Trong phiên chất vấn của Quốc hội chiều 6/11, Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng đã giải đáp nhiều câu hỏi của các đại biểu xung quanh vấn đề quản lý mạng xã hội, vấn nạn tin giả...
Bộ trưởng Hùng cho rằng tin giả ở Việt Nam chủ yếu trên các nền tảng xuyên biên giới như Facebook và YouTube. Ông khẳng định, Việt Nam là nước có chủ quyền trên không gian mạng, nên các nền tảng xuyên biên giới buộc phải tuân thủ pháp luật Việt Nam. Thời gian qua, Bộ Thông tin và Truyền thông làm rất quyết liệt, như tham mưu Chính phủ ban hành quy định về xử lý vi phạm hành chính trên mạng xã hội.
Công cụ quản lý đã được xây dựng, như trung tâm giám sát an toàn không gian mạng quốc gia, mỗi ngày có thể xử lý khoảng 300 triệu tin để phân tích, đánh giá, phân loại; hình thành các đường dây nóng tiếp nhận phản ánh về tin giả, xấu độc.
Bộ Thông tin và Truyền thông cũng đã làm việc cứng rắn với các nền tảng xuyên biên giới, đặc biệt là Facebook và YouTube, yêu cầu gỡ bỏ thông tin xấu, độc. Tỉ lệ gỡ bỏ thông tin này tăng lên hàng năm.
Số lượng gỡ bỏ thông tin xấu độc của Facebook năm 2020 tăng 30 lần so với năm 2017. Tương tự, số video xấu độc trên YouTube được gỡ bỏ trong năm 2020 tăng 8 lần so với năm 2017; số trang giả mạo gỡ bỏ tăng 8 lần.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, năm 2021, Bộ tiếp tục sửa các quy định liên quan đến mạng xã hội và tin giả. "Đồng thời, Bộ ban hành bộ quy tắc ứng xử trên không gian mạng, yêu cầu định danh người dùng mạng xã hội. Đây là giải pháp căn cơ, để người sử dụng không còn nghĩ rằng lên mạng xã hội là vô danh để rồi vô trách nhiệm", ông Hùng nói.
Vấn đề khác được nhiều đại biểu quan tâm chất vấn là xử lý chất thải rắn sinh hoạt. Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà, cho hay hiện trung bình mỗi ngày Việt Nam phát sinh 35.000 tấn chất thải rắn đô thị, khoảng 28.400 tấn chất thải rắn nông thôn. Toàn quốc có 381 lò đốt, 37 lò sản xuất phân compost, còn lại chủ yếu xử lý tại 1.000 bãi chôn lấp.
Hiện mức thu gom rác được thực hiện ở đô thị là 92% và nông thôn 66%, tăng lần lượt 6% và 15% so với trước. Nhưng thực trạng chôn lấp rất ô nhiễm, lãng phí lớn vì rác chưa được coi là tài nguyên, chưa tái chế.
Theo ông Hà, coi rác là tài nguyên, có cơ chế khuyến khích thì người dân sẽ phân loại và tăng tỷ lệ tái chế, tái sử dụng rác. Vừa qua Thủ tướng đã chỉ đạo xây dựng cơ chế để các doanh nghiệp tham gia vào liên minh tái chế rác, đặc biệt là rác thải nhựa. Cùng với đó là các chính sách kinh tế về rác, xác định trách nhiệm người gây ô nhiễm phải trả tiền. Người dân tham gia vào việc phân loại rác và Nhà nước sẽ hỗ trợ thu gom, xử lý.
"Giải pháp tiếp theo là xây dựng các quy chuẩn, tiêu chuẩn về công nghệ cũng như xác định xử lý rác là dịch vụ, sẽ tiến hành đấu giá", ông Hà nói.
Trả lời câu hỏi của đại biểu Nguyễn Sỹ Cương về việc hỗ trợ các hãng hàng không trong thời gian dịch bệnh, Bộ trưởng Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể cho biết đã triển khai bốn giải pháp, như giảm giá một số dịch vụ cất, hạ cánh và sân bay; tạo điều kiện cho các doanh nghiệp triển khai phương án kinh doanh...
Bộ Giao thông Vận tải cũng điều chỉnh lượt bay để tất cả các hãng đều được đối xử công bằng; tham mưu Chính phủ tạo mọi điều kiện thuận lợi phát triển hàng không nội địa. "Đến lúc này có thể nói kinh doanh hàng không trong nước đã cơ bản bằng cuối năm 2019. Riêng hàng không ra nước ngoài vẫn bị ảnh hưởng, do Covid-19 còn diễn biến phức tạp", ông Thể nói.
Theo ông, khi thị trường hàng không Việt Nam khôi phục như trước lúc xảy ra dịch bệnh, Bộ Giao thông Vận tải sẽ tham mưu Chính phủ cấp phép thành lập thêm một số hãng hàng không mới.
Viết Tuân - Minh Sơn - Gia Chính
Xem diễn biến chính