức nặng giúp tăng khả năng cứu sống người bệnh, giảm tải ca nặng cho bệnh viện quận, huyện (tầng 2).
Trạm y tế lưu động
Cuối tháng 8, với sự hỗ trợ của lực lượng quân y chi viện, 525 trạm y tế lưu động hoạt động, chăm sóc, hỗ trợ tư vấn y tế cho gần 500.000 F0. Mỗi trạm có khoảng 10 người, gồm nhân viên y tế và tình nguyện viên. Họ mang bình oxy đến từng nhà F0, đo SpO2, test nhanh, tiếp nhận thông tin, mang thuốc cấp cứu...
Nhờ y tế lưu động, F0 được chăm sóc kịp thời, phát hiện sớm dấu hiệu chuyển nặng và đưa vào bệnh viện ngay. Trạm y tế lưu động đóng vai trò lớn trong chiến lược giảm ca nặng, ca tử vong, góp phần kiểm soát đại dịch; đồng thời đặt ra vấn đề cấp bách về chính sách nâng cao năng lực y tế cơ sở, nhất là trong giai đoạn thích ứng.
Bệnh viện dã chiến 3 tầng
Bệnh viện dã chiến 3 tầng hình thành từ sáp nhập một trung tâm hồi sức với bệnh viện dã chiến. Các bệnh viện 3 tầng quy mô từ 1.500 đến 2.000 giường, có đủ cả giường ICU để hồi sức (ICU) F0 nặng và nguy kịch; giường oxy để điều trị ca cần thở oxy; có giường thường để cho F0 không đủ điều kiện để cách ly điều trị tại nhà. Nhân sự y tế điều động từ tất cả bệnh viện công, tư, huyện...
Mô hình 3 tầng là ICU tại tầng ba thực hiện được tất cả kỹ thuật hồi sức chuyên sâu từ thở HFNC, thở máy không xâm lấn đến thở máy xâm lấn, lọc máu, lọc máu ngoài thận, chạy ECMO. Ngoài ra, tầng một và tầng hai cho bệnh nhẹ và trung bình, chủ yếu điều trị F0 có bệnh nền, lớn tuổi.
Nguyên tắc hoạt động của các bệnh viện dã chiến ba tầng là "không để người bệnh xuất viện ở tầng ba, và không để người bệnh tử vong ở tầng hai". Thay vào đó, bệnh nhân ở tầng ba sau khi điều trị ổn định sẽ được chuyển xuống tầng hai điều trị tiếp, bệnh nhân ở tầng hai trở nặng thì được chuyển lên tầng ba.
Tư vấn F0 từ xa qua tổng đài 1022
Tổng đài miễn phí 1022 được Sở Thông tin - Truyền thông, Sở Y tế, Hội Y học TP HCM phối hợp thành lập hôm 23/7, hỗ trợ F0 tại nhà kiến thức chăm sóc bệnh.
Hơn 220 tư vấn viên là các phó giáo sư, tiến sĩ, bác sĩ... đã tiếp nhận 84.409 cuộc gọi tư vấn chăm sóc sức khỏe cho F0 tại nhà tính đến ngày 27/12. Bệnh nhân gọi đến tổng đài, bấm phím 3 sẽ được hướng dẫn cách xử trí các tình huống phát sinh trong quá trình theo dõi bệnh, hỗ trợ trường hợp chuyển nặng, tư vấn tự chăm sóc về chế độ dinh dưỡng, tập luyện, các loại thuốc cơ bản cần chuẩn bị và cách sử dụng..
Mạng lưới Thầy thuốc Đồng hành
Mạng lưới Thầy thuốc Đồng hành là sáng kiến của Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam, thu hút hơn 7.000 bác sĩ cả nước tham gia tư vấn từ xa cho hàng nghìn F0. Điểm nổi bật của Mạng lưới là ứng dụng công nghệ và điều phối nguồn lực cộng đồng để tư vấn, hướng dẫn, chia sẻ với người bệnh.
Các y bác sĩ tham gia Mạng lưới chủ động liên hệ với F0 và những người đang có nguy cơ cao để thăm hỏi, hướng dẫn chăm sóc sức khỏe; sàng lọc phân nhóm người bệnh thành nhóm nguy cơ theo 5 mức độ, từ đó đưa ra khuyến cáo theo theo từng mức độ như tiếp tục theo dõi tại nhà, nhập viện hay chuyển cấp cứu.
