Tổ 3 người mang theo túi dụng cụ vào nhà kiểm tra cho bệnh nhân lúc nửa đêm, giữa tuần trước. "SpO2 60%, Glasgow 13 điểm. Cho thở oxy qua mặt nạ có túi", bác sĩ Hản ra y lệnh. Glasgow là thang điểm hôn mê, gồm 15 mức điểm để đánh giá và phân loại các kết quả của tổn thương não. 13 điểm là ở mức độ tổn thương não nhẹ. SpO2 là chỉ số đo oxy trong máu, dưới 94% là dấu hiệu nguy hiểm được Bộ Y tế khuyến cáo phải liên hệ nhân viên y tế ngay.
Sau khi sơ cứu, hô hấp bệnh nhân ổn định, bác sĩ Hản cùng bác sĩ Trần Thị Yến Nhi và một đồng nghiệp di chuyển bệnh nhân ra xe cấp cứu. Người bệnh lớn tuổi, bệnh nền đái tháo đường, nhồi máu cơ tim, nên tổ y tế theo dõi rất sát từng sinh hiệu của bệnh nhân, liên tục kiểm tra các chỉ số.
Xe đi được hai phần ba quãng đường, kiểm tra thấy bệnh nhân mạch yếu, tay chân lạnh, SpO2 còn 40%, nhịp tim 30 lần/phút, bác sĩ Hản cùng bác sĩ Nhi bóp bóng, nhồi tim cho bệnh nhân.
Sau 15 phút nhồi tim trên xe cấp cứu, bệnh nhân duy trì được sự sống đến bệnh viện Bình Chánh. Tại đây, tổ y tế được sự giúp sức của các y bác sĩ tiếp tục cấp cứu bệnh nhân.
Đây là một trong những bệnh nhân nặng mà tổ Covid-19 cộng đồng do bác sĩ Hản phụ trách tại phường Tân Kiểng, đã hỗ trợ thành công vào lúc ấy. Mỗi ngày nhóm anh tiếp nhận khoảng 50-60 cuộc gọi từ gia đình các bệnh nhân Covid-19 cần hỗ trợ. Trong đó khoảng 15-20 trường hợp cần đến nhà để thăm khám, hỗ trợ cấp cứu.
Bệnh nhân khó thở, SpO2 xuống thấp là những tình huống điển hình mà các tổ y tế cộng đồng thường gặp khi đến nhà cấp cứu. Sự có mặt kịp thời của các y bác sĩ tại các phường giúp giảm số ca trở nặng, tử vong do Covid-19.
"Hôm đó vừa chuẩn bị ăn cơm trưa thì tôi nhận điện thoại báo cụ bà 70 tuổi ở khu phố 2, phường Tân Thuận khó thở. Nhà ở trong hẻm nên tôi lấy xe máy chạy thẳng đến nhà bệnh nhân", bác sĩ Nguyễn Thị Sương 26 tuổi, Tổ Y tế cộng đồng phường Tân Thuận Tây, nhớ lại.
Chỉ số SpO2 của bệnh nhân chỉ 65%. Bác sĩ Sương cấp tốc gọi xe cấp cứu, rồi cho bệnh nhân dùng thuốc theo phác đồ, vừa sơ cứu tại chỗ vừa lấy mẫu.
"Lúc này cụ bà không thể nói chuyện nhưng rất may vẫn còn tỉnh. Chúng tôi cắp theo bình oxy, dìu bà lên xe máy đưa ra xe cấp cứu ở đầu hẻm. Chưa bao giờ tôi thấy con hẻm dài như thế", bác sĩ Sương kể lại.
"Chỉ số SpO2 thấp như vậy rất nguy hiểm nếu không được xử trí kịp thời. May mắn mọi việc thuận lợi, cụ bà đã được sơ cứu và chuyển đến bệnh viện sớm. Hôm qua khi tôi hỏi thăm, con trai bà cho biết nay bà đã nói chuyện được qua điện thoại với các con, tôi rất mừng".
Hiện đã là tuần thứ hai bác sĩ Sương, làm việc tại Bệnh viện Quận 7, tham gia phụ trách Tổ Y tế cộng đồng tại phường Tân Thuận Tây. Tổ của bác sĩ Sương hiện có 2 bác sĩ và 5 sinh viên tình nguyện. Trung bình mỗi ngày nhóm đến khám, cấp cứu và hỗ trợ cho hơn mười gia đình có F1, F0.
