Một ngày cuối năm 1955, một phụ nữ da màu 40 tuổi lên chiếc xe buýt tại Montgomery, Alabama. Bà ngồi xuống, lặng im nhìn từng tốp người dần lấp đầy những chỗ còn lại trên xe. Đột nhiên người tài xế bước xuống, yêu cầu bà đứng dậy nhường chỗ cho một người da trắng, một quy định thời ấy. Người phụ nữ nhỏ bé chỉ đáp lại một chữ: "Không".
Chữ "Không" ấy đã châm ngòi cho một trong những phong trào nhân quyền lớn nhất thế kỷ 20. Người phụ nữ là Rosa Parks, bị cảnh sát bắt vì tội "gây rối trật tự công cộng". Nhưng chiều hôm ấy, Hiệp hội Montgomery Tiến Bộ (Montgomery Improvement Association) tổ chức một cuộc biểu tình ủng hộ Rosa Parks tại Giáo đường Baptist Phố Holt, trong khu nghèo nhất thành phố. Cuộc biểu tình quy tụ đến 5.000 người. Vị linh mục Martin Luther King Jr. nói với họ: "Sẽ đến một lúc con người không thể chịu nổi sự giày xéo. Sẽ đến lúc họ không chịu nổi việc bị kéo ra khỏi ánh nắng ấm áp của mặt trời tháng 7, và bị bỏ lại trong cái lạnh cắt thịt tháng 11 nơi triền núi Alps"
Rồi ông ôm lấy Rosa Parks, sau khi ca ngợi hành động dũng cảm của bà. Parks đứng yên, không nói gì, sự hiện diện của bà là đủ để kích động đám đông. Những con người hôm ấy tổ chức phong trào tẩy chay xe buýt suốt hơn một năm sau. Họ kéo nhau đi bộ đến sở làm, đi nhờ xe người lạ và phong trào ấy đã góp phần thay đổi lịch sử của cả nước Mỹ.
Nghe câu chuyện này, ai cũng nghĩ Rosa Parks là một phụ nữ can trường, xù xì, mạnh mẽ. Nhưng khi mất ở tuổi 92 (năm 2005), các bài báo mô tả bà là một người nhỏ nhẹ, dịu dàng. Họ nói bà "rụt rè và nhút nhát" nhưng lại có "lòng quả cảm của một con sư tử". Trong cuốn tự truyện của mình, Rosa Parks đã đặt tên cho nó là "Sức mạnh im lặng" (Quiet Strength).
Khi viết quyển sách về tiểu sử của huyền thoại Bob Paisley của Liverpool, tác giả Ian Herbert đã chọn cái tựa "Quiet Genius" và thừa nhận mình lấy cảm hứng nhiều từ câu chuyện của Rosa Parks kể trên. Bob Paisley là HLV đầu tiên trong lịch sử từng ba lần vô địch C1. Sau ông, chỉ hai người nữa làm được việc ấy là Carlo Ancelotti và Zinedine Zidane.
Cũng như Paisley và Ancelotti, Zidane nói cực ít, thích lắng nghe nhiều hơn mở miệng. Nhưng vượt lên hai vị tiền bối, Zidane giành được thành tựu vĩ đại trong ba năm liên tiếp. Đấy là chưa kể, ông còn có sự nghiệp cầu thủ vĩ đại hơn.
Zidane ít nói từ khi còn là cầu thủ. Điều đó khiến cho mỗi bài viết về ông trở thành một thử thách không nhỏ cho các ký giả, ngay cả những nhà báo Pháp và Tây Ban Nha, những nơi Zidane sinh sống nhiều nhất cho tới nay. Ông hiếm khi ra sách, rất hạn chế trả lời phỏng vấn và luôn nói "không" khi có ai đó cậy nhờ, hoặc thậm chí năn nỉ, đưa ra quan điểm về một vấn đề nào đó.
Có một lý do khả dĩ giải thích cho sự ít nói của Zidane, đó là nguồn gốc của ông.
Cách thủ đô Algiers của Algeria 50 km về phía đông là một vùng đất mang tên Kabylia. Kabylia có một thời rực rỡ. Nhưng sau cuộc chiến tranh thất bại với những người Ả-rập trong thế kỷ thứ 7, đất đai của họ thu hẹp lại chỉ còn lại một vùng ngang với diện tích của Đan Mạch ngày nay.
