Hình ảnh du khách thường gặp nhất khi đón giao thừa trên phố hay các quảng trường ở châu Âu là các đôi hôn nhau khi tiếng chuông mừng năm mới bắt đầu vang lên.
Hành động này cũng giống nhiều truyền thống khác, nó cũng có lịch sử từ lâu đời. Một số nhà sử học tin rằng, hôn nhau trong đêm giao thừa có nguồn gốc từ thời La mã cổ đại. Khi đó, người La Mã đã biết cách tiệc tùng và tổ chức một lễ kỷ niệm lớn hàng năm với tên gọi Lễ hội Saturnalia, theo Bussiness Insider.
Trong lễ hội này, những người tham gia đã có những hành động thân mật với nhau và nụ hôn là điều tất yếu. Qua năm tháng, truyền thống trao nhau nụ hôn được nhiều nước châu Âu chắt lọc và giữ gìn.
Và lễ hội Saturnalia cũng giải thích lý do hôn nhau dưới gốc cây tầm gửi. Thời Hy Lạp cổ đại, để ăn mừng trong các buổi lễ hội, mọi người sẽ hôn nhau dưới những cây ký sinh. Người dân tin rằng, những cái cây này liên quan đến vấn đề sinh sản. Còn với người La Mã, họ sẽ hòa giải với kẻ thù dưới cây tầm gửi, thể hiện sự hòa bình.
Vào thời Phục hưng, các lễ hội hóa trang đã trở nên phổ biến khắp châu Âu. Vào nửa đêm, mọi người sẽ tháo mặt nạ ra và trao nhau những nụ hôn với ý nghĩa thanh lọc tâm hồn, xua đuổi những cái ác. Do đó, việc hôn nhau đêm giao thừa còn mang ý nghĩa là bắt đầu năm mới với sự tinh khôi, sạch sẽ.
Đối với người Anh và Đức, họ tin rằng một nụ hôn vào lúc nửa đêm sẽ khiến tình yêu của họ thêm lãng mạn và tránh một năm cô đơn phía trước. Với những du khách còn độc thân và lo lắng không có ai hôn trong Giao thừa, Scotland sẽ là lựa chọn hàng đầu. Trong lễ Hogmanay, lễ mừng năm mới của người Scotland, mọi người sẽ lần lượt tặng nhau một nụ hôn. Hành động này thể hiện sự kết nối tình bạn với người lạ, và giúp những người độc thân cảm thấy vui vẻ hơn.