Bài viết 'Nhìn cao thủ Trung Quốc thua võ sĩ MMA mà lo cho võ cổ truyền Việt' đang nhận được nhiều ý kiến tranh luận trên VnExpress. Nhiều độc giả cho rằng việc võ cổ truyền thất thế trước các môn võ hiện đại như MMA xuất phát từ việc tuyệt chiêu của các môn phái này không còn được lưu truyền, đồng thời các võ sinh cũng không được khuyến khích dùng vũ lực:
Lúc nhỏ tôi học võ cổ truyền 8 năm từ 4 đến 12 tuổi. Cứ 1-2 tuần là thầy có một buổi nói chuyện truyền đạt kinh nghiệm cũng như dặn dò học trò. Trong đó có một điều thầy dặn đi dặn lại, dặn hoài luôn là học võ để tự vệ, tráng kiện sức khỏe chứ không phải để đánh người. Thầy khuyến khích học trò nếu có xảy ra va chạm thì cố gắng tránh né sử dụng đến vũ lực. Thiết nghĩ bây giờ nhiều người cứ tập võ rồi hay so sánh thi đấu hơn thua để làm chi? Khi ra ngoài đường tranh chấp, võ công bạn cao bạn đánh thắng họ, lỡ họ thua nổi điên lên dùng vũ khí thì sao?
Nếu muốn thi đấu chuyên nghiệp thì chọn MMA hay các môn võ có tính sát thương cao. Còn để rèn luyện sức khỏe thì đến với võ cổ truyền. Bạn tôi học Vovinam cũng đủ sức hạ các kẻ ỷ lớn ăn hiếp nhỏ rồi. Nhưng điều quan trọng khi học võ cổ truyền là đạo (đạo đức: không phải ỷ có võ mà đánh ai cũng được) và hơn hết là nếu có kẻ gây sự thì "tránh voi không xấu mặt nào".
Đơn giản là vì võ cổ truyền, hay Vovinam không có sân chơi chuyên nghiệp, nên không có "võ sĩ chuyên nghiệp" như Boxing, Muay Thai, MMA... Sân chơi võ cổ truyền và Vovinam cho đeo găng, đội mão, làm hạn chế chiêu thức, cách thức tính điểm cũng cho thấy đây là sân chơi thể thao, không phải sân chơi chuyên nghiệp. Võ cổ truyền có đầy đủ các chiêu thức sở trường: đấm - đá - chỏ - gối - khoá - vật của các môn phái khác, nhưng tên gọi khác nhau, xuất hiện trong các bài quyền lẫn trong các bộ pháp: Thôi Sơn (đấm), Phượng Dực(Chỏ)... Và có nhiều đòn triệt hạ đối thủ, ví dụ như thọc 2 ngón tay vào mắt (Song Chỉ Tô Châu), hay Cương Đao (cạnh bàn tay) chém thẳng yết hầu (cổ họng) hay Cương Đao Phạt Mộc (đánh hạ bộ). Không có môn võ vô địch, chỉ có con người vô địch.
Tôi được nghe các cụ luyện võ cổ truyền Bình Định kể rằng võ Bình Định cổ mục đích chính ban đầu không phải để rèn luyện sức khoẻ hay tự vệ mà là để giết chết giặc thù nhanh và hiệu quả nhất (cũng giống như mục đích ban đầu của võ Muay Thái). Các đòn thế ban đầu đều rất nguy hiểm và nhằm vào những tử huyệt mà ngày nay cấm. Sau này người ta chỉ giữ lại tinh thần thượng võ, các bài tập dần cải biên để thiên về luyện ý chí và chế ngự kẻ thù, bảo vệ kẻ yếu.
Khi hai bên thể trạng ngang ngửa nhau thi đấu đài thì võ hiện đại cũng không chiếm nhiều lợi thế hơn bạn tưởng đâu, nhưng nếu đánh ngoài đời khi không có luật lệ ngăn cản thì người luyện võ hiện đại sẽ thất thế nếu gặp người luyện võ cổ truyền chuyên luyện những chiêu đánh chổ hiểm (hạ bộ, mắt...).
Ngày xưa võ cổ truyền tập đánh bằng tay không, nên có lợi thế dùng đòn tay để chặt, chém, khóa, vật, đánh vào các huyệt đạo đối phương, còn ngày nay lên võ đài thì phải mang găng tay và tùy thuộc vào thể thức thi đấu mà hạn chế các đón đánh, nên võ cổ truyền không còn phát huy nhiều thế mạnh.
MMA đấu với võ cổ truyền trên sân với kích thước và luật của MMA thì đánh sao được. Phải có diện tích sân lớn hơn và cho sử dụng đòn thế tự do, không khống chế thì võ cổ truyền mới đánh được. Còn thi đấu theo kiểu luật MMA thì có Đạt Ma tổ sư hay Trương Tam Phong tái thế cũng không đánh được nữa!
Nếu cho đánh kiểu sống chết, cho sử dụng các đòn như đánh hạ bộ và các chỗ hiểm, không mang găng thì sẽ có khác biệt. Võ cổ truyền mạnh ở các thế đòn tay là chặt, chém, đâm nhưng khi mang găng thì bó tay. Khi võ cổ truyền mà áp sát được thì chưa biết chuyện gì sẽ xảy ra.
>> Chia sẻ bài viết của bạn cho trang Ý kiến tại đây.