Kabylia đã trải qua nhiều biến cố lịch sử. Hứng chịu sự đàn áp của những người Pháp thực dân, bị các đảng cầm quyền thay phiên nhau cầm tù và trục xuất, nhiều người Kabylia đã phải rời bỏ quê hương, đi tìm sự tự do tại quốc gia xâm chiếm mình là Pháp. Smaïl và Malika là hai người Kabylia như thế.
Họ đã rời khỏi khu làng Taguemoune để trực chỉ Paris. Rồi từ Paris tìm đường xuống Marseille, quê hương thứ hai của biết bao thế hệ người châu Phi di cư. Rồi họ định cư tại La Castellane, mái nhà của biết bao người Algeria chạy trốn cuộc nội chiến Algeria (1954-1962). Họ có với nhau năm mặt con. Đứa út là Zinedine Yazid Zidane, chào đời ngày 23/6/1972.
Khi cậu bé Zidane lớn lên, La Castellane đã là một nơi khét tiếng bạo lực, với tỷ lệ tội phạm, người thất nghiệp và tự tử rất cao. Khi một người Marseille rời khỏi thành phố của mình và giới thiệu tôi đến từ La Castellane, họ đều nhận thấy sự e dè, sợ sệt trong ánh mắt của người đối diện.
Cha của Zidane, ông Smaïl, là tấm gương cho cậu. Ban ngày làm thủ kho, tối làm bảo vệ ca đêm cho một cửa hàng, ông đã chu cấp đầy đủ cho một gia đình bảy miệng ăn. "Ông ấy truyền cảm hứng cho tôi," Zidane nói trong cuộc trả lời hiếm hoi với tờ Guardian (Anh). "Ông dạy tôi biết một người nhập cư phải làm việc gấp đôi người khác, dạy tôi không được phép bỏ cuộc".
Khi cậu bé Zidane chập chững những bước đầu tiên với bóng đá, người Pháp vẫn chưa chấp nhận cho dân nhập cư Bắc Phi chơi cùng. Với tài năng thiên bẩm, chính cậu đã mở lối tiên phong. Khác với đám bạn cùng xóm xem bóng đá như trò vui, Zidane xem đấy là con đường thoát nghèo. Cậu nghĩ rằng chu cấp cho gia đình là bổn phận của mình.
Năm 1981, cậu nhóc Zidane được CLB địa phương US Saint-Henri cho đăng ký vào tập. Là cầu thủ nhập cư Algeria duy nhất, cậu bé thường xuyên bị miệt thị, coi thường, chơi xấu, cả bởi đối thủ lẫn đồng đội. Nhưng cậu cố im lặng vượt qua tất cả. Khi quá sức chịu đựng, Zidane chuyển sang SO Septemes-les-Vallos và ở đó trong ba năm (1983-1986). Năm 1986, Zidane đến AS Cannes để xin thử việc và được chọn. Phải rời xa gia đình ở tuổi 14, Zidane vốn đã trầm tính lại càng ít nói hơn.
Thân cô thế cô, Zidane càng bị kỳ thị. Tuổi dậy thì bồng bột, chàng thiếu niên chọn phản kháng bằng bạo lực. Anh đấm đối thủ, đồng đội, đấm cả CĐV khi không chịu nổi sự kỳ thị. Anh đánh người ngay trên sân tập, trong trận đấu và cả trong ký túc xá dành cho những cầu thủ xa nhà. Kết quả là không biết bao nhiêu án kỷ luật, phải lau dọn từ phòng thay quần áo cho đến nhà vệ sinh.
HLV đầu tiên của Zidane tại Cannes, Jean Varraud, là người đầu tiên hướng dẫn cho anh chuyển cơn tức giận thành sự tập trung vào trận đấu. Giám đốc Trung tâm Đào tạo trẻ, Guy Lacombe thì khuyên: "Con sẽ bị đạp, bị sỉ nhục đến hết sự nghiệp. Vì con quá kỹ thuật và vì nguồn gốc của con. Nhưng nếu con thực thi công lý bằng nắm đấm, cả đời con phải ngồi dự bị xem người khác thi đấu. Hãy thực thi công lý với đôi chân của con".
