Việt Nam hiện là một trong những quốc gia dẫn đầu khu vực Đông Nam Á khi chỉ trong nửa đầu năm 2021, cả nước có đến 74% người dân sử dụng internet hàng ngày cùng hơn 8 triệu người dùng thương mại điện tử mới, theo dữ liệu Google.
Với sự tăng trưởng mạnh mẽ ngay cả khi hoạt động mua sắm truyền thống đã trở lại trong thời bình thường mới, thương mại điện tử Việt Nam tiếp tục bứt phá với các xu hướng mới. Giới chuyên gia nhận định đây sẽ là những yếu tố trọng yếu góp phần định hình thị trường ngành này trong năm 2022.
Song song đó, theo báo cáo toàn cảnh thương mại điện tử và xu hướng thị trường với chủ đề "Thương mại điện tử năm 2021: Thích ứng và nhanh chóng vượt trở ngại từ Covid-19" của Lazada Việt Nam, các ngành hàng bùng nổ doanh số nhờ sự chuyển dịch thói quen tiêu dùng trong năm qua cũng được dự đoán sẽ tiếp tục thúc đẩy công cuộc chuyển đổi số của các thương hiệu, nhà bán hàng.
Social commerce - tận dụng mạng xã hội thành kênh thương mại tiềm năng
Một trong những xu hướng bùng nổ từ cuối 2021 đến đầu 2022 là hình thức kết hợp giữa thương mại điện tử với mạng xã hội. Việc tận dụng các nền tảng lớn với lượng người dùng truy cập "khủng" mỗi ngày như Facebook, Instagram, Twitter, hay gần đây nhất là TikTok, giúp nhà bán hàng, thương hiệu tăng sự gắn kết với khách hàng.
Theo khảo sát của Remarkable Commerce, hơn 90% người dùng mạng xã hội truy cập các nền tảng yêu thích của họ bằng thiết bị di động. Trong đó có đến 54% sử dụng mạng xã hội để nghiên cứu sản phẩm và mua sắm.
Thông qua các hoạt động bình luận, livestream, mua sắm đánh giá sản phẩm trực tiếp trên bài đăng mạng xã hội kèm hình ảnh trực quan sinh động, người dùng dễ dàng tìm được món hàng chất lượng ưng ý. Ngược lại, phía nhà bán hàng và thương hiệu có cơ hội tiếp cận thêm nhiều khách hàng tiềm năng, mở rộng tệp khách hàng, tăng độ phổ biến. Từ đó, các chương trình, chiến dịch ưu đãi cũng hiệu quả hơn.
Bên cạnh đó, việc tận dụng tốt các công nghệ hiện đại và thu hút người dùng như hình ảnh 3D, video 360 độ, trí thông minh nhân tạo AI hay tính năng livestream trên mạng xã hội... có thể giúp nhà bán hàng và thương hiệu khiến giao diện mua sắm thân thiện, gần gũi hơn với người dùng.
"Sân chơi" của giới sáng tạo nội dung
Theo một báo cáo của Nielsen, có đến 63% người tiêu dùng vẫn giữ thói quen mua sắm trực tuyến trong bình thường mới, ngay cả khi các hoạt động bán hàng truyền thống trở lại như cũ. Nhiều người dùng cho biết họ duy trì thói quen mua hàng online vì ưu điểm tiện lợi, tiết kiệm thời gian, ưu đãi sâu và diễn ra dày đặc quanh năm.
Các hoạt động mua sắm kết hợp giải trí - shoppertainment cũng ngày càng đa dạng, giúp người tiêu dùng có thể vừa mua sắm, vừa giải tỏa căng thẳng sau giờ làm việc ngay tại nhà. Không chỉ các nhà bán hàng nhỏ lẻ, những thương hiệu lớn trong nước lẫn quốc tế cũng dần nắm bắt thị hiếu này. Trong đó, hoạt động livestream giới thiệu sản phẩm, chia sẻ trải nghiệm tiêu dùng trong năm qua đã giúp nhiều nhãn hàng đạt kỷ lục doanh số.
Chỉ riêng trong Lễ hội mua sắm "Tết mới, sale to" triển khai từ ngày 5-14/1/2022, Lazada ghi nhận số lượng người dùng sẵn sàng chi tiêu trên livestream tăng 2,5 lần. Số lượng đơn hàng bán ra trên kênh LazLive cũng tăng gấp 4 lần. Lượt xem livestream tăng hơn gấp 4 lần cho thấy người dùng rất hào hứng với các nội dung giải trí trong Hội Xuân Online như Gala Tết, Lô Tô Sale, Chém Giá... Đồng thời, LazLive cũng ghi nhận doanh số bán ra tăng gần 8 lần so với cùng kỳ năm ngoái.
Các số liệu trên phần nào cho thấy người tiêu dùng ngày càng tận hưởng các nội dung giải trí trên thương mại điện tử và các buổi phát sóng trực tiếp (livestream). Chuỗi nội dung tự sáng tạo của livestreamer, nhà bán hàng và thương hiệu cũng trở thành trợ thủ đắc lực của kênh kinh doanh trên thương mại điện tử.
Bên cạnh đó, ngoài các buổi livestream, người dùng có thể chia sẻ trải nghiệm sử dụng sản phẩm qua các dạng bài đánh giá, video ngắn, "đập hộp" (unboxing), hướng dẫn sử dụng các sản phẩm, dịch vụ, công nghệ mới trên trang cá nhân của mình... Điều này trở thành hình thức tiếp thị mới mẻ, không chỉ giúp thúc đẩy doanh số và kích cầu mua sắm, mà còn hỗ trợ người dùng đưa ra lựa chọn sáng suốt hơn trong chi tiêu.
