Họ đặt ra rất nhiều vấn đề: Nếu về thì đi máy bay hay xe giường nằm? Đặt vé hay chưa? Năm nay làm được bao nhiêu tiền? Về quê quà cho bên ngoại bao nhiêu, tiền cho bên nội bao nhiêu?
Đến hẹn lại lên, mỗi năm dịp giáp Tết là tôi lại nghe họ đắn đo bàn bạc. Năm trước đó nữa, lúc họ mới cưới, tôi nghe cặp vợ chồng ở Hà Tĩnh này tính, mỗi lần từ Sài Gòn về quê mỗi mùa Tết mất toi gần mấy chục triệu mà tôi ái ngại. Vì với đồng lương công nhân của hai vợ chồng, số tiền này không phải là nhỏ. Có khi tích lũy cả năm mới được.
Nhưng là do năm đầu mới cưới, tôi khuyến khích họ về quê, đi Tết cho đủ lễ nghĩa hai bên gia đình. Sang năm thứ hai, tôi khuyên họ đừng nên về. Vui chơi tuần lễ mà mất toi số tiền cả năm dành dụm thì không đáng lắm. Họ cũng ậm ờ bảo là không về. Nhưng đến chiều 27, 28 Tết, khi thấy dãy trọ vắng tanh, chạnh lòng, hai vợ chồng lủi thủi ra bến bắt xe về.
>> Tôi bằng lòng 'cày' cả năm tiết kiệm tiền mua vé về quê ăn Tết
Năm nay họ cũng về. Tôi nghĩ những cặp vợ chồng có quê gần Sài Gòn thì về Tết mỗi năm. Còn nếu như ở xa, phương tiện đi lại khó khăn, đắt đỏ, chi phí quà tết hai bên gia đình cao quá thì cách năm. Tốt nhất là ba năm về một lần hoặc tính toán về quê trước hoặc sau Tết.
Nhiều người sẽ bảo là Tết về để thăm cha thăm mẹ. Tôi cho rằng thời nay điện thoại, máy tính đầy ra. Chiều ba mươi Tết gọi video call về hỏi thăm sức khỏe, sáng mùng một gọi về mừng tuổi online là được rồi. Số tiền kia để dành qua Tết hãy về.
Bởi vì, vợ chồng mới cưới, còn trẻ, nếu thu nhập cao, ổn định thì không sao. Còn công nhân, đồng lương ít ỏi, dành dụm một đồng cũng quý một đồng. Vả lại mới cưới, hai vợ chồng cần tích lũy tiền bạc, để dành vốn sau này làm ăn với đời. Thử tưởng tượng, suốt mười hai tháng trời mới dành dụm được một chút tiền, bỗng chốc lại tiêu hết chỉ vì Tết thì uổng quá. Cha mẹ hai bên thương con cũng sẽ chẳng trách gì nếu ta không về dịp Tết.
>> Chia sẻ bài viết của bạn cho trang Ý kiến tại đây.