Chiều 23/4 tại Hà Tĩnh, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài nguyên và Môi trường cùng lãnh đạo 4 tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế tổ chức thảo luận đánh giá tình hình cá chết hàng loạt thời gian qua.
Ông Vũ Văn Tám, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và ông Đặng Ngọc Sơn, Phó chủ tịch Hà Tĩnh. Ảnh: Đức Hùng. |
Bà Nguyễn Thị Phương Dung, Vụ phó Bảo tồn và Phát triển nguồn lợi thủy sản (Tổng cục Thủy sản) thông tin, cơ quan chức năng đã lấy 42 mẫu cá, 7 mẫu trầm tích, hàng chục mẫu nước đưa đi xét nghiệm tìm hiểu nguyên nhân.
"Quảng Bình chưa có thống kê thiệt hại cụ thể. Hà Tĩnh thiệt hại 37.200 con cá giống, 90 vạn con tôm giống, 20 vạn ngao giống, ước tính khoảng 4,7 tỷ đồng. Quảng Trị số lượng cá chết khoảng 30 tấn, Thừa Thiên Huế cá chết khoảng 5.900 con", bà Dung nói.
Đại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Tĩnh cho hay, kết quả kiểm tra tại hiện trường cho thấy cá không bị nhiễm ký sinh trùng. Phân tích 18 mẫu vi khuẩn, 18 mẫu virus cũng thể hiện đây không phải tác nhân gây hiện tượng cá chết. Tỉnh Quảng Bình kết luận nguyên nhân do nguồn nước bị ô nhiễm tại Hà Tĩnh theo dòng hải lưu Bắc cực - Xích đạo đẩy vào Quảng Bình.
Quảng Trị và Thừa Thiên Huế xác định độ pH vùng đầm phá và ven biển tăng, thay đổi đột ngột là nguyên nhân khiến cá chết. Ngoài ra, tảo phát triển mạnh, kết hợp với độc khí ở đáy lồng tích tụ bốc lên khi nhiệt độ tăng cao trong thời điểm giao mùa dẫn đến thiếu oxy cục bộ làm cá chết nhanh.
Khả năng cá chết do bệnh truyền nhiễm được loại bỏ. Ảnh: Đức Hùng |
Cục Thú y (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) khẳng định không có mầm bệnh truyền nhiễm khiến cá chết, mà do một yếu tố độc tố rất mạnh từ môi trường. Độc tố đó có thể là yếu tố về sinh học, hóa học, kim loại từ bên trong một cơ sở nào đó xả ra. Để xác định xem nó là yếu tố gì cần thời gian nghiên cứu, sớm nhất cũng phải 10 ngày từ khi lấy mẫu.
Ông Vũ Văn Tám, Thứ trưởng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đánh giá đây là hiện tượng bất thường, lần đầu tiên xuất hiện tại nhiều tỉnh thành. Các địa phương cần xem đây là một bài học chung để khắc phục và rút kinh nghiệm, sớm đưa ra những phương án, hỗ trợ bà con an tâm sản xuất trở lại.
Formosa được cấp phép xả thải xuống biển
Trước nghi vấn Công ty Hưng Nghiệp Formosa xây ống xả thải trái phép ra môi trường, ông Võ Tuấn Nhân, Thứ trưởng Tài nguyên Môi trường khẳng định đường ống xả thải sâu 17m dưới mặt biển của Formosa được Bộ cấp phép từ năm 2014. "Đây là đường ống hợp pháp, chứ không phải phía công ty làm lén lút, được Sở Tài nguyên Môi trường Hà Tĩnh theo dõi hàng ngày", ông nói.
"Có thể hình dung, hệ thống kênh xả thải này có một trạm quan trắc và một cái bể. Nước thải từ trong các nhà máy sẽ đi qua đường ống này, khi tới trạm quan trắc tự động sẽ được xử lý đạt quy chuẩn kỹ thuật Việt Nam rồi được đưa tới bể và thải ra ngoài. Mỗi lần xử lý trạm sẽ tự động ghi lại thông số để không xảy ra tình trạng ăn gian. Không đạt tiêu chuẩn, hệ thống sẽ trả trở lại, không cho đi", ông Nhân giải thích về quy trình vận hành đường ống.
Lãnh đạo Bộ Tài nguyên khẳng định hệ thống kênh thải của Formosa đã được cấp phép. Ảnh: D.T |
Khoảng ba tuần qua, dọc bờ biển Hà Tĩnh xảy ra hiện tượng cá nuôi và cá tự nhiên trên biển chết hàng loạt. Hàng chục tấn cá bị sóng đánh vào bờ, giắt vào khe đá, nhiều con thối rữa. Hiện tượng bất thường này sau đó lan đến Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên - Huế, nhiều người dân và một số nhà khoa học đặt nghi vấn về hệ thống xả thải của dự án Formosa ở Khu kinh tế Vũng Áng (thị xã Kỳ Anh, Hà Tĩnh).
300 tấn hóa chất không làm cá chết Ở một diễn biến khác, thông tin từ Chi cục Hải quan Cửa khẩu Vũng Áng (Chi cục Hải Quan Hà Tĩnh) cho biết, trong thời gian qua Formosa nhập gần 300 tấn hóa chất vào Việt Nam để phục vụ quá trình thi công và chuẩn bị vận hành các nhà máy nhiệt điện. Trả lời vấn đề này với VnExpress, một lãnh đạo cao cấp của Formosa cho hay, số hóa chất trên đã được Hải quan Hà Tĩnh cho phép nhập, công ty sử dụng tẩy rửa một số đường ống, cấu kiện hoen rỉ của nhà máy trong công trường. Các hóa chất sau khi tẩy rửa sẽ theo hệ thống kênh xả thải rồi đổ ra biển. "Hóa chất đó không hề ảnh hưởng tới cá vì nó được xử lý cẩn thận theo quy trình mới đổ ra ngoài", lãnh đạo Formosa khẳng định. "300 tấn hóa chất nghe có vẻ khủng khiếp, nhưng với dự án 10 tỷ USD, rộng 2.000 ha có rất nhiều nhà máy thì không đáng kể cho việc tẩy rửa. Nó chỉ bé như một hạt gạo", vị này nói. |
Đức Hùng