Kịch bản đối đầu giữa tiêm kích Su-35 Nga và F-15 Mỹ

Su-35S sở hữu khả năng cơ động tuyệt vời, cùng hàng loạt vũ khí đa năng, trong khi F-15 lại có khả năng tải nặng và số lượng lớn hơn nhiều.

Tiêm kích Su-35S (NATO định danh: Flanker-E) của Nga và F-15 Eagle của Mỹ luôn được các chuyên gia quân sự đặt lên bàn cân. Nhiều giả thuyết được đặt ra về cuộc không chiến giữa hai loại phi cơ này để đánh giá ai sẽ là người chiến thắng, theo National Interest.

F-15 ra mắt vào những năm 1970, trở thành mẫu tiêm kích thế hệ 4 đầu tiên trên thế giới. Kể từ đó tới nay, nó liên tục được nâng cấp để theo kịp với thời đại, hàng trăm chiếc dự kiến vẫn hoạt động trong nhiều thập kỷ tới.

Trong khi đó, Su-35S là tiêm kích thế hệ 4++ được xây dựng trên nền tảng máy bay Su-27, đối thủ chính của F-15 trong 40 năm qua. Nó được coi là phiên bản hoàn toàn mới với thiết bị điện tử và vũ khí tối tân, sử dụng động cơ đẩy vectơ và được phủ sơn hấp thụ radar mới.

Cảm biến và khả năng tàng hình

Su-35S được trang bị radar mảng pha quét điện tử thụ động (PESA) Irbis-E với tầm theo dõi lên đến 400 km với mục tiêu trên không, đồng thời cũng có thể phát hiện mục tiêu mặt đất. Tuy nhiên, F-15 đang được nâng cấp để sử dụng radar mảng pha quét điện tử chủ động (AESA) APG-63V3, nổi bật với tính năng khó bị gây nhiễu, độ phân giải cao và khó bị bám bắt hơn.

 

Khối OLS-35 (khoanh đỏ) có khả năng theo dõi mục tiêu mà không bị phát hiện. Ảnh: Sukhoi.

Su-35 sở hữu tổ hợp tìm kiếm và theo dõi hồng ngoại (IRST) OLS-35, cho phép nó xác định máy bay đối phương trong bán kính 50-90 km. Hệ thống này không phát tín hiệu đánh động mục tiêu. Thay vào đó, nó xác định tín hiệu nhiệt từ động cơ máy bay địch, rất hữu ích cho việc phát hiện phi cơ tàng hình, vốn khó bị bám bắt bởi radar. F-15 của Mỹ không có hệ thống này.

Tuy nhiên, F-15 có khả năng sử dụng khối cảm biến Talon HATE. Không chỉ là hệ thống IRST, nó còn đồng bộ dữ liệu với các cảm biến trên không và mặt đất khác, thậm chí kết nối với tiêm kích F-22 Raptor. Trong mạng lưới này, F-22 sẽ bay trước và xác định đối phương, sau đó gửi dữ liệu mục tiêu để F-15 ở tuyến sau bắn tên lửa từ khoảng cách an toàn.


F-15 không được thiết kế để tàng hình. Với tiết diện radar (RCS) trung bình khoảng 5 m2, nó sẽ hiện rõ trên radar đối không của Su-35S. Ngược lại, tiêm kích của Nga có áp dụng cải tiến để giảm RCS so với phiên bản Su-27 nguyên gốc, đạt mức từ 1-3 m2.


Vì vậy, Su-35S sẽ xuất hiện trên radar chậm hơn. Nhưng radar hiện đại có thể phát hiện mục tiêu có RCS 1 m2 từ khoảng cách xa, khiến Su-35S không thể ẩn mình quá lâu trước F-15 và vẫn nằm trong vòng nguy hiểm.

Điều gì sẽ xảy ra nếu 'UFO' Su-35 Nga đối đầu 'đại bàng' F-15 Mỹ?
 
 

Biên đội Su-35S thay thế cho Su-27.

Chiến đấu ngoài tầm nhìn

Không quân Mỹ cho rằng chiến đấu ngoài tầm nhìn (BVR) sẽ thống trị không chiến trong thế kỷ 21, nhưng phía Nga lại hoài nghi điều đó. Họ cho rằng các biện pháp tác chiến điện tử và động tác cơ động sẽ làm giảm đáng kể khả năng bị bắn trúng của tên lửa tầm xa, xuống khoảng dưới 50-70%. Máy bay Nga vẫn được thiết kế để giao chiến BVR, đồng thời xác định việc cận chiến sẽ diễn ra sau loạt tên lửa BVR đầu tiên.

