Đoàn công tác ngày 23/9 đã khảo sát tại Trung tâm Thu dung, điều trị Covid-19 cũng như tư vấn về vấn đề phân luồng, thu dung và điều trị bệnh nhân nhiễm Covid-19. Trung tâm này thiết lập trên cơ sở Bệnh viện Ung bướu và cơ sở cũ của Bệnh viện Đa khoa tỉnh Kiên Giang, quy mô 1.800 giường bệnh, hoạt động từ hôm 12/9.
Sáng nay, đoàn họp cùng lãnh đạo UBND tỉnh Kiên Giang, thảo luận các phương án phòng chống dịch.
Bác sĩ Thức cho biết từ cuối tuần trước, Chợ Rẫy đã điều động 5 y bác sĩ đến hỗ trợ chuyên môn về hồi sức cấp cứu F0 nặng và nguy kịch, theo đề nghị của Kiên Giang trong bối cảnh dịch diễn biến phức tạp ở tỉnh. Nhóm 5 người chi viện gồm bác sĩ Phạm Minh Huy (Khoa Hồi sức Cấp cứu), bác sĩ Nguyễn Văn Thuận (Khoa Bệnh Nhiệt đới), bác sĩ Nguyễn Xuân Nhật Duy (Khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn), điều dưỡng Đồng Nguyễn Phương Uyển, điều dưỡng Lê Thị Hồng Thắm (Khoa Hồi sức cấp cứu).
Từ khi Covid-19 bùng phát, các y bác sĩ Chợ Rẫy thường xuyên chi viện cho những điểm nóng như Bắc Giang, Hải Dương, Gia Lai, Đà Nẵng, Bình Thuận, Tây Ninh... Đây là lần thứ ba Chợ Rẫy chi viện Kiên Giang chống dịch.
Tính đến ngày 23/9, Kiên Giang phát hiện 4.874 ca nhiễm. Hôm qua, Kiên Giang là một trong ba tỉnh ghi nhận số ca nhiễm tăng cao nhất so với ngày hôm trước (tăng 26 ca), bên cạnh Tây Ninh (tăng 38 ca) và Đăk Lăk (tăng 25 ca).
Ổ dịch tại Phú Quốc của Kiên Giang phát hiện ngày 21/9 khi vừa nới giãn cách, đến nay ghi nhận 73 ca nhiễm, nâng tổng số ca mắc ở thành phố lên 78 ca. Chùm lây nhiễm cộng đồng tại đây xuất phát từ 2 hai vợ chồng, trong đó người chồng là nhân công bốc vác tại cảng Vịnh Đầm, vợ bán bún riêu ở chợ An Thới. Địa phương đang triển khai tổng lực công tác dập dịch để truy vết hết F0 và F1.