Cá nhân hóa để mang lại trải nghiệm tối ưu cho người dùng
Trong các xu hướng thương mại điện tử dự đoán lên ngôi năm nay, cá nhân hóa trải nghiệm người dùng được xem là chìa khóa quan trọng giúp doanh nghiệp ngành này lẫn nhà bán hàng, đối tác thương hiệu tăng mức độ hài lòng của khách hàng.
Báo cáo của Remarkable Commerce cho thấy có đến 80% người dùng ưu tiên mua sắm sản phẩm từ những thương hiệu, sàn thương mại điện tử có yếu tố cá nhân hóa và ưu đãi hấp dẫn. Tỷ lệ chuyển đổi đơn hàng trên các nền tảng mua hàng trực tuyến ưu tiên cá nhân hóa trải nghiệm người dùng cũng tăng đến 20%.
Theo báo cáo toàn cảnh thương mại điện tử và xu hướng thị trường 2022 của Lazada Việt Nam, mục đích của việc cá nhân hóa chính là để nâng cao trải nghiệm mua sắm của khách hàng. Với sự cho phép từ khách hàng, các thông tin liên quan đến trải nghiệm mua sắm đa kênh được tổng hợp và đóng vai trò nòng cốt, giúp nền tảng thương mại điện tử và các nhà bán hàng cải thiện hành trình mua sắm của người dùng.
Việc ứng dụng công nghệ AI cũng góp phần giúp hành trình này hoàn thiện hơn khi hỗ trợ thu thập và xử lý thông tin, cho ra những kết quả gần sát nhất với thói quen tiêu dùng và sở thích của mỗi người dùng. Qua các kết quả thu thập được, nền tảng thương mại điện tử có thể thấu hiểu khách hàng hơn, từ đó thiết kế những trải nghiệm riêng phù hợp nhu cầu, giúp tăng tỷ lệ chuyển đổi đơn hàng thành công.
Ngoài ra, việc cá nhân hóa trải nghiệm mua sắm cũng giúp các sàn nắm bắt được thói quen chi tiêu. Việc đa dạng hóa phương thức thanh toán bao gồm chi trả qua ví điện tử, thẻ ngân hàng, thẻ tín dụng hay bằng tiền mặt khi nhận hàng (Cash on Delivery - COD) cũng bắt nguồn từ các yếu tố cá nhân này, đáp ứng nhu cầu của mọi người tiêu dùng.
Ngành hàng thiết bị điện tử, tiêu dùng nhanh lên ngôi
Dịch bệnh không chỉ thay đổi thói quen tiêu dùng mà còn ảnh hưởng đến doanh số của các ngành hàng hiện hữu trên sàn thương mại điện tử. Trong làn sóng Covid-19 thứ tư năm 2021, ngành hàng tiêu dùng nhanh (FMCG) đã cho thấy mức tăng trưởng mạnh mẽ. Sự bùng nổ này không chỉ nằm ở lượng đơn hàng, doanh số bán ra mà còn thể hiện qua số nhà bán hàng mới lên sàn.
Hai báo cáo gần đây của Lazada Việt Nam đều cho thấy số lượng nhà bán hàng mới quý II/2021 tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm trước. Con số này vẫn tăng hơn 1,5 lần trong quý III/2021 và duy trì tăng trưởng đến hết năm.
Nhiều thương hiệu thực phẩm, đồ uống, nhà hàng thuộc lĩnh vực F&B cũng hưởng ứng xu hướng chuyển đổi số, tham gia kinh doanh trên Lazada trong năm vừa qua. Ngoài các đối tác quen thuộc như Nestlé, Vinamilk... những nhãn hàng mới như Star Kombucha cũng liên tục xô đổ kỷ lục doanh số, đơn hàng.
Xu hướng chuyển dịch kinh doanh trên thương mại điện tử đã dẫn đến mức tăng trưởng cao nhất về số lượng người bán của ngành hàng này năm qua. Ngoài ra, các ngành hàng thời trang, nhà cửa & đời sống và điện tử... cũng cho thấy sức hút với lượng nhà bán hàng và doanh số ấn tượng.
Nổi bật trong số thương hiệu đạt doanh số "khủng" trong Lễ hội mua sắm "Tết mới, sale to" vừa qua trên Lazada có thương hiệu Cô Cự, do anh Lê Đức Duy sáng lập. Anh Duy cho biết, trong chiến dịch Tết vừa qua, thương hiệu Cô Cự đã tham gia các chương trình "Deal đồng giá Lộc Phát 68k, đại phát 88k", Freeship Max... với kết quả tăng đáng kể tỷ lệ chuyển đổi đơn hàng. Nhờ đó, doanh số lẫn lượng đơn bán ra tăng gấp ba lần.
Mặt khác, gian hàng Inuka Store của anh Phạm Minh Hoàng cũng ghi nhận tăng gấp đôi doanh số trong Lễ hội mua sắm "Tết mới, sale to". Anh cho biết tốc độ tăng trưởng gian hàng mỗi tháng ở mức 20-30%. Vào những đợt chiến dịch lớn, con số này có thể gấp 3-4 lần ngày thường.
Qua các số liệu ghi nhận bởi Lazada Việt Nam trong năm 2021, ngành thương mại điện tử 2022 hứa hẹn bùng nổ với loạt xu hướng mới. Đại diện Lazada cho biết nền tảng sẽ tiếp tục hỗ trợ các thương hiệu và nhà bán hàng đối tác chinh phục những thách thức mới, đồng thời từng bước tối ưu trải nghiệm của người dùng thông qua các chiến dịch ưu đãi và lễ hội mua sắm.
Thiên Khải