Su-35S có 12 giá treo vũ khí, nhiều gấp rưỡi các giá treo của F-15. Đây là một lợi thế rõ ràng cho Su-35, giúp nó có thể bắn nhiều tên lửa cùng một lúc để tăng khả năng bắn trúng.

Dàn tên lửa đối không trên tiêm kích Su-35S
 
 

Tên lửa đối không tầm ngắn và tầm trung trên Su-35S.

Tuy nhiên, ưu điểm này chỉ là tạm thời. Boeing đưa ra giải pháp nâng cấp F-15 với giá treo 4 quai, giúp tăng gấp đôi khả năng mang vũ khí của F-15 hiện tại lên 16 giá treo. Điều này cho phép F-15 triển khai như "bệ phóng tên lửa", chuyên phóng đạn vào các mục tiêu được xác định do biên đội tiêm kích F-22 tiên phong. Tuy nhiên, cho tới lúc đó, F-15 vẫn thua kém Su-35S về mặt tên lửa.

Cả F-15 và Su-35S đều mang tên lửa không đối không tầm xa dùng radar chủ động. Mỹ sở hữu bản AIM-120D có tầm bắn 160 km, trong khi Nga phát triển mẫu K-77M có thể tấn công mục tiêu từ cách 200 km. Chúng đều thuộc phân cấp tên lửa tầm xa, mặc dù hiệu quả đầu dò của chúng chưa được kiểm chứng.

Su-35S được cho là có thể bắn tên lửa R-37M tầm siêu xa, tầm bắn tối đa 300-400 km, vốn được thiết kế để tiêu diệt máy bay tiếp dầu và máy bay chỉ huy trên không (AWACS). Hiện loại tên lửa này chỉ được trang bị cho tiêm kích đánh chặn MiG-31.

Su-35S với hai khối L175M ở đầu cánh. Ảnh: Flickr.

Một ưu điểm khác của Su-35S là hệ thống gây nhiễu Khibiny L175M. Radar AESA trên tiêm kích F-15 có khả năng kháng nhiễu tốt, nhưng đầu dò radar của tên lửa AIM-120 không có khả năng này. Nó được đánh giá là có tỷ lệ bắn trượt cao khi đối đầu với máy bay được bảo vệ bởi Khibiny.

Ngược lại, Hệ thống tác chiến điện tử chiến thuật (TEWS) của F-15 ra đời từ những năm 1970, quá cũ kỹ và không đủ khả năng ngăn chặn các mối đe dọa mới. Không quân Mỹ đang xem xét hệ thống mới nằm trong gói nâng cấp Eagle 2040, bảo đảm tiêm kích F-15 có thể hoạt động thêm ít nhất 20 năm nữa.

Chiến đấu trong tầm nhìn

F-15 thực hiện động tác cơ động ngoặt gấp. Ảnh: Flickr.

F-15 thể hiện tính cơ động rất khá. Trên thực tế, nó là một minh chứng cho thấy tiêm kích hạng nặng có thể thực hiện các vòng lượn chiến đấu rất hẹp, đồng thời tăng tốc khi leo cao, nhờ tải trọng trên cánh thấp và tỷ lệ lực đẩy trên trọng lượng cao.

Tuy nhiên, Su-35S lại ở một đẳng cấp hoàn toàn khác. Nó sử dụng động cơ phản lực hai luồng đẩy vector, trong đó miệng xả khí có thể di chuyển tự do, thay vì cố định như tiêm kích thông thường.

Su-35S có khả năng thực hiện động tác ngoặt gấp, đảo lái vòng hẹp và duy trì góc tấn cao, khi đó mũi máy bay chĩa theo hướng khác với hướng máy bay di chuyển. Chuyên gia Sebastien Roblin cho rằng Su-35S thừa sức "nhảy múa" quanh F-15 trong cận chiến.

Khả năng cơ động khiến Su-35S được gọi là UFO
 
 

Bài biểu diễn tại Paris khiến chuyên gia phương Tây gọi Su-35S là "UFO".

Bộ kính ngắm Sura-K cho tiêm kích Su-30 và Su-35S.

Về mặt vũ khí cận chiến, F-15 và Su-35S khá cân bằng với tên lửa tầm nhiệt AIM-9X và R-73. Cả hai loại tên lửa này đều ứng dụng công nghệ "bắn lệch trục", cho phép khóa mục tiêu qua kính ngắm gắn trên mũ phi công (HMS), không đòi hỏi phải quay mũi máy bay về hướng đối phương.

