Khi mang thai, bà bầu thường có nhiều băn khoăn lo lắng, trong đó 10 câu hỏi thường gặp nhất như sau:
1. Thích uống cà phê nhưng sợ ảnh hưởng đến thai, nên uống bao nhiêu mỗi ngày thì được?
Nhiều thai phụ không dám uống cà phê vì sợ cà phê liên quan đến sảy thai, sinh non, trẻ nhẹ cân. Nếu không thích cà phê, việc kiêng khem khá dễ dàng. Song đó là thói quen và vốn yêu thích thức uống mê hoặc này, thai phụ sẽ khó lòng cưỡng lại.
Thực tế những nghiên cứu về lượng cà phê tiêu thụ mỗi ngày và ảnh hưởng lên thai kỳ còn nhiều kết quả trái ngược. Một vài nghiên cứu kết luận dùng lượng caffein hơn 200 mg mỗi ngày (tương đương cốc cà phê 350 ml) sẽ tăng nguy cơ sảy thai lên gấp đôi. Một số nghiên cứu lại cho rằng cà phê vô can trong chuyện sảy thai.
Chính vì kết quả nghiên cứu còn mâu thuẫn nên không thể khuyến cáo mỗi ngày uống bao nhiêu cà phê là tốt nhất. Lời khuyên là bạn nên hạn chế tối thiểu vì một vài nguyên do sau:
- Cà phê làm bạn khó ngủ. Có thai đã mệt rồi, mất ngủ nữa thì càng bi kịch hơn.
- Cà phê làm hồi hộp, đau đầu nhẹ, buồn nôn.
- Caffeine có tính lợi niệu, tức đi tiểu nhiều hơn. Nôn ói, đi tiểu nhiều do bàng quang bị kích thích, giờ thêm cà phê làm đi tiểu nhiều hơn sẽ bất lợi với bà bầu.
Cũng cần hạn chế trà, nước ngọt có ga, chocolate, nước tăng lực…
2. Vệ sinh âm đạo bằng cách thụt rửa âm đạo khi mang thai có an toàn?
Có thai hay không cũng không nên vệ sinh bằng cách thụt rửa âm đạo. Dù là máu kinh, tinh dịch, hay dịch âm đạo thì tự bản thân âm đạo cũng có thể làm sạch, can thiệp nhiều khi gây hại thêm.
3. Tắm hơi (sauna) hay tắm bồn nước nóng có an toàn khi mang thai không?
Mối lo ngại khi tắm hơi là tăng thân nhiệt trung tâm ảnh hưởng đến sự phát triển của thai nhi. Hiệp hội sản phụ Mỹ khuyến cáo mỗi lần tắm hơi không quá 15 phút, ngâm bồn nước nóng không quá 10 phút. Thai phụ không nên lặn trong nước, không ngâm mình quá vai để hạn chế vùng tiếp xúc với nhiệt độ cao.
4. Khi có thai, đi massage được không?
Massage giúp thư giãn, giảm đau mỏi cơ, giảm căng thẳng và mệt mỏi. Chỉ cần có tư thế nằm thoải mái, không lo té ngã là được. Nên nói với người massage là mình đang có thai. Hiện nay một số nơi spa còn có nhân viên chuyên nghiệp được huấn luyện bài bản để massage cho thai phụ. Nếu có điều kiện, có thể sử dụng loại hình dịch vụ này.
5. Nuôi mèo được không?
Có thể bạn nghe đâu đó rằng nuôi mèo sẽ bị nhiễm toxoplamosis (một loại ký sinh trùng) từ phân mèo. Đừng lo lắng đến mức phải đem cho con vật yêu thích. Nguy cơ nhiễm bệnh chủ yếu khi mèo nhà thường bỏ đi hoang. Nếu mèo được nuôi quanh quẩn trong nhà, ăn thức ăn nhà làm thì nguy cơ cực kỳ thấp. Cẩn thận hơn có thể nhờ ai khác trong gia đình dọn dẹp phân mèo. Nếu phải tự làm, cần đeo găng tay bảo vệ, rửa sạch tay. Ngoài ra khi làm vườn, xới đất, trồng cây cũng nên mang găng tay. Hạn chế ăn thịt sống, thịt tái vì đây cũng có thể là nguồn lây nhiễm.
6. Khi mang thai nhuộm tóc được không?
Thuốc nhuộm tóc có nhiều loại, nhuộm ngắn ngày, dài ngày, nhuộm vĩnh viễn... Thử nghiệm trên động vật cho thấy không gây tác hại đến thai nhi. Hơn nữa chỉ một lượng nhỏ hóa chất có thể thấm qua da đầu vào máu. Vì vậy chưa có bằng chứng cho thấy không nên nhuộm tóc trong thai kỳ.
7. Chụp X-quang khi khám răng trong thai kỳ có an toàn không?
An toàn. Lượng tia xạ trong chụp X-quang hàm mặt thấp, do vậy nguy cơ ảnh hưởng đến thai sẽ ít. Chỉ cần nói với bác sĩ nha khoa về tình trạng mang thai để bác sĩ lưu ý. Trong một số trường hợp cần thiết, bác sĩ sẽ che chắn bụng, vùng chậu hay cổ (vì cổ là vị trí của tuyến giáp) để bảo vệ em bé.
8. Tôi hay bị dị ứng, có thể tự mua thuốc uống hay không?
Một số người rất dễ bị dị ứng và gần như không thể sống thiếu thuốc chống dị ứng. Thuốc này một số loại không cần kê toa, và nhiều người uống hoài nên nghĩ rằng không sao. Thật ra thuốc nào cũng vậy, khi sử dụng nên cần tham khảo ý kiến bác sĩ hay dược sĩ.
9. Ăn sushi được không?
Được, với điều kiện ăn loại rau củ hay thịt cá được nấu chín. Lý do bạn cần tránh cá sống, thịt tái là vì nguy cơ nhiễm khuẩn.
10. Đau lưng khi có thai có nguy hiểm không?
Một số trường hợp cần lưu ý khi đột nhiên đau lưng tăng dần. Đôi khi bạn thấy đau từng cơn trong hay sau cơn gò, nguyên nhân do đầu thai chèn ép. Vì vậy hãy thông báo bác sĩ khám thai nếu có dấu hiệu bất thường. Ngoài ra cần hạn chế ưỡn người, đứng hay ngồi quá lâu để hạn chế đau lưng khi có thai.
Bác sĩ Lê Tiểu My
Bệnh viện Đa Khoa Mỹ Đức