Mạng lưới lấy dữ liệu F0 trực tiếp từ Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật (CDC) các tỉnh và các hotline trên toàn quốc. Đối tượng chính là F0 cần hỗ trợ khẩn cấp; trường hợp chưa kịp được đưa đến cơ sở y tế điều trị (do mới phát hiện hoặc do cơ sở quá tải); trường hợp xác định có chỉ định theo dõi điều trị tại nhà sau điều trị...
Cải biến xe vận chuyển hành khách và taxi thành xe cứu thương
Đầu tháng 8, TP HCM thiếu xe cứu thương. Gần 500 taxi, ôtô khách được chuyển đổi công năng thành xe cứu thương đưa bệnh nhân Covid-19 đến nơi điều trị.
Taxi, xe vận chuyển hành khách được hoán cải, trang bị bình oxy, máy thở, xét nghiệm nhanh, nhân viên y tế đi kèm. Các xe lắp vách ngăn buồng lái, hàng ghế phía sau tháo ra để lắp băng ca cố định, thiết bị y tế. Tài xế phải đảm bảo 5K, trang bị đồ bảo hộ, tập huấn y tế...
Số xe tăng cường đã giúp chia lửa, tăng năng lực cấp cứu bệnh nhân, bổ sung phương tiện cho 327 tổ phản ứng nhanh và 5 trung tâm cấp cứu vệ tinh dã chiến hỗ trợ F0 tại nhà kịp thời.
Tổ Y tế từ xa
Tổ Y tế từ xa chăm sóc và theo dõi sức khỏe qua hình thức Telemedicine đối với F0 không có triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ tại nhà. Tổng đài có hơn 700 nhân viên y tế (gồm chuyên gia, bác sĩ, giảng viên và sinh viên y khoa năm cuối của Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch), trực tiếp tư vấn trong 3 khung giờ. Khi F0 chuyển nặng, tổng đài liên hệ với hệ thống Taxi chuyển bệnh cấp cứu 115 và Tổng đài cấp cứu 115 để có hướng chuyển viện phù hợp.
Tính đến cuối tháng 9, Tổ Y tế từ xa đã hỗ trợ được gần 2.000 F0 tại nhà trên địa bàn TP HCM.
Chăm sóc F0 dựa vào cộng đồng
Các Tổ chăm sóc người mắc Covid-19 tại cộng đồng ra đời cuối tháng 9 là chiến lược của TP HCM trong chăm sóc F0 tại nhà và hỗ trợ trạm y tế lưu động. Các tổ này do 312 UBND cấp xã, phường, thị trấn lập, chịu sự điều hành, chỉ đạo, hướng dẫn chuyên môn từ trạm y tế địa phương hoặc trạm y tế lưu động trên địa bàn.
Nhiệm vụ chính của tổ là quản lý, theo dõi, hỗ trợ điều trị F0 tại nhà, triển khai xét nghiệm nhanh nCoV tại cộng đồng; hỗ trợ tiêm chủng vaccine phòng Covid-19; tuyên truyền về phòng, chống dịch.
Mỗi tổ có ít nhất 3 người, có thể chăm sóc cho khoảng 10-20 F0 tại nhà. Tổ trưởng là bí thư chi bộ, tổ trưởng dân cư hoặc trưởng ban quản lý tòa nhà, khu chung cư. Tổ phó là một nhân viên y tế có kinh nghiệm. Những người tham gia Tổ cần được tiêm đủ 2 mũi vaccine Covid-19, trừ F0 đã khỏi bệnh.
Mỗi tổ được trang bị nhiệt kế, máy đo huyết áp, máy đo SpO2, bình oxy/túi thở oxy, dụng cụ thở oxy, dụng cụ lấy mẫu xét nghiệm nCoV, test kit xét nghiệm nhanh, hotline riêng, tài liệu truyền thông phòng chống Covid-19...
Mô hình H.O.P.E chăm sóc trẻ sơ sinh có mẹ mắc Covid-19
Ngày 25/8, Trung tâm H.O.P.E thuộc Bệnh viện Hùng Vương được thành lập, đặt tại Trường Mầm Non Họa Mi 2 (quận 5). Đây là nơi chăm sóc những trẻ vừa chào đời bất đắc dĩ xa mẹ do mẹ cách ly điều trị Covid-19 và không có người thân đón về nhà.
Các tình nguyện viên bảo mẫu chăm sóc bé đến từ nhiều ngành nghề, độ tuổi, được hướng dẫn các kỹ năng chăm sóc trẻ sơ sinh cơ bản. Sau 2 tháng hoạt động, với hơn 60 tình nguyện viên bảo mẫu, trung tâm HOPE chăm sóc cho hơn 257 trẻ sơ sinh có mẹ F0 và gia đình chưa có điều kiện đón về.
Lê Cầm