Lời khuyên của hai ông thầy đã theo Zidane mãi đến khi trưởng thành. Anh dùng chân làm... phương tiện phát ngôn, dùng màn trình diễn thay cho nắm đấm. Rolland Courbis, HLV của Zidane ở Bordeaux, nhớ lại: "Một đêm nọ, giữa một phòng thay quần áo ngổn ngang, tôi thấy cậu ấy tâng bóng liên tục chỉ với gót chân của mình. Đời tôi thấy rất nhiều cầu thủ kỹ thuật, nhưng Zidane thật khác biệt. Tôi đứng đó nhìn cậu ta mê mẩn. Khi có quả bóng trong chân, Zidane luôn cảm thấy thư giãn, an toàn".
Và nhờ bóng đá, Zidane đã tìm thấy chốn trú ngụ bình yên. Nó trở thành thứ ngôn ngữ chính để ông giao tiếp với thế giới. Và vì đã có quả bóng "thay lời muốn nói", Zidane không cần mở miệng nhiều nữa. Nhưng như một câu nói quen thuộc: bạn có thể kéo một đứa trẻ ra khỏi khu ổ chuột, nhưng không thể kéo ổ chuột ra khỏi đứa bé đó. Thỉnh thoảng, Zidane bị kéo ra khỏi sự bình yên vốn có khi đang chơi bóng. Và ông lại phản ứng bằng bạo lực.
Chơi bóng cùng thời với Zidane có hai tiền vệ nổi tiếng máu lửa là Roy Keane và Patrick Vieira, biểu tượng của hai CLB Man Utd và Arsenal thời hoàng kim. Họ giỏi đá bóng lẫn đá người, họ đá cầu thủ đội bạn và đá nhau khi chạm trán. Kết thúc sự nghiệp đầy bạo lực, Keane lĩnh 11 thẻ đỏ. Vieira nhỉnh hơn với 12 thẻ đỏ. Còn Zidane hào hoa phong nhã thì sao? 14 chiếc thẻ đỏ, trong đó 12 chiếc là lỗi đánh nguội. Zidane lúc nào cũng như một ngọn núi lửa, bình yên ở bên ngoài, nhưng sôi sục dung nham ở bên trong và có thể nổ tung bất kỳ lúc nào.
Trong một lần trả lời phỏng vấn hiếm hoi khác, lần này là với tờ Esquire vào năm 2015, Zidane nói: "Nếu nhìn vào 14 chiếc thẻ đỏ trong sự nghiệp của tôi, thì 12 chiếc là kết quả của những sự khiêu khích từ đối thủ. Đấy không phải là sự đổ lỗi mà chỉ là một sự minh định. Tôi đã cố nhẫn nhịn trong suốt cuộc đời mình, cố không tức giận hay phản ứng. Nên khi thực sự bị kích động, tôi sẽ phản ứng mạnh gấp đôi. Như một quả bóng, nó lớn lên, và nổ".
Ngay tại World Cup 1998 mà Zidane trở thành biểu tượng của cả nước Pháp, ông cũng phải nhận một chiếc thẻ đỏ tại vòng bảng khi giẫm lên người Faud Anwa của Saudi Arabia. Đi kèm với nó là án treo giò hai trận. Và phải thẳng thắn mà nói, đấy là giải đấu Zidane đã chơi không có gì nổi bật. Mùa hè nước Pháp là sân khấu rực rỡ cho một cái tên khác: Ronaldo, lúc ấy "Người ngoài hành tinh" đang ở đỉnh cao phong độ. Tiền đạo này làm mê hoặc tất cả cho tới khi dính một cơn động kinh bí ẩn, biến anh thành một cái xác không hồn ở trận chung kết.
Và trong tất cả trận knock-out của Pháp trên đường đến chung kết, diễn đàn cũng thuộc về những cầu thủ phòng ngự. Vòng 1/8 với Paraguay, Laurent Blanc ghi bàn duy nhất trong hiệp phụ. Vòng tứ kết với Italy, Pháp giữ sạch mành lưới suốt 120 phút rồi ăn trong loạt sút luân lưu. Bán kết với Croatia, Lilian Thuram như từ dưới đất chui lên và ghi cú đúp.