Công nghệ HMS được Liên Xô phát triển, ứng dụng trên bộ đôi tiêm kích Su-27 và MiG-29 từ đầu thập niên 1980, trong khi phương Tây phải mất tới 20 năm để áp dụng công nghệ này lần đầu tiên. Tuy nhiên, các bộ HMS hiện đại đều có tính năng tương đương nhau khi kết hợp với tên lửa tầm ngắn phù hợp.

Tên lửa AIM-9X và R-73 có xác suất tiêu diệt mục tiêu từ 70 đến 80%. Hiệu quả của chúng có thể làm giảm lợi ích từ khả năng cơ động trong các cuộc cận chiến tương lai.

Tấn công mặt đất

Su-35S có thể mang gần 8 tấn bom và tên lửa trên các giá treo, trong đó bao gồm các loại đạn dẫn đường bằng laser, quang truyền hình, radar chủ động và đầu dò radar thụ động.

Ngược lại, F-15C là tiêm kích chiếm ưu thế trên không, khả năng tấn công mặt đất của nó rất giới hạn. Việc bổ sung khả năng tác chiến đối đất cho dòng máy bay này là điều khả thi. Israel đã chỉnh sửa phi đội F-15 trong những năm 1970 để tấn công lò phản ứng hạt nhân của Iraq tại Osiriak.

Phiên bản tiêm kích đa năng F-15E Strike Eagle có thể mang 10,4 tấn vũ khí các loại. Nó bay nhanh hơn F-15C, có thể mang theo vũ khí đối không để tự vệ, nhưng kém cơ động trong cận chiến vì khối lượng lớn hơn bản tiêm kích gốc.

Trên thực tế, quân đội Nga ít sử dụng đạn dẫn đường hơn so với Mỹ. Tuy nhiên, Su-35S vẫn bảo đảm khả năng tiến công chính xác nhờ chế độ ngắm bắn mục tiêu mặt đất của radar Irbis-E.

Khả năng bảo dưỡng

Sự khác biệt về học thuyết quân sự khiến hai quốc gia chế tạo máy bay theo những cách khác nhau. Mỹ có xu hướng chế tạo máy bay đắt tiền và tuổi thọ dài. Liên Xô và Nga thường sản xuất máy bay giá rẻ với vòng đời ngắn.

Su-35S được cho là có tuổi thọ khoảng 6.000 giờ. Với F-15C/E, con số này lần lượt là 8.000 và 16.000 giờ. Không quân Mỹ cũng dự định triển khai chương trình nâng cấp tăng hạn cho phi đội F-15C.

Tuy nhiên, yếu tố cần xem xét là dòng Su-35S mới được thiết kế và đưa vào sản xuất trong vài năm gần đây, trong khi hầu hết khung thân máy bay F-15 được chế tạo từ những năm 1970 và 1980. Điều đó giúp Su-35S có khả năng sẵn sàng chiến đấu cao hơn, do không phải tốn quá nhiều công sức và chi phí để duy trì các máy bay quá tuổi.

Chiến thắng nằm ở trình độ phi công

Các trận không chiến trong tương lai sẽ được định hình bởi hiệu quả tên lửa và các biện pháp tác chiến điện tử, hơn là chính chiếc máy bay mang chúng, đặc biệt là đối với các tiêm kích thế hệ 4 và 4++ không tàng hình.

Su-35S hiện vẫn giữ vị trí số một trong không chiến. Nó cũng là bệ phóng tên lửa đầy uy lực để chống lại mục tiêu trên không và mặt đất, dù vẫn bị hạn chế ít nhiều do thiếu hệ thống radar AESA hiện đại.

Phiên bản F-15C hiện tại vẫn duy trì khả năng chiếm ưu thế trên không nhờ radar hiện đại, trong khi F-15E có thể mang lượng vũ khí lớn hơn cho nhiệm vụ tấn công mặt đất. Những chiếc F-15 được nâng cấp sẽ có vũ khí không đối không rất mạnh, chưa kể tới khả năng kết hợp dữ liệu với tàu chiến, vệ tinh và phi cơ hỗ trợ. Bản Silent Eagle được trang bị tính năng giảm RCS mặt trước, tương tự Su-35S.

Bất chấp sự khác biệt, hai loại tiêm kích này đều có khả năng ngang ngửa nhau trong không chiến. Kết quả trận đánh giữa F-15 và Su-35S sẽ được quyết định bởi trình độ phi công, cũng như các hệ thống hỗ trợ trên chiến trường như máy bay AWACS và trinh sát điện tử.

Chuyên gia quân sự Dave Majumdar

Hòa Việt

Bình luận
Ý kiến của bạn