Một chiếc Kilo 636 của Trung Quốc. |
Tàu ngầm hạng Kilo vốn được thiết kế để chống ngầm và chống tàu, giúp bảo vệ các căn cứ hải quân, những tuyến đường biển, đồng thời phục vụ cả công tác do thám và tuần tra nói chung. Loại 636 được coi là một trong những tàu ngầm chạy êm nhất thế giới. Khả năng của nó: Phát hiện bất kỳ tàu ngầm nào của kẻ thù ở tầm xa gấp 3-4 lần so với khoảng cách nó có thể bị phát hiện.
Dự án 636 được cải tiến từ dự án 877EKM hạng Kilo - một sự phối hợp giữa kiểu thiết kế Kilo chuẩn mực và dự án Lada (677) mới. Tác giả là Văn phòng Trung tâm Thiết kế Hàng hải Rubin ở St Petersburg.
Công ty quốc doanh Rosvoorouzhenie quảng cáo Dự án 636 rất tích cực trên thị trường quốc tế. Mùa xuân năm 1997, tàu ngầm 636 đầu tiên được hạ thủy, và Trung Quốc là khách hàng. Từ bấy tới nay, Bắc Kinh đã mua 4 tàu ngầm hạng Kilo của Nga, trong đó có 2 chiếc loại 636.
Việc mua thêm tàu ngầm mới không chỉ là một thỏa thuận thương mại quan trọng. Nó còn cho thấy Trung Quốc sẽ có những đầu tư lớn trong việc phát triển cơ sở hạ tầng ven biển, cũng như công tác đào tạo chuyên gia và thủy thủ.
Lầu Năm Góc đang theo sát ảnh hưởng của việc hiện đại hóa hải quân Trung Quốc đối với Đài Loan. Những tàu ngầm này sẽ giúp Trung Quốc gây sức ép với Đài Loan, cũng như thách thức vị trí thứ nhất của hải quân Mỹ ở khu vực.
Theo như thỏa thuận đạt được hồi tháng 5, Nga đồng ý trang bị cho các tàu ngầm hệ thống tên lửa đạn đạo chống tàu Club-S tầm xa và vận chuyển mau lẹ trong vòng 5 năm. Ngoài ra, Nga còn bán cho Trung Quốc thêm 2 tàu khu trục hạng Sovremenny, cộng vào 2 chiếc Trung Quốc đã nhận được từ trước, các tên lửa phòng không S300 PMU2 cùng 40 máy bay chiến đấu - ném bom Su-30MKK.
Có 4 hãng đóng tàu Nga đấu thầu để giành quyền sản xuất về tay mình. Để thực hiện hợp đồng đúng hạn, có lẽ Matxcơva phải cho hơn 1 hãng tham gia lắp đặt. Theo tạp chí Jane's Defence Weekly, 5 trong số các tàu ngầm được đặt hàng sẽ được sản xuất tại xí nghiệp đóng tàu Admiralteyskie Verfi, mới đây vừa hoàn thành công việc sửa chữa 2 tàu ngầm dự án 877 EKM cho hải quân Ấn Độ. 2 chiếc được làm tại xí nghiệp đóng tàu Amur ở Komsomols, 1 chiếc cuối cùng sẽ được hoàn tất ở xí nghiệp đóng tàu Krasnoye Sormovo (Nizhny Novgorod). Trên thực tế, Krasnoye Sormovo đã làm xong 2/3 thân tàu, và đây có thể là nơi đầu tiên sẵn sàng cho việc lắp đặt thiết bị và vũ khí trên khoang.
Chiếc tàu ngầm Song đầu tiên ngày hạ thủy (25/5/1994). |
Xét ở một góc độ khác, việc Trung Quốc chi ra những khoản tiền lớn để mua vũ khí nước ngoài cho thấy nhược điểm của họ trong nỗ lực phát triển nền công nghiệp quốc phòng nước nhà. Thỏa thuận mua tàu ngầm khiến người ta phải đặt nghi vấn về chương trình tàu ngầm Song loại SSG 039 nội địa. Các nhà phân tích trước đó tin rằng Trung Quốc sẽ mua 1 hoặc 2 tàu ngầm hạng Kilo để bổ sung vào 4 chiếc hiện có. Sau đó, họ tăng con số dự đoán của mình lên 6, vì thấy Trung Quốc không đạt được tiến bộ nào rõ rệt với dự án Song. Việc Bắc Kinh đặt hàng tới 8 chiếc cho thấy đúng là Song đang gặp rắc rối.
