Ghi nhận các kết quả làm được, nhưng tại Hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm diễn ra ở Hà Nội sáng nay, Thống đốc Nguyễn Văn Bình tỏ thái độ dứt khoát, thậm chí mang tính răn đe với những trường hợp cố tình chơi không đẹp, không chuyên nghiệp để gây sức ép không đáng có tới tỷ giá và thị trường vàng.
Từ 2011 đến nay, tỷ giá chính thức của Ngân hàng Nhà nước hầu như không đổi, neo ở 20.828 đồng ăn một đôla. Tỷ giá mua bán của các ngân hàng thương mại có tăng có giảm nhưng chủ yếu vẫn xoay quanh biên độ 1% cho phép. Nhưng vài tuần gần đây, có dấu hiệu tăng nóng. Có ngày Sở Giao dịch của chính Ngân hàng Nhà nước cũng phải đẩy tỷ giá lên kịch trần 21.036 đồng. Còn tại các ngân hàng thương mại, chênh lệch mua - bán đôla thậm chí chỉ chênh nhau một đồng, tín hiệu cho thấy nhu cầu thu gom của các nhà băng tăng lên. Theo các chuyên gia, có thể các ngân hàng đang cho rằng tỷ giá sẽ được điều chỉnh nên tăng cường thu gom để cân đối trạng thái và đầu cơ, đẩy cầu tăng mạnh.
Trao đổi với VnExpress.net, phó tổng giám đốc phụ trách ngoại hối của một ngân hàng cổ phần không thừa nhận chuyện các nhà băng đang găm ngoại tệ nhưng vị này cho biết cũng đang kỳ vọng Ngân hàng Nhà nước sẽ điều chỉnh tỷ giá sau những áp lực "sóng" tăng thời gian qua.
Theo phân tích của Thống đốc, nhu cầu thị trường hai tháng qua có tăng, chủ yếu do cán cân thương mại bắt đầu nhập siêu. Nhưng về tổng thể cán cân thanh toán vẫn thặng dư và cung của thị trường vẫn đáp ứng được cầu. Trong năm 2013, Thống đốc cũng hơn một lần khẳng định tỷ giá sẽ biến động không quá 2-3%.
"Tại sao có áp lực tăng tỷ giá, đó là vì các ngân hàng thừa tiền, dư thanh khoản, chưa cho vay ra được, nên muốn cải thiện trạng thái ngoại tệ của mình, mua vào dự phòng hoặc thông qua đây để kinh doanh. Hiện tượng gia tăng tỷ giá thời gian vừa rồi chủ yếu do chính các ngân hàng tạo ra chứ không phải do thị trường", Thống đốc thẳng thắn.
Động thái mua bán của các ngân hàng thương mại hiện vẫn trong khuôn khổ pháp luật cho phép, nhưng Thống đốc nhìn nhận cách ứng xử này chưa chuyên nghiệp và chưa đẹp, nhất là khi tất cả hệ thống đã làm mọi việc để hướng tới mục tiêu ổn định vĩ mô, ổn định tỷ giá để nhờ đó mà giảm mặt bằng lãi suất huy động, cho vay.
"Một khi Ngân hàng Nhà nước đã định hình mặt bằng tỷ giá như thế, chúng ta phải bàn bạc, cân nhắc và nghiêm túc tuân thủ. Chúng ta đang có mặt bằng lãi suất tương đối hợp lý và nếu có điều kiện vẫn phải giảm xuống nữa. Nếu các ngân hàng cứ quá đầu tư trên thị trường ngoại tệ, sẽ dẫn tới sức ép tăng lãi suất, mà như thế sẽ triệt tiêu kết quả đạt được. Đừng vì lợi ích của ngân hàng nào đó mà phá vỡ lợi ích chung", ông nói.
Theo ông, nếu tình trạng đầu tư, găm giữ ngoại tệ vẫn tiếp diễn, Ngân hàng Nhà nước có thể tính tới biện pháp hút tiền về thông qua các kênh khác nhau, thậm chí tăng dự trữ bắt buộc. "Dự trữ bắt buộc hiện nay thấp, thanh khoản đang dồi dào, nếu đầu cơ để ảnh hưởng tới tỷ giá thì không có lý gì chúng tôi không tăng dự trữ bắt buộc", ông nhấn mạnh.
Với câu chuyện tất toán vàng, Thống đốc cũng ra thông điệp khá cứng rắn. Hơn một năm triển khai Nghị định 24, hoạt động quản lý thị trường vàng đã đi được hai phần ba chặng đường. Hệ thống kinh doanh vàng được sắp xếp quy củ, từ 12.000 điểm kinh doanh tự phát giờ còn 3.000 điểm do các ngân hàng và một số doanh nghiệp quản lý. Các ngân hàng cũng đang dần đoạn tuyệt với nghiệp vụ huy động và cho vay vàng, hàng chục tấn đã được mua từ dân và qua các phiên đấu thầu để đóng dần trạng thái trước 30/6.
Ngân hàng Nhà nước chưa công bố dư nợ còn lại cần tất toán, theo ước tính của những người trong cuộc con số này không quá 10 tấn. Các tổ chức tín dụng rất tích cực tham gia đấu thầu, quyết mua dù giá chào thầu không rẻ hơn thị trường. Tuy nhiên vẫn còn một số trường hợp lấn cấn chưa muốn thoát nợ vàng ngay.
Theo Thống đốc, các điều kiện hiện nay đang rất thuận lợi để ngân hàng nhanh chóng tất toán trạng thái huy động và cho vay bằng vàng. Nguồn tiền của các ngân hàng đang dồi dào hơn trước, lãi suất hợp lý và nguồn cung vàng được Ngân hàng Nhà nước đảm bảo qua các phiên đấu thầu.
"Chúng tôi đã tạo hết mọi điều kiện để đồng chí tất toán vậy tại sao còn lằng nhằng thế. Trước đây bảo không có nguồn, nay Ngân hàng Nhà nước đứng ra bán. Trước đây bảo không có tiền, nay thanh khoản nhiều như thế này tại sao không tất toán đi, vẫn cứ nghĩ tới cái lợi riêng của bản thân tổ chức mình thôi. Nếu các ngân hàng còn chần chừ, Ngân hàng Nhà nước sẽ có biện pháp quyết liệt để xử lý. Tôi đã nói là làm. Đây là lần cuối cùng tôi nói về chuyện vàng, tổ chức nào không tất toán được chúng tôi sẽ xử lý nghiêm", Thống đốc nói.
Song Linh - Thanh Lan