“Nước Ý có tháp nghiêng Pisa nổi tiếng để khách du lịch tham quan, mấy dãy chung cư ở đây nghiêng y vậy nhưng là nơi sinh sống của chúng tôi. Nghiêng ngả như thế cả chục năm nay, quen rồi”, ông Nguyễn Hùng sống tại tầng 4 lô IV thuộc cư xá Thanh Đa (quận Bình Thạnh, TP HCM) tếu táo nói về nơi mình ở.
Được xây dựng từ năm 1972, lô chung cư IV và lô VI cạnh bên đã xuống cấp nghiêm trọng. Cơ quan chức năng xác định, hiện trạng nghiêng lún của 4 dãy nhà thuộc 2 lô chung cư so với mặt đất là hơn 2 độ. Trong khi khoảng cách đế móng giữa hai dãy nhà là 3 m thì tại tầng bốn (trên cùng) chúng nghiêng áp vào chỉ còn khoảng 1,5m. Nhìn xa, hai khối nhà tạo ra một khoảng không hình chữ A hun hút.
Sống hơn 30 năm ở đây, ông Nguyễn Hùng bảo đã quen với sự bất thường của khu nhà. Hai dãy nhà nghiêng sát đến mức người dân tầng trên cùng có thể đưa tay sang dãy nhà bên kia mượn đồ đạc, hoặc trao cho nhau ly cà phê buổi sáng. "Nói cứng cho vui chứ cũng lo, hơn 60 tuổi rồi, đi đứng chậm chạp, lỡ có chuyện gì chạy không kịp", ông Hùng bộc bạch.
Còn bà Dương Thị Thúy về sống ở lô IV từ năm 1975, khi dãy nhà bắt đầu bị nghiêng, tường nhà bong tróc. Để tu sửa căn hộ 80 m2, mỗi năm bà mất cả chục triệu đồng. “Việc kê xếp đồ đạc cũng phải khác, chân bàn, chân tủ hoặc cưa ngắn lại hoặc kê lên một bên cho bằng phẳng. Đồ đạc gì bị rớt là lăn về góc tường ngay. Mới đầu chúng tôi cũng sợ lắm nhưng ở hoài không thấy gì nên cũng bớt lo”, bà Thúy cho hay.
Ở cùng lô và chịu chung tình trạng, gia đình bà Ngọc Ánh đã mua xi măng nâng phần sàn nhà bị nghiêng, giữ độ cân bằng cho mọi người đi đứng. "Không làm thế thì nhiều chuyện khôi hài lắm. Hồi đó, khách tới nhà chơi ngủ lại dưới nền, sáng ra thấy ai nấy ôm nhau ngủ trong gầm bàn sát góc tường hết trơn. Nhà tắm, nhà vệ sinh cũng đọng đầy nước", bà Ánh chia sẻ.
Sống tại tầng trệt của lô này, ông Nguyễn Hoàng Xương cho rằng gia đình mình chịu ảnh hưởng nặng nhất. Chung cư nghiêng cộng thêm việc chịu lực của 4 tầng phía trên, vách tường nứt nẻ, ẩn chứa nguy cơ sập bất cứ lúc nào. "Ống nước vỡ gần hết nên mỗi lần tắm giặt, đánh răng, nhà phía trên xả nước coi như dưới này chúng tôi hứng hết", ông Xương nói.
Theo kết quả kiểm định của Phân viện Khoa học Công nghệ Xây dựng miền Nam, móng nền công trình cư xá Thanh Đa ở lô IV và VI được đóng bằng cừ tràm, qua hơn 40 năm sử dụng đã không còn giữ được độ chịu lực. Mặt khác, bán đảo Thanh Đa là vùng đất yếu, địa chất chưa ổn định, kết hợp với nền móng xuống cấp, bồn nước xây không đúng quy cách dẫn đến sụt lún nghiêm trọng.
Kết quả khảo sát này có từ năm 2004 khi tình trạng nghiêng lún mới bắt đầu. Đến nay, tình trạng còn nghiêm trọng hơn, đặc biệt là tại lô IV. Theo đánh giá của đơn vị kiểm định, việc chung cư bị nghiêng lún 2 độ không an toàn cho việc cư trú và đề xuất di dời dân ngay. Thế nhưng 10 năm qua, gần 300 hộ dân với hàng nghìn nhân khẩu vẫn sống trong những dãy nhà nghiêng ngả.
Trước tình trạng nguy hiểm này, UBND TP HCM đã giao UBND quận Bình Thạnh tiến hành di dời khẩn cấp người dân trước ngày 30/6 để đập bỏ xây mới chung cư. Tuy nhiên, trao đổi với VnExpress, ông Phan Ngọc Anh Huy, Trưởng ban bồi thường giải phóng mặt bằng quận Bình Thạnh cho biết, đến thời điểm này vẫn chưa di dời được vì vướng mắc trong khâu đền bù, tái định cư. Ông này cũng cho biết đường dẫn vào nơi ở mới hiện vẫn chưa hoàn thiện. Dự kiến việc di dời sẽ xong vào 10/9.
Video: 10 năm sống trong chung cư nghiêng lún
Duy Trần