Để rồi ở chung kết, hai lần bật lên đánh đầu ghi bàn của Zidane xóa mờ đi tất cả. Xóa mờ đi mùa hè phi thường của Ronaldo, xóa mờ đi một hàng phòng ngự trứ danh của Pháp. Tất cả chỉ còn lại cái đầu hói của Zidane, cái đầu đã ghi hai bàn ở chung kết, mang về cho người Pháp chức vô địch World Cup đầu tiên trong lịch sử.
Và rồi World Cup 1998 bỗng trở thành giải đấu của một mình Zidane. Và trong đêm khải hoàn, gương mặt của ông, gương mặt cương nghị của một người Kabylia đã được chiếu đèn laser lên Khải Hoàn Môn kèm một dòng chữ phía dưới: "Cám ơn Zizou". Cứ như thể cả đội tuyển Pháp chỉ có Zizou tỏa sáng.
Và sau đêm ấy, cuộc đời của Zidane hoàn toàn thay đổi. Định mệnh của một "chân mệnh thiên tử" khiến cho nhiều đồng đội của Zidane ghen tỵ và không thích ông. Chức vô địch ngay lúc nước Pháp rất cần một chiến thắng thể thao để quên đi những vấn đề xã hội, để tất cả thống nhất dưới ngọn cờ tam tài với khẩu hiệu đoàn kết "Black, Blanc, Beur" (người da đen, da trắng và Ả-rập) bỗng biến Zidane vượt thoát khỏi một biểu tượng thể thao mà còn trở thành một anh hùng dân tộc, một biểu tượng văn hóa, chính trị. Người ta viết bài hát cổ vũ Zidane lên làm Tổng thống, vẫy cờ Algeria cạnh cờ tam tài của Pháp trên đại lộ Champs-Elysées.
Sợ hãi tất cả những điều đó, sợ hãi những vây ráp quanh mình, Zidane lại càng trở nên thu mình hơn. "Có quá nhiều những con cá mập quanh cậu ấy", người anh trai Nordine của Zidane nói. "Im lặng chính là cơ chế tự phòng vệ của Zidane".
Sự im lặng khiến cho cuộc đời và sự nghiệp của Zidane được bao phủ bởi rất nhiều huyền thoại.
Ngay sau World Cup 1998, Zidane xuất bản một quyển sách chung với Christophe Dugarry, đồng đội cũ tại Bordeaux ngày trước và đội tuyển Pháp, với nhan đề "Mes copains d'abord" (Bằng hữu là trên hết). Trong sách có đoạn: "Chiến thắng này dành cho mọi người Algeria, để họ có thể tự hào dưới ngọn cờ cha ông, những người đã hy sinh cả đời cho gia đình mình, nhưng chưa từng phản bội văn hóa của chính mình".
Nhưng trong những lần tái bản sau này, câu nói rất mạnh về ý nghĩa chủng tộc ấy đã bị tháo ra khỏi quyển sách. Zidane luôn rất sợ người khác diễn dịch lời nói của mình theo một chiều hướng khác. Năm 2008, nhà báo người Pháp Besma Lahouri công bố sẽ xuất bản cuốn sách về cuộc đời Zidane mang tên Une Vie Secrète (Zidane: Một đời bí mật).
Lahouri là một cây bút có tiếng, từng viết tự truyện cho đệ nhất Phu nhân Pháp Carla Bruni, thế nên dự án "khủng" của ông lập tức tạo ra một sự háo hức cực lớn. Sau khi công bố về quyển sách, căn hộ của ông đã bị trộm đột nhập hai lần. Bọn trộm không lấy bất cứ thứ gì trong nhà ngoài... hai cái laptop. Chúng không cần tiền, chỉ cần... đọc trước quyển sách xem trong đó viết gì về thần tượng lớn của nước Pháp. Nhưng khi sách xuất bản, nó chìm nghỉm vô hình tích. Vì quyển sách mang tên là "Một đời bí mật" ấy rốt cục chẳng bật mí được thêm điều gì về Zidane.
Như ca nhạc sĩ Jean-Louis Moura từng nói: "Không một ai biết Zidane là thiên thần hay quỷ dữ. Anh ấy có nụ cười của Mẹ Theresa, nhưng có cái nhíu mày của kẻ giết người hàng loạt".
