Sau ý kiến Lương thấp không nhất thiết về quê ăn Tết của tác giả Trung Bảo, độc giả Phuong Tran Quoc cho rằng:
Nếu có điều kiện, về quê ăn Tết được thì tốt. Nhưng có nhất thiết cứ phải Tết là về? Mục đích lớn nhất về quê là thăm cha mẹ, mang lại niềm vui cho mình và mọi người trong gia đình. Nhưng chi phí về dịp Tết thường tăng cao 2-4 lần so với ngày thường, chưa kể đi lại, và các dịch vụ đều kém, đắt hơn ngày thường.
Giả sử cả gia đình phải bỏ 30 triệu đồng cho một lần về Tết để có được 100 điểm "hạnh phúc". Nếu xử lý 30 triệu đó theo cách khác, về quê hai lần ngày thường hết 20 triệu, và tổ chức một chuyến du lịch nho nhỏ cho gia đình hết 10 triệu. Thì có lẽ tổng số điểm "hạnh phúc" cộng lại hơn con số 100 nhiều, vẫn là 30 triệu nhưng mang lại nhiều điểm "hạnh phúc" hơn. Vậy có nên nhất thiết về ngày Tết, mỗi người tự chọn quyết định cho riêng mình
Độc giả Duy Hưng chia sẻ dù có thu nhập tốt nhưng vẫn quyết định không về quê, dành khoản chi phí dịp Tết để cho cả đại gia đình đi du lịch vào dịp hè:
Vợ chồng tôi ở Sài Gòn, mỗi năm thu nhập khoảng hơn một tỷ đồng, đã có hai căn nhà ở thành phố. Tôi quê miền Trung, vợ người miền Bắc.
Mỗi lần Tết đến, về quê hai bên, tiền vé và chi tiêu hết khoảng cỡ 70-80 triệu đồng vẫn rất xót ruột. Trung bình mỗi ngày hết gần 10 triệu mà rất mệt cứ đi đi lại lại.
Năm nay nhà tôi thay đổi, không về Tết nữa. Hè tôi đặt vé đưa ông bà hai bên nội ngoại đi chơi bốn ngày hết khoảng 30 triệu. Ông bà được đi chơi, ở resort 4 sao mà trước giờ không được ở lại được gần gũi con cháu. Tết dành biếu ông bà vài chục triệu, còn lại để vợ chồng đi du lịch coi như dịp nghỉ xả stress.
>> Về quê trước hoặc sau Tết, tôi tiết kiệm 2/3 chi phí
Ra năm được nghỉ lễ nào tầm hơn bốn ngày tôi sẽ sắp xếp xin nghỉ thêm vài ngày nữa để về chơi. Với gia đình tôi, phương án này giải quyết được hài hòa các vấn đề. Vẫn được về quê hàng năm gặp gia đình, được đưa ông bà đi chơi đó đây thay vì suốt ngày quê với ruộng còn cuối năm vẫn có quà cáp biếu ông bà.
Có thể những bạn gia đình bố mẹ có ít con cái hoặc có những nguyên tắc và văn hóa riêng thì sẽ khó hơn tôi. Nhưng tôi nghĩ đây cũng là một phương án đáng để mọi người suy ngẫm nếu hợp thì áp dụng. Suy cho cùng Tết được hai ngày 29-30 là thực sự có không khí đi mua sắm tết và sum vầy. Ra Tết cứ rong ruổi chỗ này nọ, ăn uống mệt hết cả người.
Độc giả có nickname Nhựa Công Nghiệp chia sẻ câu chuyện 3 năm không về Tết thuở hàn vi để dành tiền đầu tư cho tương lai:
Hiện giờ tôi có một doanh nghiệp nhỏ. Những năm đầu từ Bắc vào Nam làm công nhân, suốt 3 năm đó tôi không về Tết lần nào cả. Mục đích tôi vào đây là đi làm tích lũy tiền để tiếp tục con đường học hành. Tôi ý thức được nếu về Tết thì chắc chắn hết số tiền tiết kiệm nguyên một năm. Nên tôi không về Tết mà đợi ra Tết về.
Ở lại làm vừa có tiền làm Tết tăng 200%, lại tiết kiệm tiền tàu xe quà cáp. Ba năm tiết kiệm, vay vốn sinh viên và đi làm thêm tôi cũng tự trang trải được tiền học cao đẳng. Nói thêm là gia đình tôi trước đó rất nghèo, mọi thứ tôi đều tự lập.
>> Tôi thà đưa con về quê nghỉ hè còn hơn mất 50 triệu đồng vé máy bay Tết
Hiện giờ thu nhập sau khi trừ chi phí một tháng của tôi từ 100-500 triệu đồng tùy tháng. Nếu ngày xưa năm nào tôi cũng về Tết, nướng hết số tiền vào tàu xe ra vô, quà cáp, lì xì.... thì giờ tôi vẫn còm cõi trong cái vòng luẩn quẩn: cố cày giành tiền để tới Tết về quê, rồi lại hết lại cày.
Bài viết tác giả đang nói tới người công nhân, những người chưa có điều kiện kinh tế thì không nhất thiết năm nào cũng về dịp Tết. Còn thăm cha thăm mẹ thì có thể về dịp khác cũng được.
Khi không còn lo cái ăn cái mặc cơ bản hàng ngày nữa thì nói "đạo lý" dễ lắm. Còn những người công nhân đôi khi lương không đủ chi cho cuộc sống hàng ngày nhất là những gia đình có con nhỏ mới hiểu được. Với họ dư ra vài chục là cả vấn đề.
>> Chia sẻ bài viết của bạn cho trang Ý kiến tại đây.