Phó giáo sư Trần Quý Tường, Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin, Bộ Y tế, tại họp báo về chương trình chuyển đổi số y tế quốc gia sáng 24/12, cho biết y tế là một trong những ngành đầu tiên thực hiện chuyển đổi số.
Hiện, 100% bệnh viện áp dụng hệ thống thông tin quản lý; 10 bệnh viện và một phòng khám thay thế hoàn toàn bệnh án giấy bằng bệnh án điện tử. Trong đó Quảng Ninh có ba bệnh viện dùng bệnh án điện tử là Đa khoa tỉnh, Bãi Cháy, Sản nhi. Các bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ, Đa khoa khu vực Long Khánh (Đồng Nai), Đa khoa khu vực An Giang... cũng dùng hoàn toàn bệnh án điện tử.
23 bệnh viện đã dùng hệ thống lưu trữ và truyền tải hình ảnh (PACS) thay cho in phim. Ví dụ, các bệnh viện Hữu nghị Việt Xô, Ung bướu TP HCM, phim chụp X-quang, cộng hưởng từ, CT... được lưu trữ trên hệ thống truyền tải hình ảnh, không in thành bản nhựa.
"Nếu tất cả bệnh viện đều chuyển dùng PACS, mỗi năm có thể tiết kiệm 4.000 tỷ đồng là chi phí dành để mua phim in hàng năm", ông Tường nói.
Trên thực tế, hầu hết bệnh viện thực hiện quản lý và lưu trữ các hồ sơ song song dưới dạng văn bản giấy và phim. Tuy nhiên các dữ liệu chẩn đoán hình ảnh được lưu trữ rời rạc, dễ nhầm lẫn, thất lạc. Sử dụng công nghệ số để xử lý phim chụp nên kết quả có rất nhanh, bác sĩ có thể xem bất kỳ chỗ nào, bất kỳ đâu.
Ứng dụng hệ thống PACS cũng giúp các bệnh viện chuẩn hóa quy trình chẩn đoán hình ảnh. Kết hợp PACS với hệ thống công nghệ thông tin, dần thay thế hệ thống quản lý hồ sơ bệnh án bằng giấy từ trước đến nay.
Theo ông Tường, chuyển đổi số y tế là yêu cầu bắt buộc trước sự thay đổi mạnh mẽ của cách mạng công nghệ 4.0 với các công nghệ số như điện toán đám mây, dữ liệu lớn, Internet vạn vật, trí tuệ nhân tạo, in 3D...
"Trước đây, văn bản từ Bộ gửi bằng đường công văn tới địa phương phải mất cả tuần. Công nghệ 4.0 giúp quá trình truyền tải thông tin từ Bộ trưởng đến nhân viên y tế chỉ mất một giây", ông Tường nói.
Tại Bệnh viện Đa khoa An Giang, nhờ chuyển đổi y tế số, mọi số liệu như bệnh nhân khám, đơn thuốc, tài chính... đều hiển thị đầy đủ nên lãnh đạo có thể can thiệp, điều chỉnh ngay hành vi của bác sĩ nếu có tình trạng lạm dụng kê đơn, chỉ định xét nghiệm quá mức. Cũng nhờ ứng dụng công nghệ thông tin, chương trình khám chữa bệnh từ xa Telehealth đang giúp các bệnh nhân ở miền núi, hải đảo được các chuyên gia đầu ngành trong ngành y khám chữa bệnh cách xa hàng ngàn cây số...
Tuy nhiên ông Tường nhìn nhận tốc độ chuyển đổi số trong ngành y tế vẫn còn chậm, chưa được như kỳ vọng, trong đó nguyên nhân lớn nhất là phải đầu tư tài chính lớn. Theo tính toán, nếu một bệnh viện lớn đầu tư chuyển đổi số bài bản từ đầu có thể mất 160 tỷ đồng, mức thấp khoảng 20-30 tỷ đồng.
Mục tiêu chuyển đổi số của ngành y tế 5 năm tới là 100% cơ sở y tế cả nước triển khai thanh toán điện tử không dùng tiền mặt; 90% người dân có hồ sơ sức khỏe điện tử; 100% triển khai tư vấn khám chữa bệnh từ xa và đặt lịch khám chữa bệnh trực tuyến.
Đến năm 2025, 15% bệnh viện, tức khoảng 210 trong số 1.400 bệnh viện, chuyển đổi số thành công. Năm 2030, tỷ lệ này tăng lên 50%.