1. All We Imagine as Light
Phim của đạo diễn Ấn Độ Payal Kapadia lấy bối cảnh Mumbai, nhân vật chính là y tá Prabha (Kani Kusruti). Cuộc sống của cô bị xáo trộn khi nhận món quà bất ngờ từ người chồng đã lâu không liên lạc. Anu (Divya Prabha), bạn cùng phòng của Prabha, có tính cách hướng ngoại, thầm thích chàng trai theo đạo Hồi tên là Shiaz (Hridhu Haroon). Trong chuyến đi tới trung tâm y tế ở ngôi làng ven biển, họ có dịp khám phá tâm tư của nhau.
Phim kết hợp giữa tài liệu và hư cấu, mở đầu bằng hình ảnh toàn cảnh Mumbai vào ban đêm. Qua những đoạn hội thoại, thành phố hiện lên như nơi trú ngụ của người nhập cư, trong đó nhiều người hoài niệm về cuộc sống trước kia của họ. Trang Rotten Tomatoes viết: "All We Imagine as Light ghi lại xã hội hiện đại Ấn Độ bằng sự tự nhiên, chân thật".
2. Queer
Phim chuyển thể tiểu thuyết của William S. Burroughs, lấy bối cảnh ở Mexico những năm 1940. Kẻ nghiện ma túy tên William Lee (Daniel Craig) say mê Eugene Allerton (Drew Starkey), một quân nhân Hải quân Mỹ đã giải ngũ.
Giới chuyên môn nhận xét đạo diễn Luca Guadagnino thể hiện sự tài tình khi khai thác khát khao lẫn sự cô đơn của nhân vật. Daniel Craig tỏa sáng trong vai chính, thể hiện chiều sâu tâm lý qua ánh mắt, cử chỉ. Guardian bình luận: "Craig làm chủ nhân vật đến nỗi đôi khi bạn diễn của anh trở nên lu mờ".
3. The Brutalist
Tác phẩm giành giải Sư Tử Bạc hạng mục Đạo diễn xuất sắc Liên hoan phim Venice cho Brady Corbet. Kịch bản về kiến trúc sư Do Thái László Toth (Adrien Brody đóng) và vợ Erzsébet (Felicity Jones) trốn khỏi châu Âu sau Thế chiến II và xây dựng cuộc sống mới ở Mỹ. Ban đầu, gia đình Toth phải làm việc quần quật trong cảnh nghèo đói, nhưng sau đó Toth gặp Harrison Lee Van Buren (Guy Pearce), người giao cho anh thiết kế một dự án kiến trúc.
Phim liên kết nhiều chủ đề phức tạp như nỗi đau của người Do Thái, góc khuất của giấc mơ Mỹ và rạn nứt hôn nhân. Rotten Tomatoes bình luận: "Kịch bản giàu cảm xúc kết hợp diễn xuất ấn tượng của Adrien Brody, The Brutalist là tác phẩm tuyệt vời khi kể về số phận của người nhập cư".
4. La Chimera
Tác phẩm khai thác đề tài tình yêu kết hợp yếu tố kỳ ảo. Variety khen kỹ năng chỉ đạo của Rohrwacher, quay phim và dàn diễn viên. Guardian chấm phim 5/5 sao, cho rằng tác phẩm giới thiệu Italy như một kho báu của nền văn minh cổ đại. Tạp chí Ciak nhận định La Chimera gợi nhắc các tác phẩm của đạo diễn kỳ cựu Pier Paolo Pasolini, trong đó Alice Rohrwacher cho thấy sự tính toán trong cách kể chuyện và dàn dựng.
5. Hard Truths
Bộ phim của đạo diễn Mike Leigh, bối cảnh diễn ra tại London (Anh), về Pansy (Marianne Jean-Baptiste) - một phụ nữ trung niên bị trầm cảm - và những người thân. Chồng và con trai tránh mặt cô, chỉ có người em gái Chantelle (Michele Austin) kiên nhẫn trước tính cách nóng nảy của Pansy.
Guardian nhận xét cốt truyện phim hấp dẫn, trong đó Mike Leigh cho thấy sự nghiên cứu kỹ lưỡng nhân vật, còn Marianne Jean-Baptiste mang đến màn trình diễn cảm động, khiến khán giả phải suy ngẫm về giá trị của lòng cảm thông.
