Thủ tướng vừa ban hành Quyết định về chính sách phổ biến thông tin thống kê Nhà nước có hiệu lực từ 1/8 nhằm nâng chất lượng công tác thống kê và công bố số liệu báo cáo.
Theo đó, văn bản yêu cầu các cơ quan thống kê chịu trách nhiệm về tính khách quan và độ tin cậy của số liệu thống kê; không được phổ biến hoặc ép buộc công bố thông tin sai lệch, phục vụ lợi ích riêng gây hại tới lợi ích quốc gia, lợi ích cộng đồng hoặc lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân khác.
Thủ tướng cũng quy định thông tin thống kê phải được phổ biến đúng thời hạn, công khai minh bạch về nguồn thông tin, phạm vi thu thập, phương pháp tính toán, mức độ hoàn chỉnh của thông tin.
Cụ thể, lịch phổ biến thông tin thống kê sẽ được công bố hàng năm, bao gồm chỉ số giá tiêu dùng (CPI) được công bố vào ngày 24 hàng tháng; tốc độ tăng tổng sản phẩm trong nước (GDP), số người thất nghiệp và tỷ lệ thất nghiệp, số người thiếu việc làm và tỷ lệ thiếu việc làm hàng quý theo số liệu ước tính sẽ được công bố vào ngày 26 của tháng cuối quý và số liệu sơ bộ vào ngày 26 cuối của quý tiếp theo. Báo cáo tình hình kinh tế xã hội hàng tháng sẽ được công khai vào ngày 28 của tháng báo cáo.
Trong trường hợp các mốc thời gian trên trùng vào các ngày nghỉ theo quy định của Nhà nước, thời hạn phổ biến sẽ chuyển sang ngày tiếp theo.
Tổ chức cá nhân sử dụng thông tin thống kê có quyền tiếp cận, khai thác và sử dụng miễn phí đối với thông tin thống kê đã được cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền công bố. Tuy nhiên, nếu muốn nhận các thông tin thống kê chuyên sâu, chuyên đề phục vụ nhu cầu sử dụng riêng, các tổ chức, cá nhân sẽ phải trả chi phí để xử lý, tổng hợp, phân tích, in ấn số liệu, đồng thời phải ghi rõ nguồn gốc thông tin.
Trước đó, độ tin cậy của các số liệu thống kê đã được các đại biểu chất vất trực tiếp trước Quốc hội. Trong phiên thảo thuận tại Hội trường ngày 30/5, đại biểu Nguyễn Văn Hiến (Bà Rịa - Vũng Tàu) đặt vấn đề "nên tin vào con số nào" khi cùng một chỉ tiêu lại có các số liệu báo cáo khác nhau, như trường hợp đã xảy ra với nợ xấu và tồn kho bất động sản. Ngoài ra, ông cũng hoài nghi độ tin cậy của báo cáo khi không phản ánh đúng xu thế.
"Tại sao mỗi năm hơn 50.000 doanh nghiệp phá sản hoặc ngừng hoạt động, số doanh nghiệp còn lại phải giảm quy mô hoạt động ít nhất 30%, vốn đầu tư toàn xã hội càng ngày càng giảm mà việc làm mới cứ đều đặn hàng năm từ 1,5 đến 1,6 triệu người và tỷ lệ thất nghiệp hàng năm cứ giảm", đại biểu Trần Văn Hiến phát biểu.
Ý kiến của đại biểu Trần Văn Hiến chỉ là một trong nhiều thắc mắc của đại biểu quanh số liệu thống kê, chỉ báo quan trọng để đưa ra những dự báo, giải pháp cho nền kinh tế. Trước vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh giải trình việc số liệu khác nhau là do nhiều cơ quan công bố, từ đó "có thể chưa chính xác" do phụ thuộc nhiều vào ý kiến chủ quan của cơ sở.
Hiện nay có 350 chỉ tiêu thống kê, chỉ có 146 chỉ tiêu (42%) do tổng cục thống kê thu thập, còn lại do bộ ngành khác tổng hợp, Bộ trưởng cho hay.
Huyền Thư