Ngày 28/6, Ngân hàng Nhà nước quyết định điều chỉnh tỷ giá tăng thêm 1% lên 21.036 đồng sau hơn một năm rưỡi duy trì ở mốc 20.828 đồng ăn một đôla. Động thái này đã được cả giới ngân hàng lẫn các chuyên gia chờ đợi và gây sức ép từ trước đó khá lâu. Bản thân Ngân hàng Nhà nước sau này cũng thừa nhận điều chỉnh "nhằm phản ánh chính xác hơn cung cầu ngoại tệ trên thị trường".
Vài ba ngày đầu áp dụng tỷ giá mới, các ngân hàng còn dè chừng niêm yết giá bán ra quanh 21.200-21.220 đồng nhưng bắt đầu đẩy lên kịch trần 21.246 đồng từ giữa tuần qua. Tỷ giá bán của Sở Giao dịch Ngân hàng Nhà nước còn trạm trần sớm hơn, ngay từ đầu tuần, một trong những chỉ báo có thể cho thấy cung đôla không dồi dào cho các nhà băng.
Sức nóng từ ngân hàng được khuếch đại trên thị trường tự do, tỷ giá chợ đen lần lượt vượt qua các mốc 21.600 rồi leo qua 21.750 đồng ăn một đôla vào cuối tuần.
Không nói thẳng nguyên nhân khiến đôla tự do leo thang nhưng chủ một cửa hàng trên phố Nguyễn Thái Học cho biết, ông quan sát một tháng nay đôla thường tăng mạnh vào cuối tuần. "Một phần do đây là ngày cuối cùng phải tất toán trong tuần, nhu cầu gom mua tăng nhưng cũng có thể tuần này do nguồn cung khan hiếm", vị này cho biết. Cửa hàng này hiện báo giá mua - bán đôla ở 21.670 - 21.750 đồng. "Nếu mua nhiều mà tôi còn đủ hàng để bán thì cùng lắm bớt cho 10 đồng thôi", vị này giục giã khi khách mặc cả để chứng minh cung hàng "khan".
Những diễn biến của giá đôla trên thị trường tài chính quốc tế tuần qua cũng ảnh hưởng không ít tới biến động trong nước. Đồng đôla Mỹ trong tuần này đã tăng so với tất cả 16 đồng tiền giao dịch chủ chốt và cũng kéo dài chuỗi tuần tuần tăng thứ 3 liên tiếp. Chỉ số Dollar so với 6 đồng tiền của các đối tác thương mại chủ chốt của Mỹ, bao gồm cả euro và yên, hôm qua đã tăng lên cao nhất kể từ năm 2010.
Theo ông Lê Xuân Nghĩa - Viện trưởng Viện nghiên cứu Phát triển Kinh doanh - tỷ giá đang chịu sức ép nhất định do có những tác động từ khu vực nhập khẩu, gồm cả hàng hóa (tư liệu sản xuất) và vàng. "Công nghiệp có dấu hiệu phục hồi mạnh nên người ta nhập khẩu nhiều nguyên liệu máy móc thiết bị, kể cả doanh nghiệp FDI lẫn nội địa. Bằng chứng là thâm hụt thương mại trong tháng 5 và 6 tăng lên khá nhanh. Riêng 2 tháng này, thâm hụt đã gần gấp đôi 4 tháng trước", ông Nghĩa giải thích.
Một chuyên gia tài chính ngân hàng khác lại cho rằng nên hiểu những đợt tăng tỷ giá này trên quan hệ mua - bán thay vì cho vay như trước đây. Chủ trương hạn chế ngân hàng cho vay ngoại tệ của Ngân hàng Nhà nước đã khiến lượng hoạt động mua bán ngoại tệ trên thị trường hối đoái tăng lên nhanh chóng. "Trước chỉ vay ngân hàng, nay doanh nghiệp phải đi mua ngoại tệ nên lượng giao dịch tăng nhanh và không ngoại trừ giới đầu cơ găm giữ để bán ra với giá cao nên những đợt 'sóng' này dễ hiểu", vị này nói. Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước trong tuần từ 24 đến 28/6, doanh số giao dịch đôla trên thị trường liên ngân hàng tăng mạnh, từ mức quy đổi 49.209 tỷ đồng tuần trước đó lên 125.460 tỷ đồng
Phó tổng giám đốc phụ trách ngoại hối của một ngân hàng cổ phần nói, không nên thấy các nhà băng bán USD kịch trần, thị trường tự do hét giá cao đã vội lo lắng. Theo ông, tỷ giá hiện nay không quá "nóng" như nhiều người nghĩ, có biến động chỉ là trên thị trường tự do. "Thị trường này lại chiếm thị phần rất nhỏ nên không thể coi nó là một tham chiếu lớn cho thị trường ngoại hối. Không nên cứ thấy cái gì tăng thì nháo nhào lên, việc này rất dễ bóp méo quan hệ cung - cầu", vị phó tổng này cho biết.
Chia sẻ quan điểm này, ông Trương Văn Phước, Tổng giám đốc Ngân hàng cổ phần Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) cho rằng cung cầu ngoại tệ nhìn chung ổn định, tỷ giá biến động chủ yếu do tâm lý. Nhập siêu tăng trở lại hai tháng gần đây nhưng theo ông chưa đủ lớn tới mức có thể khiến cầu ngoại tệ tăng đột biến vượt khả năng cung ứng của hệ thống ngân hàng.
Giao dịch ngoại tệ trên thị trường liên ngân hàng tăng mạnh được cho là xuất phát từ nhu cầu tất toán trạng thái. Trước đây, do chênh lệch lãi suất giữa tiền đồng và đôla Mỹ hấp dẫn, các ngân hàng đã hoán đổi ngoại tệ ra tiền đồng để kinh doanh. Nay nhiều hợp đồng đến hạn và tính toán khả năng tỷ giá điều chỉnh, các ngân hàng đã dồn dập mua lại ngoại tệ. Động thái này, theo ông Phước, có thể ảnh hưởng nhất định tới tâm lý của các bên trên thị trường, từ đó đẩy tỷ giá trên thị trường tự do tăng cao.
Ông Nghĩa cho biết, theo tính toán của Ngân hàng Nhà nước về tỷ giá hối đoái thực đa phương (tính cho một rổ tiền tệ gồm 23 đồng tiền có quan hệ thương mại với Việt Nam), đến cuối tháng 6, đồng Việt Nam đang tăng giá so với USD khoảng 1%. Do đó theo ông, mức độ điều chỉnh của tỷ giá trong những tháng cuối năm không lớn. Vị chuyên gia này cũng lưu ý, mức độ dao động của tỷ giá ở cả hai chiều lên - xuống có thể tương đối lớn trong ngắn hạn nên việc tỷ giá leo thang trong tuần qua chưa đáng lo ngại.
Thống đốc đã tuyên bố tỷ giá tăng tối đa 2-3%. Vì "room" để điều chỉnh tỷ giá từ nay đến cuối năm đã quá rõ ràng nên theo lãnh đạo một ngân hàng cổ phần, không cần quá lo lắng với việc này. "Mục tiêu hiện nay vẫn là kiềm chế lạm phát nên nếu vô tình phá giá VND, cán cân nhập siêu sẽ bị đe dọa và có thể xảy ra chuyện nhập khẩu lạm phát. Như vậy bao nhiêu công sức điều hành lạm phát mấy năm nay sẽ bỏ đi"
Thanh Thanh Lan