"Đi qua đám tang phải cúi đầu, im lặng, bỏ mũ; tới đâu phải đi cửa chính, không luồn cúi cửa sau", tôi luôn thắc mắc, làm vậy để làm gì. "Đó là yêu nước", ông nghiêm mặt trả lời.
Tôi lớn lên với những lời dạy bất chợt của ba tôi vì ông bận lắm, lúc đi giao nước đá, lúc đi cân ve chai bán kiếm lời. Ông cố gắng làm lụng không ngừng để mười mấy anh em tụi tôi có gạo ăn. Ông nội tôi là giáo viên. Nhưng do nghèo khó, ba tôi chỉ học dở chừng ở lớp sáu. Lòng yêu nước của một người học hết lớp sáu thật đơn giản như: phải có các hành vi đúng đắn để góp phần cho xã hội tốt hơn, làm mọi người tôn trọng nhau hơn và nghĩ cho những việc chung của nơi mình sinh sống. Yêu nước - hai từ tôi được học từ hồi là thằng bé năm tuổi cho đến bây giờ chưa xong, vẫn còn học tiếp.
Tuần này, khi có những người chen vai mua sắm tại các siêu thị ở Hà Nội để tích trữ hàng hóa vì lo sợ dịch Covid-19, tôi lại nghĩ về lời dạy của ba. Nhiều năm qua, mỗi khi đất nước đương đầu với những khó khăn, người Việt luôn siết chặt tay cùng nhau vượt qua. Lần này, khi đương đầu với một nguy cơ an ninh phi truyền thống, ta lại cần đến tinh thần truyền thống ấy. Cậu bé tôi năm tuổi ngày nào sẽ hỏi lại tôi hôm nay: Yêu nước trong dịch bệnh là thế nào? Tôi sẽ nói điều học được từ người thông thái hơn mình: ở yên, tự bảo vệ mình để tránh gây phiền toái cho người khác, không tung tin đồn, trung thực khai báo y tế. Và đặc biệt là không theo đám ông, ồ ạt mua lương thực, nhu yếu phẩm để tích trữ đầy nhà.
Nhiều năm gắn bó với lĩnh vực nông nghiệp, tôi biết chắc rằng Việt Nam luôn không thiếu gạo không chỉ cho Hà Nội mà còn có thể cho cả nước trong vài tháng, thậm chí cả năm. Cho dù bất cứ kịch bản nào về dịch xảy ra, nhu cầu tiêu thụ gạo của người dân vẫn được đáp ứng. Báo cáo mới nhất của Tổng cục Thống kê cho biết, tính đến trung tuần tháng hai, các địa phương phía Bắc gieo cấy hơn 761 nghìn hecta lúa đông xuân, bằng 103,6 % cùng kỳ năm ngoái. Đồng bằng sông Cửu Long có 369,5 nghìn hecta lúa đông xuân cho thu hoạch, tăng 20,7 % so với cùng kỳ năm 2019.
Các đàn gia súc, lợn, gà, thủy sản vẫn đang được phát triển tốt. Một chủ nhiệm hợp tác xã chăn nuôi lợn và gà tại miền Trung vài hôm trước còn băn khoăn chia sẻ với tôi về việc cung vượt cầu. Khi nhu cầu đã ít mà thịt lợn còn được nhập với giá rẻ từ Mỹ, anh còn nhờ tôi hướng dẫn cách gia tăng giá trị sản phẩm thịt thông qua chế biến sâu vì không thể tiêu thụ hết thịt tươi. Chăn nuôi trâu, bò, chăn nuôi gia cầm đang tăng cao và ổn định. Đàn bò cả nước tăng 2,4 %, đàn gia cầm tăng 13,8 % so với thời điểm này năm trước; đàn lợn giảm 23 % do bệnh dịch nhưng đang tái đàn.
Sản lượng lương thực, rau màu từ sau Tết đang khả quan và vẫn dồi dào nguồn cung cho toàn thị trường. Cả nước gieo trồng được 195 nghìn hecta ngô, 39,8 nghìn hecta khoai lang, 7,4 nghìn hecta đậu tương, hơn 79 nghìn hecta lạc, 414 nghìn hecta rau đậu, đều cao hơn cùng kỳ năm ngoái. Sản lượng thủy sản tháng Hai tăng mạnh. Thủy sản nuôi trồng tăng 1,5 %, thủy sản khai thác tăng 5,9 % và thủy sản khai thác biển tăng 6,5 % so với cùng kỳ năm trước.
Người ở Hà Nội có thể thiếu những bát cơm từ gạo đặc sản Thái, Nhật, những loại cá, thịt nhập khẩu rất đắt tiền, nhưng chắc chắn sẽ không có chuyện thiếu gạo ăn trong giai đoạn trung hạn. Chúng ta không thiếu thực phẩm cho toàn dân trong một quãng thời gian tới vài tháng, nếu không nói rất dồi dào. Nếu ai theo dõi tin tức có lẽ đều thấy cam kết mạnh mẽ của Bộ Công Thương, Chính phủ và đại diện các nhà bán lẻ về việc đảm bảo gấp ba đến bốn lần lượng hàng cần thiết cho dân.
Mọi việc chỉ trở thành vấn đề nếu rất đông các hộ dân đồng thời tìm mua tích trữ lương thực. Điều này tạo ra sức cầu bất thường, gây tâm lý dây chuyền khiến cả xã hội bối rối khi phải cung ứng lượng lớn hàng hóa trong một giai đoạn rất ngắn. Mỗi gia đình chỉ cần mua đúng lượng hàng cần sử dụng trong một vài ngày vì lý do đơn giản: chúng ta không hề thiếu thực phẩm, hàng thiết yếu.
Sự hoang mang thái quá chỉ đến từ sự vội vã, chưa tham khảo hết thông tin. Trong khi biết bao nhiêu người đang ở tuyến đầu làm việc cả ngày lẫn đêm, không có thời gian bên gia đình, người thân, bị cách ly bất đắc dĩ, thậm chí hy sinh gần như mọi nhu cầu cá nhân để bảo vệ con đê phòng dịch cho cả nước, ta chọn gì? Ta chọn làm người ích kỷ, chỉ nhăm nhăm lo cho chính mình hay một người xây dựng, có hiểu biết, không góp thêm một gánh nặng cho xã hội lúc khó khăn? Hành vi đúng đắn trong lúc này chẳng khó gì, chỉ cần khai báo trung thực nơi mình đã đi qua, nếu mình tiếp xúc với người bị nghi nhiễm dịch, chủ động tự bảo vệ bản thân có hiểu biết, tránh lây nhiễm cho cộng đồng của mình; không bịa đặt, không "cóp" các bài gây lo sợ trên mạng để lan truyền, có trách nhiệm với việc mua nhu yếu phẩm của mình, mua đủ dùng chứ không tích trữ. Nếu ta từng tự hào hô vang "Việt Nam vô địch" trước huy chương vàng môn bóng đá, thì tại sao không thể làm một người đóng góp một hành vi đúng đắn trong cơn dịch trên mảnh đất của mình?
Nếu ba tôi còn sống, tôi sẽ nói với ông rằng tôi đang ôn lại bài ông dạy những ngày này: Không tích trữ, và yêu nước có hiểu biết.
Trần Ban Hùng