Những ngày qua, ông Trần Văn Cẩn (77 tuổi, xã Hữu Định, huyện Châu Thành) cùng cán bộ nông nghiệp và chuyên gia Đại học Cần Thơ dùng bình xịt, máy bơm phun thuốc diệt sâu đầu đen tấn công vườn dừa 1.700 m2 của gia đình. Đây là một trong hai vườn dừa tại huyện này được chọn thí nghiệm chế phẩm mới.
Vườn dừa đã hơn 15 năm tuổi, mỗi tháng ông Cẩn bán trái được gần 3 triệu đồng. Từ khi bị dịch sâu, thu nhập chỉ còn một phần ba. Do lớn tuổi, lại không tìm được nhân công vì nhiều người lo ngại việc phun thuốc độc hại, ông Cẩn đành để vườn dừa chết mòn. Hiện khoảng 50% diện tích vườn dừa đã bị sâu cắn phá. Có cây, mỗi kẽ lá có 2-3 con, nhộng đủ kích cỡ.
Trước khi phun, các cán bộ chặt tàu lá, bắt một số con non và nhộng làm mẫu nghiên cứu. Sau đó họ dùng nước sạch đổ vào bình nhựa 50 lít, pha một loại chế phẩm, tạo thành dung dịch màu trắng sữa. Sau khi kéo dây dẫn đến vườn, thợ phun thuốc lên từng cây dừa. Chừng 10 phút sau, sâu trong kén chui ra, rồi chết.
"Sau 3 lần phun thử nghiệm, chế phẩm mới đã phát huy tác dụng. Trước mắt, địa phương sử dụng thuốc này để khống chế dịch tại huyện Châu Thành và tiếp tục nghiên cứu trước khi đưa vào sử dụng đại trà", ông Huỳnh Quang Đức, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Bến Tre cho biết.
Huyện Châu Thành có gần 8.000 ha dừa, hiện dịch sâu đầu đen đã lan rộng đến 5 xã, hơn 92 ha dừa của 156 hộ bị ảnh hưởng. Trong đó, hơn 20 ha bị nhiễm nặng, 700 cây phải đốn bỏ. Trước đó, ngành nông nghiệp từng thử nghiệm hơn 4 loại thuốc, chế phẩm có nguồn gốc sinh học nhưng chưa có hiệu quả.
Tiến sĩ Phạm Kim Sơn - Phó bộ môn Bảo vệ thực vật, Đại học Cần Thơ cho biết, do đặc điểm cây dừa cao, nên việc phun thuốc bình thường rất độc hại, ảnh hưởng đến sức khỏe. Chế phẩm mới từ thực vật, không mùi, nên rất an toàn cho nông dân. "Để phát huy hiệu quả, bà con cần phun thuốc ướt đẫm lá, không nên phun sương", ông Sơn nói.
Bến Tre có trên 70.000 ha dừa, chiếm 80% diện tích dừa miền Tây và 50% dừa cả nước. Khoảng 800.000 dân trong tỉnh (1,3 triệu dân) dựa vào thu nhập từ cây dừa để ổn định kinh tế gia đình. Từ tháng 8 năm ngoái, sâu đầu đen xuất hiện tại một số diện tích, sau đó lan rộng toàn tỉnh, gần 200 ha dừa bị ảnh hưởng.
Sâu đầu đen có tên khoa học Opisina arenosella Walker, nguồn gốc từ Ấn Độ và Sri Lanka. Trên thế giới, loài côn trùng đã được ghi nhận tại 16 nước. Do độ tuổi sâu non lên đến 40 ngày so với 10-30 ngày ở các loài gây hại khác, nên khi chúng ở chỗ nào sẽ ăn hết chỗ đó, làm cây chết hàng loạt.
Hoàng Nam