"Trường hợp F0 nhẹ, chỉ ho, sốt, chúng tôi đến khám, sau đó phân công các bạn sinh viên tình nguyện theo dõi cho tới khi bệnh nhân hết hẳn các triệu chứng", bác sĩ Sương chia sẻ.
Mô hình Tổ Y tế cộng đồng được UBND quận 7 phối hợp Trung tâm Y tế quận 7, Bệnh viện quận 7 triển khai dưới sự cố vấn chuyên môn của các chuyên gia Bộ Y tế, bác sĩ Võ Hải Sơn - Trưởng phòng Giám sát và xét nghiệm thuộc Cục phòng chống HIV/AIDS, Team 5F do Tiến sĩ Nguyễn Thu Anh làm trưởng nhóm, giảng viên và sinh viên trường Đại học Y Thái Bình, Đại học Y tế công cộng. Mỗi tổ được trang bị 2 số điện thoại hotline, các trang thiết bị y tế, đồ bảo hộ, thuốc cấp cứu và một xe cứu thương.
Danh sách hotline các tổ y tế cộng đồng quận 7
Hơn 100 nhân viên y tế của quận 7 cùng 50 sinh viên y khoa được chia thành các tổ chịu trách nhiệm ở các phường. Tùy vào số dân của mỗi phường, mỗi tổ có khoảng 2 bác sĩ và 5 sinh viên tình nguyện tham gia hỗ trợ. Thành viên các tổ được tập huấn 5 buổi các kiến thức về Covid-19.
Bác sĩ Nguyễn Thị Thu Nga, Phó giám đốc Bệnh viện Quận 7, trực tiếp điều phối, quản lý hoạt động các tổ y tế. Bà cho biết công việc hàng ngày của các tổ là tiếp nhận cuộc gọi trực tiếp từ các F0 trong khu vực tổ quản lý và từ người dân có nhu cầu chăm sóc y tế, hoặc từ mạng lưới Thầy thuốc đồng hành. Tùy tình trạng sức khỏe của người gọi, tổ y tế sẽ trấn an tâm lý và hướng dẫn tự theo dõi sức khỏe tại nhà hoặc tới khám, kê đơn hoặc đưa người dân đi cấp cứu.
Khi người dân báo gia đình có người xuất hiện triệu chứng nghi nhiễm nCoV, tổ y tế đến nhà xét nghiệm nhanh và xử lý theo kết quả xét nghiệm.
Gia đình nào có F0 mà không có máy đo SpO2, tổ tới nhà khám để phát hiện các dấu hiệu chuyển nặng, nhóm nguy cơ cao mắc bệnh nặng (người cao tuổi, người mắc bệnh nền, phụ nữ có thai), đo SpO2, cho mượn máy để người dân có thể tự theo đõi sức khỏe và gọi điện báo kịp thời. Với F0 chỉ số SpO2 dưới 94%, Tổ sơ cứu ban đầu và liên hệ bệnh viện rồi chuyển bệnh nhân đi bằng xe cấp cứu của tổ.
Các tổ đang quản lý, chăm sóc, theo dõi hơn 2.579 F0 và 1.841 F1 cách ly tại nhà. Trong tuần đầu tháng 8, 10 tổ y tế cộng đồng của quận đã khám cho 550 F0 tại nhà và 1.550 F0 qua điện thoại, chuyển 111 F0 tới các bệnh viện theo phân tuyến tại TP HCM. Các tổ cũng phối hợp với mạng lưới Thầy thuốc đồng hành phát hiện, xử trí 6 trường hợp F0 nặng.
Với F1, tổ đã đến khám cho 445 ca, tư vấn qua tổng đài 1265 ca. Tổ cũng đã xét nghiệm nhanh cho 331 người có biểu hiện nghi mắc Covid-19.
Tiến sĩ Nguyễn Thu Anh chia sẻ đây là mô hình mới giúp chăm sóc sức khỏe kịp thời cho F0, F1 tại cộng đồng và giảm tử vong bằng cách phát hiện sớm F0 có nguy cơ chuyển nặng để chăm sóc và điều trị ngay tại cộng đồng. Trường hợp nặng, vượt năng lực xử trí của cán bộ y tế cơ sở, bệnh nhân sẽ được chuyển tới các bệnh viện tuyến trên hoặc bệnh viện quận kịp thời.
"Nhân rộng mô hình này dựa vào nguồn lực nhân viên y tế tại chỗ sẽ giúp giảm tải cho ngành y tế, các bệnh viện tuyến trên, giảm tỷ lệ chuyển nặng và tử vong", bà Thu Anh nhận định.
Lê Cầm