"Tôi thấy Việt Nam là đất nước có dân số trẻ, có một thái độ rất tích cực và nhiệt tình với công nghệ mới", Lecun nói bên lề hội thảo thuộc Tuần lễ Khoa học Công nghệ VinFuture 2024, ngày 4/12 ở Hà Nội.
Theo ông, đây là lợi thế chung của nhiều nước châu Á, trong đó có Việt Nam, đồng thời là yếu tố khác biệt so với nhiều quốc gia châu Âu hay Bắc Mỹ, nơi luôn có tâm lý nghi ngờ, thận trọng và thậm chí lo sợ đối với AI. "Đây là một trong những ưu điểm mà Việt Nam có thể khai thác", ông chia sẻ sau khi được hỏi về hướng đi phù hợp với Việt Nam trong việc tham gia vào ngành công nghiệp trí tuệ nhân tạo.
Theo Giám đốc khoa học AI của Meta, để phát huy lợi thế này, người trẻ trong nước cần được đào tạo về công nghệ để tham gia học tập và nghiên cứu. Ngoài ra, họ cần được tạo cảm hứng về công nghệ, thông qua những phương thức như cơ hội việc làm trong lĩnh vực kỹ thuật hay nghiên cứu, điều kiện học tập nâng cao trình độ ở nước ngoài sau đó trở về Việt Nam để làm việc.
"Tiếp đến, cần tạo ra số lượng lớn công ty nhỏ, những công ty khởi nghiệp và giúp họ tiếp cận đầu tư", ông khuyến nghị.
Yann Lecun cũng đồng tình với thực tế rằng phần lớn tiến bộ công nghệ, trong đó có AI, thường đến từ trường đại học lớn, các phòng thí nghiệm của chính phủ hoặc của các Big Tech hàng đầu. Theo ông, Việt Nam đã dần xuất hiện những đơn vị nghiên cứu như vậy, bên cạnh cơ hội từ hãng công nghệ lớn như Meta hay Google trong việc mở phòng thí nghiệm trong nước.
Tuy nhiên, giáo sư từng đạt giải thưởng Turing cho rằng, yếu tố quan trọng để các hãng quyết định đặt phòng thí nghiệm sẽ phụ thuộc vào dân số hay tỷ lệ nhân tài của quốc gia đó. "Cho nên việc phải làm là phát triển nhân tài tại Việt Nam", ông nhấn mạnh.
Cùng với Geoffrey Hinton và Yoshua Bengio, Yann Lecun là một trong ba người được mệnh danh là Godfather of AI (cha đỡ đầu của AI). Là người đặt nền móng cho AI, Lecun cũng nổi tiếng với quan điểm phủ nhận AI thống trị thế giới, trái ngược với những doanh nhân như Elon Musk.
Trong buổi chia sẻ tại Việt Nam, khi được hỏi về sự cần thiết của luật kiểm soát AI, ông cho rằng các bộ luật, quy định tại nhiều nước hiện được xây dựng trên suy nghĩ rằng AI có thể tạo ra một mối nguy hiểm mang tính sống còn cho nhân loại.
"Tôi đánh giá quan điểm sự tồn tại của AI tạo ra những mối nguy hiểm mang tính hiện sinh cho loài người là không đúng", ông nói. "AI thực ra là một kho chứa đựng kiến thức của toàn bộ nhân loại, vì vậy cần được xây dựng bằng các nền tảng mở. Cách làm này cũng giúp các quốc gia có thể đảm bảo quyền tự chủ về AI".
Về nỗi lo AI cướp việc của con người, Yann Lecun dẫn lại chia sẻ từ các nhà kinh tế rằng AI có thể làm cho một số công việc mất đi, nhưng cũng tạo ra những công việc mới và sẽ không gây thất nghiệp trên diện rộng. Thay vào đó, AI giúp năng suất lao động cũng như khả năng sáng tạo của mọi người tăng lên.
"Đây là điều đáng mừng nếu xã hội biết khai thác AI đúng cách", ông nói.
Khảo sát được Microsoft công bố tháng 5 cũng cho thấy người Việt thuộc nhóm dẫn đầu về ứng dụng AI trong công việc, với 88% lao động tri thức ở Việt Nam sử dụng AI tạo sinh, cao hơn mức trung bình 75% của thế giới. Trong đó, 70% tự trang bị các công cụ AI để sử dụng, thay vì chờ đợi việc triển khai từ công ty, tổ chức.
Lưu Quý