Phải, Zidane mang trong mình hình ảnh của cả Jesus lẫn Satan. World Cup 2006 là nơi tóm gọn hai bản thể đối lập ấy trong con người Zidane. Mùa hè nước Đức chứng kiến Zidane chơi thứ bóng đá đẹp nhất sự nghệp. Ông thong dong nhảy múa với quả bóng, trước những hậu bối kém cả chục tuổi. Ông kéo một tuyển Pháp bệ rạc dưới bàn tay của Raymond Domenech vào đến tận chung kết. Và ở đó, sau một quả phạt đền theo kiểu Panenka vào lưới Gianluigi Buffon là một cú húc đầu vào giữa ngực Marco Materazzi. Một cái kết bi tráng cho một sự nghiệp quá hùng tráng.
Cú húc đầu ấy đã trở thành một biểu tượng của văn hóa đại chúng. Zidane trở thành đề tài bất tận cho những bài viết, những tham luận, đề tài khoa học. Ông được so sánh với đủ mọi hình tượng, từ Billy Budd cho đến người anh hùng trong tác phẩm "Người lạ" của Albert Camus. Bài hát "Coup de Boule" (Húc đầu) được một nhóm nhạc sĩ Pháp trình làng chỉ 24 giờ sau trận chung kết ở Berlin, lập tức trở thành bản hit ở châu Âu. Suốt cả mùa hè ấy, các vũ công đã biến động tác húc đầu thành... vũ điệu và mang đi trình diễn khắp nơi.
Riêng về "nạn nhân" Marco Materazzi, anh trúng ngay gói quảng cáo bộn bạc với Nike. Trong mẫu quảng cáo ấy, Materazzi đỡ từ quả bóng bowling, cú húc của một VĐV bóng bầu dục, trụ kim loại dùng để phá cửa của cảnh sát cho đến một chiếc xe tải với chỉ với... ngực của mình. Materazzi còn xuất bản sách "Tôi đã nói gì với Zidane", và lấy toàn bộ tiền quyên cho UNICEF!
Nhưng không vì thế, mà người ta thấy... thương Materazzi hơn chút nào. Điều thú vị ở cú húc đầu kinh điển ấy là nó xóa nhòa hình tượng của kẻ phản diện và chính diện. Materazzi bị tấn công, tất nhiên là anh đáng thương. Nhưng anh cũng đáng giận vì dám làm hỏng một đại trường ca đang đi vào vĩ thanh. Materazzi cũng đáng ghét như những kẻ dám làm phiền khi Victor Hugo đang viết, chen vào khi Edith Piaf đang hát và nhảy xổ vào khi Monet đang vẽ.
"Zidane là một á thần. Anh ta là hiện thân của Achilles trong thời hiện đại, đã gục ngã bởi một cú húc đầu thay vì một gót chân yếu đuối", triết gia Pháp Bernard-Henri Levy nói. Và mười mấy năm sau ngày ấy, Zidane... vẫn không nói gì.
Vài tháng sau khi kết thúc World Cup 2006, Zidane đặt chân lên quê cha đất tổ Algeria lần đầu tiên trong đời. Nhưng đấy là theo lời mời của Tổng thống Abdelaziz Bouteflika, người đã ra lệnh tắm máu người Kabylia ở "Mùa xuân đen" năm năm trước đó. Rồi ít lâu sau đó, Zidane đứng ra làm đại sứ cho chiến dịch đăng cai World Cup 2022 của Qatar. Ông nói: "Không chỉ là chiến thắng của Qatar, đây còn là chiến thắng cho thế giới Ả-rập". Chỉ với một câu nói ấy và một bức hình, Zidane bỏ túi... 15 triệu USD. Nhưng người Kabylia đau chứ, khi người con nổi danh nhất xứ sở đi cổ vũ "lũ kẻ thù Ả-rập" từng chiếm đất giết người mình. Nên ở ngay cái cộng đồng người Kabylia, nơi bố mẹ Zidane đã sinh ra, ông thật sự là một kẻ phản diện. Vì mỗi khi cộng đồng cần ông lên tiếng cho một bất công nào đó, ông đều chọn sự im lặng.
