Chiều 22/4, Hà Tĩnh chưa ghi nhận thêm tình trạng cá chết dạt bờ. Tại các ghềnh đá ở thị xã Kỳ Anh, cá giắt vào từ những ngày trước chưa được thu gom đang bốc mùi hôi thối.
Thống kê của ngành chức năng tỉnh, số lượng cá nuôi lồng bè trên biển chết là 37.000 con. Cá chết dạt bờ do thu gom rải rác nên không có số liệu cụ thể, nhưng ước chừng hàng chục tấn.
Ngoài cá biển, một số loài thủy sản khác ở Hà Tĩnh cũng bị ảnh hưởng. Công ty TNHH Grow Best nuôi tôm ở phường Kỳ Phương (thị xã Kỳ Anh) cho biết, ngày 10/4 đã bơm nước biển vào 2 ao tôm, tuy nhiên đến 2h sáng 11/4 thì toàn bộ 2 ao với sản lượng trên 8 tấn tôm bị chết.
Dọc bờ biển dài khoảng 100 km đi qua các huyện, thành phố gồm Quảng Trạch, Bố Trạch, Đồng Hới, Quảng Ninh, Lệ Thủy (Quảng Bình) hôm nay chỉ còn những con cá chết từ nhiều ngày trước dạt bờ, số lượng ít. Ngoài cá tự nhiên, cá của một số nhà hàng nổi cửa sông Nhật Lệ cũng bị chết.
Từ chiều qua đến nay, các xã ven biển ở hai huyện phía Nam Quảng Trị là Triệu Phong, Hải Lăng bắt đầu xuất hiện rải rác cá chết dạt bờ biển, nhiều con hàng chục kg. Đây là cá mới chết, xác chưa phân hủy. Do được cảnh báo, người dân không nhặt cá về để làm thức ăn gia súc.
Những ngày trước đó dọc bờ biển 20 km qua các huyện Vĩnh Linh, Gio Linh cá biển chết hàng loạt dạt vào bờ. Thống kê của Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản tỉnh, ngư dân vùng biển đã thu gom 30 tấn xác cá chết trong gần một tuần. Riêng huyện Vĩnh Linh, có ngày cá chết trôi dạt đến 4-5 tấn.
Tại Thừa Thiên - Huế, sáng 22/4 ở vùng biển Quảng Ngạn, Quảng Công (huyện Quảng Điền), một số điểm tại xã Lộc Vĩnh, Vinh Mỹ, Vinh Hiền và vùng biển thuộc thị trấn Lăng Cô (Phú Lộc), người dân tiếp tục ghi nhận cá biển chết, tuy nhiên số lượng không nhiều như những ngày trước.
Ông Lê Trần Nguyên Hùng, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh, cho hay thống kê bước đầu có gần 6.000 con cá lồng nuôi và hơn 36.000 con cá giống của ngư dân địa phương nuôi ở gần cửa biển bị chết.
Truy tìm nguyên nhân cá chết
Sáng 22/4, đại diện Tổng cục Thủy sản đã có buổi làm việc với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thừa Thiên - Huế về tình trạng cá biển, cá nuôi chết hàng loạt.
Ông Nguyễn Việt Hùng, Chi cục trưởng Bảo vệ Môi trường Thừa Thiên - Huế cho hay, đã lấy mấu cá chêt, mẫu trầm tích cách bờ 2 hải lý để xác định nguyên nhân. “Chúng tôi đang xác định những kim loại nặng có trong mẫu nước thu được. Riêng việc xác định độc tố trong môi trường nước vẫn trong quá trình kiểm nghiệm”, ông Hùng nói.
Đại diện Tổng cục Thủy sản cho hay, trong đợt khảo sát dọc miền Trung lần này, đoàn sẽ thu mẫu để xác định các nhóm thông số môi trường cơ bản (nhiệt độ, oxy hòa tan, chỉ số PH, độ mặn, độ đục); nhóm thông số dinh dưỡng (Nitorat, Nitorit…); nhóm loại nặng và độc tố (đồng, chì, thủy ngân…); nhóm hữu cơ; nhóm sinh vật phù du (thực vật, động vật phù du); nhóm bệnh phẩm vi sinh; mẫu bệnh phẩm của đối tượng nuôi; nhóm trầm tích (độc tố, chất ô nhiễm hữu cơ)...
Bà Nguyễn Thị Phương Dung, Vụ phó Bảo tồn và Phát triển nguồn lợi thủy sản (Tổng cục Thủy sản) đề nghị ngành chức năng Thừa Thiên - Huế nên đối chiếu kết quả quan trắc môi trường nước trước và sau khi ghi nhận được tình trạng cá chết. Ngoài ra, cần lấy những mẫu cá còn tươi sống kết hợp với mẫu vật cá chết để tiến hành các thí nghiệm cần thiết nhằm sớm kết luận nguyên nhân, trách tâm lý bất ổn cho bà con ngư dân.
Ngày 22/4, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã có công văn hỏa tốc yêu cầu Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế khẩn trương điều tra nguyên nhân cá chết, đề xuất giải pháp xử lý, báo cáo Thủ tướng.
Phó thủ tướng yêu cầu Bộ Nông nghiệp hướng dẫn các tỉnh bị ảnh hưởng phối hợp với các cơ quan chuyên môn Trung ương thu gom, xử lý số cá chết, không để ô nhiễm môi trường. Ngoài ra, địa phương cần thống kê thiệt hại, hỗ trợ khôi phục sản xuất nhằm bảo vệ nguồn lợi thủy sản.
Hiện tượng cá chết lần đầu tiên được ghi nhận ở các lồng bè nuôi trên biển, gần khu kinh tế Vũng Áng (thị xã Kỳ Anh, Hà Tĩnh) vào đầu tháng tư. Sau đó cá biển tự nhiên, cá nuôi lồng bè và cá hồ ven biển của Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế đồng loạt chết. Mỗi ngày, ngư dân xã ven biển thu gom được hàng tấn cá chết, mỗi con trọng lượng từ vài lạng tới 50 kg.
Nhóm phóng viên