Cuộc đối thoại giữa Chủ tịch FPT và nhà sáng lập Viện nghiên cứu Mila xoay quanh câu chuyện tương lai bứt phá khi con người hợp tác với AI, cũng như những nguy cơ tiềm ẩn, cách kiểm soát "bản năng sinh tồn" của hệ thống trí tuệ nhân tạo. Ông Bengio dự kiến đến Hà Nội rạng sáng 5/12.
Với khả năng học hỏi và xử lý dữ liệu nhanh chóng, AI được đánh giá mang đến những điều kỳ diệu vượt ngoài sức tưởng tượng của con người. Chỉ với những mô tả gợi ý, AI có thể tạo ra một bức tranh như thật, viết một bản nhạc hoặc làm một bài thơ trong vài giây. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cũng vẽ ra viễn cảnh khi AI trở nên có nhận thức và phần "con - bản năng sinh tồn" trỗi dậy, nó cũng có thể khiến nhân loại đi theo hướng tiêu cực một cách nhanh chóng và ở quy mô lớn. Chẳng hạn, AI có thể tạo ảnh giả, sau đó lợi dụng để thay đổi sự thật, lừa đảo, thậm chí thao túng con người vì mục đích chính trị hoặc kinh tế.
Ông Bengio cho rằng điều quan trọng là phát triển công nghệ cần phải đi đôi với bảo vệ quyền lợi của con người và sự phát triển bền vững của xã hội. Do đó, con người cần sử dụng AI có trách nhiệm và an toàn.
"Đạo đức, trách nhiệm xã hội giúp AI 'hòa nhập' với cuộc sống. Nhưng để thúc đẩy AI tiếp tục phát triển mạnh mẽ hơn, chúng ta cần có hàng rào pháp lý trong ứng dụng vào thực tiễn cuộc sống", ông cho hay.
Tuy nhiên, vị giáo sư này cũng cho rằng trước khi luật pháp có thể tạo ra thay đổi, giáo dục là công cụ nhanh và bền vững nhất để con người đồng hành với AI. Để giúp các thế hệ kế cận tiếp thu kiến thức khoa học ứng dụng nhiều nhất và nhanh nhất, các nhà khoa học, giáo dục có thể phân chia từng lớp để áp dụng vào giảng dạy ngay từ các độ tuổi nhỏ.
Bên cạnh đó, nhà sáng lập Viện nghiên cứu AI Mila cho rằng con người nên tránh thiết kế "bản năng sinh tồn" cho hệ thống AI. Nghĩa là, không nên tạo các hệ thống giống con người, với các yếu tố: có cảm xúc, ngoại hình và thậm chí ý thức, quyền tự quyết, tự chủ. "Bởi vì, trí thông minh của chúng có thể nhanh chóng vượt qua con người và trở thành những AI lừa đảo, thúc đẩy lợi ích, mục tiêu không hoàn toàn vì hạnh phúc của nhân loại", ông Bengio giải thích.
Trong buổi trao đổi với ông Trương Gia Bình chiều mai tại Hà Nội, ông Bengio dự kiến thảo luận vấn đề trên cũng như tương lai AI. Đây là lần thứ hai họ gặp nhau, nhưng là lần đầu đối thoại trực tiếp. Cách đây hơn ba năm, họ đã trò chuyện trực tuyến nhằm đưa Việt Nam trở thành trung tâm AI của khu vực.
"Việt Nam phải tự tạo nên một dòng chảy kỹ sư, nhà khởi nghiệp về AI có kỹ năng vững vàng để dẫn dắt cuộc cách mạng AI cho Việt Nam", ông Bengio nói khi đó. "Các bạn có nguồn lực dồi dào và yêu toán học - môn học nền tảng cho nghiên cứu AI. Tôi tin việc tạo ra dòng chảy trên hoàn toàn có thể trở thành hiện thực nếu có đủ sự đầu tư và nỗ lực trong giáo dục".
FPT đang hợp tác với Mila và Landing AI để đào tạo nguồn nhân lực trí tuệ nhân tạo. Hiện công ty quy tụ 1.500 nhân sự trong lĩnh vực AI, trong đó có 500 chuyên gia, 50 người từ thạc sĩ trở lên về AI và đào tạo khoảng 1.300 sinh viên chuyên ngành trí tuệ nhân tạo.
Ông Yoshua Bengio, sinh năm 1964, người Canada, là một trong những nhà tiên phong trong lĩnh vực học sâu, được ví là một trong những "bố già AI". Ông là nhà khoa học máy tính được trích dẫn nhiều thứ hai trên thế giới, theo Guide2Research năm 2021.
Năm 1993, Bengio thành lập Viện nghiên cứu Mila và trở thành nơi hội tụ của các tiến bộ khoa học, góp phần quan trọng đưa Montreal (Canada) thành trung tâm toàn cầu về deep learning. Đến nay, Mila là viện nghiên cứu AI hàng đầu thế giới với cộng đồng 1.300 nhà nghiên cứu và 140 đối tác trên toàn cầu.
Bảo Lâm
- Hai 'quái kiệt' đặt nền móng cho AI đến Việt Nam
- CTO FPT: Sau chuyển đổi số sẽ là chuyển đổi AI
- FPT mở 'nhà máy' AI tại Nhật Bản
- Sắp hé lộ kết quả của 'nhà máy AI' ở Việt Nam
- CTO FPT: Hạ tầng thông minh đưa Việt Nam vào kỷ nguyên AI