Nhiều đồng nghiệp cũng cảm thấy bất công và không phục Zidane. Emmanuel Petit, Lilian Thuram và Thierry Henry đều cảm thấy không thoải mái, thậm chí khó chịu trước những câu hỏi về Zidane. Khi đã làm HLV tại Tây Ban Nha cho đội trẻ của Real, Zidane từng phải ngưng công việc huấn luyện giữa chừng để đi bổ túc bằng HLV, vì các đồng nghiệp tố ông làm việc "chui". Paco Jemez, HLV của Rayo Vallecano gọi đấy là một việc "đáng hổ thẹn" và bảo: "Tôi không hiểu sao mình tốn công sức học hành làm gì khi người ta có thể cầm quân tại Tây Ban Nha mà không cần bằng cấp".
Zidane ít nói với người ngoài, có lẽ vì muốn dành cơ hội đối thoại cho những người thật sự có ý nghĩa. Có một câu chuyện rất hay được báo chí kể lại ở Real Madrid. Đó là dưới thời Rafael Benitez, trong một buổi tập, HLV người Tây Ban Nha đưa ra một đống cơ sở phân tích để Ronaldo sút phạt tốt hơn. Benitez lèm bèm đến mức Ronaldo phát mệt và rời khỏi sân, bỏ mặc ông thầy ngơ ngác với chiếc ipad. Cũng trên sân tập, ít lâu sau đó, thấy Ronaldo tập sút phạt mãi không tiến bộ, Zidane, lúc này đã làm HLV thay Benitez, đến và nói: "Để tôi đá thử cậu xem nhé". Zidane lấy đà, bước lên và sút phát ăn ngay. Rồi Ronaldo, với cá tính hiếu thắng vốn có, thách ông thầy thi sút phạt hàng rào. Sút thì sút. Kết quả Ronaldo sút 10 vào 2, Zidane sút 10 vào 9. Và Ronaldo đã phải công kênh Zidane trên lưng anh.
Zidane không chỉ đạo suông, ông bước ra và làm cho học trò xem. Chúng ta đang bước vào một kỷ nguyên bóng đá mà các HLV không tự nhiên mà có sự tôn trọng của các cầu thủ, ông ta phải giành lấy nó. Và Zidane, với sự nghiệp lẫy lừng hiếm có và một sự quan sát tỉ mỉ khi còn làm trợ lý cho Carlo Ancelotti và HLV đội trẻ, đã giành được sự tôn trọng tuyệt đối từ các cầu thủ. Và vì ông ít nói, nên khi ông nói tất cả đều phải lắng nghe.
Đến giờ, có lẽ mọi người đều đã nhìn ra bí quyết trong cách huấn luyện của Zidane: nỗ lực và bền bỉ, cũng là kim chỉ nam trong cách chơi bóng của ông. Nhiều người thấy những pha xử lý mềm mại, thư thái của Zidane mà quên mất một điều: ông đổ rất nhiều mồ hôi. Từ khi sang Italy, Zidane mỗi trận đấu phải mặc hai chiếc áo đấu vì kết thúc hiệp 1 thì nó đã ướt sũng. Zidane tài hoa, nhưng ông cũng hiểu giá trị của lao động. Và để lựa chọn giữa hiệu quả và hào nhoáng, ông luôn chọn vế đầu tiên.
Khi Florentino Perez mua David Beckham nhưng lại bán đi Claude Makelele, chính Zidane đã nói với Chủ tịch Real một câu kinh điển: "Ông dát vàng chiếc Bentley làm gì khi nó đã mất đi động cơ?". Hơn ai hết, Zidane biết để một người nghệ sĩ chinh phục đám đông trên sân khấu, sau lưng họ đã biết bao con người thầm lặng. Zidane không bao giờ quên những cỗ máy thầm lặng cạnh mình: Didier Deschamps, Emmanuel Petit và Patrick Vieira ở tuyển Pháp, Antonio Conte ở Juventus, Makelele ở Real Madrid. Nên nếu phải chọn một cầu thủ tiêu biểu cho phong cách huấn luyện của Zidane ở Madrid, người đó nhất định phải là Casemiro.
