Chủ tịch Yasser Arafat. |
Tên đầy đủ của ông là Mohammed Abdel-Raouf Arafat al-Qudwa al-Hussaini, sinh ngày 4/8/1929 tại Cairo, Ai Cập. Ông là con thứ năm trong gia đình. Từ nhỏ ông đã gắn bó với mảnh đất Jerusalem.
Năm 1948, ông tham gia chiến tranh giữa các nước Ảrập láng giềng và Israel. Sau cuộc chiến này, nhà nước Do Thái duy nhất trên thế giới được thành lập.
Cùng với Khalil al-Wazir, Faruq Khaddumi, Salah Khalaf và Mahmud Abbas, ông sáng lập ra phong trào Fatah năm 1958 chiến đấu chống lại Israel. Tháng 2/1969, dưới bí danh Abu Ammar, Arafat được bầu cử vào vị trí chủ tịch uỷ ban điều hành Tổ chức giải phóng Palestine (PLO). Sau đó không lâu, với tính quyết đoán, bản năng chính trị sắc bén và sự tâm huyết với sự nghiệp của tổ chức, Arafat đã nắm toàn quyền lãnh đạo PLO.
PLO dựng rất nhiều trại ở Jordan giáp biên giới với Israel. Tháng 9/1970, Vua Jordan Hussein đã huy động một đội quân gửi quân tấn công những trại này, giết vô số người Palestine. Sự kiện này sau đó được gọi là Tháng 9 đen tối. PLO buộc phải chuyển cơ sở tới Libăng. Trong thời gian này, PLO tiến hành nhiều đợt đột kích nhằm vào người Israel bao gồm vụ giết 11 vận động viên Israel tại thế vận hội Munich.
Tuy nhiên, đến năm 1987, Arafat từ bỏ các biện pháp quân sự dữ dội và đồng ý đàm phán với Israel, thuyết phục Mỹ chấm dứt 13 năm đóng băng hội đàm với PLO. Năm 1991, đoàn đại biểu của PLO đi cùng nhóm với Jordan tới hội nghị Madrid bàn về các giải pháp hoà bình cho Israel và các nước Ảrập láng giềng. Bên lề hội nghị, đại biểu của Israel và PLO đã tổ chức các cuộc hội kín. Kết quả là hai bên đã ký vào thoả thuận trao cho Palestine chủ quyền phần lớn dải Gaza và 27% khu vực Bờ Tây vào ngày 13/9/1993 tại Washington.
Arafat đã trở về Palestine vào tháng 7/1994. Cũng trong thời gian này, ông được trao giải Nobel Hoà bình cùng với thủ tướng Israel Yitzhak Rabin và Ngoại trưởng Shimon Peres.
Tuy nhiên, quá trình hoà bình đã bị chệch hướng khi những kẻ cực đoan Do Thái bắn chết Thủ tướng Israel Rabin tháng 11/1995.
Tháng 7/2000, Tổng thống Mỹ Bill Clinton đã mời được Arafat và Thủ tướng Israel Ehud Barak tới trại David ở Maryland. Tuy nhiên, cuộc đàm phán hoà bình lại thất bại. Điều này đã mở đường cho cuộc nổi dậy của Palestine hai tháng sau.
Tháng 4/2003, dưới sức ép của cộng đồng quốc tế, Chủ tịch Arafat đồng ý bổ nhiệm ông Mahmoud Abbas vào vị trí thủ tướng. Tuy nhiên ông Abbas chỉ tại vị được 4 tháng do không thuyết phục được Arafat giảm bớt ảnh hưởng của ông trong quân đội. Người kế nhiệm Abbas, Ahmed Korei, cũng có một mối quan hệ căng thẳng với Arafat.
Tháng 12/2001, quân đội Israel đã bao vây trụ sở của Arafat tại Ramallah, Bờ Tây. Quân Israel còn phá hoại đội phi cơ của ông tại Gaza. Mục đích của Thủ tướng Ariel Sharon là làm xấu đi hình ảnh Arafat nhưng sự kiện này đã là nhà lãnh đạo Palestine nổi lên như một chiến sĩ sẵn sàng tử vì đạo cho sự nghiệp của người Palestine và là người không thể bị đánh gục.
Năm nay ông đã 75 tuổi. Nhà lãnh đạo từng sống sót trong vụ rơi máy bay năm 1992 tại Libya đang đối mặt với tình trạng sức khoẻ vô cùng nguy cấp. Nếu ông ra đi, sẽ khó có ai có thể lấp đầy khoảng trống ông để lại.
Hải Ninh (theo AFP, AP, BBC)