Hamzy là một trong những ngôi sao Internet nổi tiếng và có thu nhập cao nhất Hàn Quốc với lượt đăng ký hơn 5,29 triệu trên YouTube. Cô cũng được biết đến tại nhiều nước châu Á với hiện tượng Mukbang - một thể loại video ghi lại cảnh ăn một lượng thức ăn lớn trước máy quay.
Trong video ăn cơm trộn bạch tuộc và kim chi trắng đăng ngày 15/1 trên YouTube, cô đã like nhiều bình luận của "fan" Hàn Quốc với nội dung chỉ trích người Trung Quốc nhận kim chi là món ăn của nước mình. Theo Allkpop, Hamzy đã like một bình luận rằng: "Tôi cảm thấy tức giận khi nhiều người Trung Quốc cho rằng món Ssam (rau cuốn thịt hấp) là của họ và rất vui khi bạn đã làm một video ăn Ssam".
Từ đây, công chúng Trung Quốc bắt đầu "nổi cơn thịnh nộ" và coi hành động "like" các bình luận của Hamzy là xúc phạm nền ẩm thực nước họ.
Sau một loạt tranh cãi, Suxian Advertising, đơn vị quản lý tài khoản của Hamzy và shop online của cô tại Trung Quốc, cho biết họ sẽ chấm dứt hợp đồng với YouTuber này. Trong thông báo mới nhất, đại diện công ty này cho biết: "Chúng tôi phản đối bất kỳ hành động nào xúc phạm Trung Quốc và sẽ không cho phép bất kỳ blogger nước ngoài nào mà chúng tôi ký hợp đồng có thái độ hoặc bình luận làm tổn thương người hâm mộ Trung Quốc". Về phía Hamzy, trong một bài đăng trên YouTube, cô cũng đã xác nhận hợp đồng của cô với công ty Trung Quốc này đã bị hủy.
The Paper đưa tin thêm rằng tất cả video của Hamzy đã bị xóa khỏi nền tảng chia sẻ video Bilibili và mạng xã hội Weibo của Trung Quốc. Lượng người theo dõi Hamzy trên Bilibili đã giảm từ 1,8 triệu xuống 1,4 triệu chỉ sau một đêm.
Ngày 16/1, đích thân Hamzy phải tổ chức một buổi phát trực tiếp để xin lỗi khán giả Trung Quốc. Trong video, cô giải thích rằng mình có thói quen "lướt" các bình luận ủng hộ. Cô đã không đọc kỹ những gì được viết trong comment, mà chỉ vô tình like. Hamzy nói thêm rằng cô không có ý xúc phạm bất kỳ ai và mong mọi người sẽ tha thứ cho cô.
Tuy nhiên, cư dân mạng Trung Quốc vẫn không hài lòng. Theo SCMP, một người hâm mộ Trung Quốc đã bình luận: "Tôi cảm thấy hối hận vì từng mến mộ bạn. Không gì có thể vượt trên lòng trung thành của tôi với đất nước. Tôi sẽ không chỉ trích bạn, bởi vì tôi từng thích bạn. Nhưng đây sẽ là lời tạm biệt". Một số "fan" Trung Quốc khác thậm chí còn yêu cầu cô đăng video xin lỗi lên YouTube bằng tiếng Trung, tiếng Hàn và tiếng Anh.
Tuy nhiên, trong bài đăng trên YouTube – nền tảng ít được người hâm mộ Trung Quốc sử dụng – Hamzy cho biết: "Nếu buộc phải nói kim chi là món ăn Trung Quốc để được yêu thích ở đó, tôi sẽ lựa chọn không làm việc tại nước này. Người Trung Quốc cũng không cần phải nói ẩm thực nước họ là của Hàn Quốc để được làm việc tại Hàn Quốc".
Tranh chấp về kim chi đã kéo dài từ tháng 11 năm ngoái, khi tờ Global Times của Trung Quốc đưa tin về việc Bắc Kinh giành được chứng nhận quốc tế cho "pao cai" - một món rau ngâm từ Tứ Xuyên - là "tiêu chuẩn quốc tế cho ngành công nghiệp kim chi do Trung Quốc dẫn đầu".
Trước việc của Hamzy, nguồn gốc của kim chi cũng trở thành đề tài tranh luận giữa người dùng Internet Trung Quốc và Hàn Quốc sau khi Lý Tử Thất đăng video làm kim chi và gắn thẻ đó là "ẩm thực Trung Quốc". Người Hàn Quốc lên án Lý Tử Thất là đi "nhận vơ" tinh hoa ẩm thực Hàn Quốc, trong khi "fan" Trung Quốc lại ra sức bảo vệ và đáp trả bằng những lời chỉ trích.
Đăng Thiên (theo SCMP)