Sáng gần giữa tháng tư, ông Nguyễn Long Hổ (50 tuổi) cùng vợ ngồi buồn bên vườn dừa 1.600 m2 tại ấp Hữu Nhơn, xã Hữu Định (huyện Châu Thành). Từ khi dịch sâu đầu đen tấn công gần hai năm trước, nhà không có nhân công, ông được địa phương hỗ trợ phun thuốc diệt sâu nhiều lần, đổi nhiều loại thuốc.
Tuy nhiên, vườn dừa từ màu xanh nay phần lớn chuyển sang màu xám, nhiều cây lá đọt khô héo, gãy ngang, trái rụng hết. Những cây còn lại chưa chết hẳn cũng còi cọc khó phục hồi. Tiếc vườn dừa gần 20 năm tuổi mỗi tháng cho thu nhập hơn một triệu đồng, song vợ chồng ông Hổ phải gọi thợ đến đốn bỏ vườn dừa.
Những cây dừa từ 4 m trở lên được thợ thu mua với giá 50.000 đồng mỗi cây để làm cừ đóng công trình, những cây còn lại chủ vườn làm củi. Trong buổi sáng, vợ chồng ông Hổ bán vớt vát chưa được một triệu đồng tiền gỗ thân dừa. Dưới những gốc dừa đã cưa, ông trồng lại dừa xiêm xanh, dự kiến ba năm mới cho trái.
Cạnh vườn dừa ông Hổ, vườn dừa 1.500 m2 của bà Nguyễn Thị Hóa, 56 tuổi, cũng đang ầm ĩ tiếng cưa máy. Những gốc dừa trên 10 năm tuổi nằm la liệt quanh vườn. Trước đây, mỗi tháng bà Hóa kiếm gần hai triệu đồng tiền bán dừa, tạm đủ cho hai con ăn học. Sau khi vườn dừa bị sâu gây hại, mỗi tháng chỉ còn thu nhập 500.000-600.000 đồng.
Xã Hữu Định có trên 860 ha dừa, là nơi đầu tiên ở Bến Tre xuất hiện sâu đầu đen, sau gần hai năm hơn 170 ha bị thiệt hại, đốn bỏ hơn 22 ha. Tỉnh Bến Tre với hơn 70.000 ha dừa (chiếm 80% diện tích dừa miền Tây) hiện ghi nhận khoảng 1.000 ha dừa bị sâu đầu đen gây hại. Những địa phương bị hư hại nhiều là Chợ Lách, Châu Thành, Mỏ Cày Nam, Mỏ Cày Bắc, Bình Đại và TP Bến Tre.
Sâu đầu đen có tên khoa học Opisina arenosella Walker, nguồn gốc từ Ấn Độ và Sri Lanka. Trên thế giới, loài côn trùng đã được ghi nhận tại 16 nước. Do độ tuổi sâu non lên đến 40 ngày so với 10-30 ngày ở các loài gây hại khác, nên khi chúng ở chỗ nào sẽ ăn hết chỗ đó, làm cây chết hàng loạt.
Theo ông Võ Văn Nam, Chi cục trưởng Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Bến Tre, công tác phòng chống sâu đầu đen ở tỉnh khá hiệu quả. Ngành nông nghiệp đang phối hợp các viện, trường tiếp tục nghiên cứu tập quán sinh trưởng của loài sâu này để đưa ra quy trình xử lý cụ thể.
Tuy nhiên, mới đây Ban Kinh tế và Ngân sách, HĐND tỉnh Bến Tre, đã khảo sát thực địa một số vườn dừa trên địa bàn. Ban này nhận định các giải pháp được áp dụng để diệt sâu đầu đen hại dừa trong thời gian qua chưa phát huy hiệu quả.
"Năm 2020 chỉ có hai ổ dịch nhỏ xuất hiện ở xã Hữu Định, huyện Châu Thành, nhưng hiện dịch sâu đầu đen hại dừa ở diện rộng", đại diện ban này nói và cho biết một trong nguyên nhân khiến việc phòng trị sâu đầu đen chưa hiệu quản do nguồn kinh phí eo hẹp.
Hoàng Nam