6. Anora
Tác phẩm do Sean Baker đạo diễn, đoạt giải Cành Cọ Vàng Liên hoan phim Cannes 2024 hồi tháng 5. Nội dung xoay quanh vũ công thoát y người Mỹ tên Ani (Mikey Madison) kết hôn với Ivan (Mark Eydelshteyn), con trai một nhà tài phiệt người Nga. Câu chuyện cổ tích thời hiện đại gặp trở ngại khi cha mẹ nam chính đáp chuyến bay tới Mỹ để buộc cả hai hủy hôn.
Trang The Playlist viết: "Sean Baker chứng tỏ năng lực của một đạo diễn điện ảnh thực thụ. Kỹ năng lớn nhất của anh ấy là hướng dẫn các diễn viên đạt được tầm cao mới ở bất cứ nơi nào mà câu chuyện có thể đưa họ đến".
7. Flow
Phim hoạt hình của đạo diễn người Latvia Gints Zilbalodis về cuộc phiêu lưu sinh tồn của một chú mèo sau trận lụt lớn. Nhân vật tình cờ gặp gỡ và kết bạn với chú chó Labrador, vượn cáo, chuột lang nước capybara và diều ăn rắn. Họ vượt qua nhiều khó khăn, tạo nên tình bạn đẹp.
Trang Rotten Tomatoes khen kịch bản và kỹ thuật hoạt hình của tác phẩm. Trang AP cho rằng êkíp không gò bó vào những khuôn mẫu truyền thống hay nhân cách hóa nhân vật quá mức, mang đến sự chân thực qua nhiều tình tiết.
8. I'm Still Here
Phim do Walter Salles đạo diễn, lấy bối cảnh Brazil năm 1971. Cuộc sống của Eunice Paiva (Fernanda Torres) và năm người con đột ngột thay đổi sau khi chồng bà, cựu nghị sĩ Đảng Lao động Brazil Rubens Paiva (Selton Mello) mất tích. Ông bị đưa khỏi nhà ở Rio de Janeiro để điều tra và không bao giờ trở về. Eunice nuôi dạy con cái, tự học đại học và lấy bằng luật ở tuổi 48, sau đó trở thành nhà hoạt động xã hội.
Giới chuyên môn dành phần lớn lời khen cho diễn xuất của Fernanda Torres. Trang Collider đánh giá vai diễn của cô là một trong những màn trình diễn hay nhất năm, xứng đáng được đề cử giải Oscar. Deadline nhận xét Torres có sự tinh tế về mặt cảm xúc, truyền tải trọn vẹn nội tâm và ẩn ức của nhân vật.
9. Nosferatu
Dự án do Robert Eggers thực hiện, là bản phim remake Nosferatu (1922) của đạo diễn người Đức F. W. Murnau. Phim lấy bối cảnh năm 1838 tại Đức, kể về cô gái bị ma ám Ellen Hutter (Lily-Rose Depp) cùng ma cà rồng thường rình rập cô - Bá tước Orlok (Bill Skarsgård). Nosferatu được chăm chút mặt hình ảnh, đầu tư khâu thiết kế mỹ thuật. Diễn xuất của dàn nghệ sĩ cũng là yếu tố thu hút khán giả. Hollywood Reporter viết: "Phim mang bầu không khí ngột ngạt, khiến người xem bất ngờ với những chi tiết kỳ quái. Cảnh quay cuối cùng vừa kỳ dị vừa đẹp mắt sẽ khiến bạn nín thở".
10. A Real Pain
Phim của đạo diễn Jesse Eisenberg kể về anh em họ người Mỹ gốc Do Thái - David (Jesse Eisenberg) và Benji (Kieran Culkin) - thực hiện chuyến đi vòng quanh Ba Lan để tưởng nhớ người bà. David là người thực tế, còn Benji phóng khoáng, thích lang thang. Cuộc phiêu lưu rẽ sang hướng khác khi cả hai cãi nhau vì những mâu thuẫn trong quá khứ.
Diễn xuất của Eisenberg và Culkin là điểm sáng. Hai nghệ sĩ thể hiện nhiều cung bậc cảm xúc, gợi sự đồng cảm với người xem. Trang Seattle Refined viết: "Kịch bản có chiều sâu, kết hợp giữa bi kịch trong quá khứ và trớ trêu của hiện tại, làm nên câu chuyện hấp dẫn và thú vị".
Quế Chi (theo Hollywood Reporter)