Như vậy, Trung Quốc đã trở thành nước nhập khẩu vũ khí lớn nhất thế giới. Theo ước tính của Matxcơva, Bắc Kinh đã bỏ ra 1 tỷ USD/năm để mua riêng vũ khí Nga.
Đối với Chính phủ Nga thì ngoài chuyện lợi nhuận ra, đây là một điều tốt đẹp. Họ có thể thở phào rằng thời kỳ xuất khẩu tàu ngầm Nga đi xuống đã chấm dứt. Nhờ bán được tàu ngầm chạy bằng động cơ diesel - điện mà nền công nghiệp đóng tàu của nước này đã qua được những năm túng kém nhất. Giờ đây, họ đang tràn trề hy vọng, nhất là khi 2 chiếc tàu ngầm thế hệ 4 đang được lắp ráp tại các xưởng đóng tàu ở St Petersburg.
Một điều mà giới báo chí thường không để ý là nếu Trung Quốc muốn, họ có thể nâng cấp các tàu ngầm hạng Kilo, sử dụng các thiết bị hiện được cải tiến cho Amur 1650 - loại tàu ngầm truyền thống thế hệ 4 thời hậu chiến của Nga.
Kể cả nếu siêu cường châu Á không làm điều này, họ vẫn có khả năng tận dụng hệ thống vũ khí và thiết bị thuộc dự án 636M, bao gồm tên lửa, hệ thống định vị qua quán tính (INS), kính viễn vọng nhìn được vào ban đêm, thiết bị dò phạm vi sóng radar và kênh truyền hình, ăng ten liên lạc tần số thấp và sóng ngắn, một hệ thống định vị bằng âm thanh mạnh hơn hiện nay, bình ắc quy có tuổi đời tăng gấp 2,5 lần, v.v... Được trang bị như vậy, tàu ngầm Kilo thế hệ 3 sẽ có sức cạnh tranh cho tới năm 2010. Đến chừng đó, người ta vẫn có thể xoay sang hiện đại hóa nó.
Khả năng độc nhất vô nhị song song với vũ khí hiện đại là 2 yếu tố thu hút các khách hàng nước ngoài mua tàu ngầm Nga. Chẳng thế mà tàu hạng Kilo luôn giành chiến thắng trong cuộc đua với tàu ngầm Đức, Pháp và Hà Lan.
Dĩ nhiên là Đài Loan và Mỹ rất lo lắng khi chứng kiến thỏa thuận tàu ngầm Nga - Trung. Hồi năm 1996, ít ngày sau khi Trung Quốc bắn tên lửa qua eo biển Đài Loan, 2 đội tàu của Mỹ đã vội vàng tới đây để ra mặt giùm cho Đài Bắc. Giờ đây, khi Bắc Kinh nắm một số lượng lớn tàu ngầm hiện đại như vậy trong tay, tương quan lực lượng các bên hẳn sẽ thay đổi.
Tổng thống Mỹ Bush năm ngoái đã chấp thuận bán 8 tàu ngầm động cơ diesel - điện cho Đài Loan (chính điều này đã thúc đẩy Bắc Kinh khẩn trương mua thêm tàu ngầm). Nhưng Mỹ cũng vấp phải nhiều khó khăng. Họ đã ngừng sản xuất tàu ngầm động cơ diesel - điện từ 40 năm trước. Washington cũng gặp trở ngại khi nhờ các nước khác, nhất là Đức, sản xuất giùm các loại tàu này. Hiện giờ, Đài Loan chỉ có trong tay 4 tàu ngầm: 2 chiếc Sword Dragon của Hà Lan và 2 chiếc khác cũ mèm của Mỹ.
Minh Châu (theo Asia Times)