Nhưng Zidane không chỉ có một Casemiro, ông có tới... 11 Casemiro. Dưới thời của ông, Lucas Vazquez bình dân còn đá nhiều hơn ngôi sao Gareth Bale. Và cái chân trái của Marco Asensio cũng đáng quý như cái chân trái của James Rodriguez. Cơ hội là như nhau cho tất cả, bởi quan trọng không phải số áo bạn đang mang, màu áo bạn đang mặc mà là số lượng mồ hôi mà bạn đổ ra để thấm ướt chiếc áo ấy. Bởi thế, Modric, 34 tuổi, vẫn chạy như tuổi tráng niên, một Benzema được Madrdista gọi là "Ben ú" nay... ốm nhom và cứ như đang mặc một chiếc áo lố size. Bởi thế Sergio Ramos ở tuổi 34 bỗng dưng tập điên cuồng và giờ đô như VĐV thể hình. Trận đấu quyết định với Villarreal, anh đoạt bóng ở giữa sân, rồi chạy từ sân nhà qua tận vòng cấm đối thủ, kiếm quả phạt đền, rồi nhường lại cho Benzema. Tinh thần Juanito ở đó, tinh thần Zidane ở đó. Mình vì mọi người, thủ quân phải thế!
Người ta cứ mỉa mai Zidane không biết gì về chiến thuật, nhưng ông lại là bậc thầy của mọi bậc thầy khi dạy về chiến đấu. Lãnh đạo binh đoàn áo trắng, nhưng sẵn sàng từ bỏ áo choàng rực rỡ để trở thành bậc thầy hắc ám. Đấy đâu chỉ là người HLV mà Real cần, đấy là người mà Real xứng đáng có được!
Sau khi Real Madrid đánh bại Villarreal để lên ngôi vô địch La Liga, nhà báo Carlos Carpio viết cho tờ Marca như sau: Hãy nhìn lại mà xem. Ông đã giành lấy chiếc Cúp này mà không có Cristiano Ronaldo, chân sút vĩ đại nhất lịch sử CLB. Ông giành nó mà không có ngôi sao lớn nhất, Eden Hazard, trong phần lớn mùa giải vì chấn thương. Ông giành nó mà không có chân sút ghi bàn mà mình kỳ vọng, Luka Jovic, người thích tỏa sáng ở những sự kiện bên ngoài hơn là bên trong sân cỏ. Ông giành nó mà không có Marco Asensio, phát hiện lớn nhất của mình trong nhiệm kỳ huấn luyện đầu tiên. Ông giành nó với duy nhất một tiền vệ đánh chặn trong đội hình. Ông giành nó với những người cận vệ già đã vào tuổi băm, những cái tên mà người ta đã gán mác "hết đát". Ông giành nó dù có nhiều trận chỉ ghi nhiều hơn đối phương một bàn, và phải đổ không biết bao nhiêu mồ hôi để bảo toàn lợi thế mong manh đó. Ông giành nó không phải vì ông giỏi hơn tất cả những HLV khác, không phải vì đội hình của ông ưu việt hơn tất cả, mà vì thầy trò ông khao khát hơn tất cả.
Nói tóm lại, ông đã vô địch, thế thôi. Đấy chẳng phải là lý do ông trở lại đây đó sao!
Khi được yêu cầu hãy mô tả Zidane qua một từ, Ronaldo đã chọn từ "Winner" (người chiến thắng, nhà vô địch). "Zidane ít nói, nên những gì ông nói ra sẽ ở lại với bạn mãi mãi", Isco nói. Thierry Henry, một trong những cầu thủ được xem là không thích Zidane nhất tuyển Pháp, nói: "Ở Pháp, mọi người nhận ra Chúa có tồn tại, và người không ở trong nhà thờ mà ở trong đội tuyển Pháp".
Các Madridista có thể chế biến câu nói của Henry thành: "Chúa đang mặc áo vest đứng bên đường piste của Real Madrid".
Một người áo đen lãnh đạo một binh đoàn áo trắng, với tất cả quyền năng của những gì sang trọng lẫn hắc ám nhất. Mãi mãi sẽ không bao giờ có một định nghĩa toàn vẹn về Zidane. Và vì thế, huyền thoại Zidane lại càng trở nên sống động, vì con người muôn đời vẫn luôn làm cái điều vô nghĩa nhất: đó là cắt nghĩa điều bất khả tri.
Trần Minh