Nhân sự kiện các võ sư võ cổ truyền Trung Quốc liên tiếp thảm bại trước một tay võ MMA nghiệp dư Từ Hiểu Đông, nhiều người yêu thích thể thao và võ thuật đánh giá võ cổ truyền không thể thực chiến bằng MMA. Tôi cho rằng đánh giá như vậy chưa thực sự đầy đủ, không thể lấy một vài trường hợp để đưa ra kết luận cho đáp số chung.
Võ cổ truyền Trung Quốc như thế nào tôi không biết nhưng võ cổ truyền Việt Nam gắn liền với lịch sử đánh giặc giữ nước, nó không phải là môn thể thao mà là vũ khí lợi hại của dân tộc ta.
Lịch sử đã chứng minh, dân tộc ta đã nhờ có võ cổ truyền mà đánh thắng được kẻ thù đông hơn, to con hơn, mạnh hơn. Lịch sử võ thuật ngàn năm kết tinh ở triều đại Tây Sơn (Bình Định), thời kỳ đỉnh cao của võ thuật mà chúng ta còn biết đến thông qua vùng đất Bình Định. Nếu nói võ cổ truyền yếu kém, không thực chiến... vậy làm sao một người Việt có thể đánh thắng (đánh chết) mấy chục, mấy trăm quân giặc?
>> Cao thủ Vịnh Xuân dễ bại trận MMA vì không luyện 'tuyệt kỹ'
Trở lại miền đất võ Bình Định, tôi (người con Bình Định) có thể mô tả lại cho mọi người được rõ (ở thời ông, cha ta trở về trước) người tập võ rất công phu, người tập võ phải tập rất nhiều thời gian, qua rất nhiều nội dung tập luyện, có thể tóm lược qua 3 phần như sau:
Phần 1: Tập nội công (tập sức mạnh). Từ nhỏ đã đào hầm vừa thân người (hầm sâu bằng chiều cao của người tập), giậm chân nhảy. Tập đến lớn chỉ cần nhúng chân là bay lên khỏi hầm chiều sâu ngang đầu người. Tập chạy đeo cát vào chân, leo núi, chạy ruộng ngập nước, tập tạ, hít đất, hít xà đơn. Tập đánh vào bao cát (may bao, đổ cát vào). Đặc biệt là lấy bàn tay đâm vào múi hột (đầu tiên đâm vào gạo, đến lúa, đến muối) luyện tập lâu ngày bàn tay như một con dao, dùng đâm hoặc chém vào các huyệt đạo cũng rất lợi hại khi áp sát.
Phần 2: Tập các bài thảo (quyền). Tôi thấy hầu như võ cổ truyền hiện tại đã cải biên theo hướng thể thao chứ bản gốc không còn. Võ Bình Định mọi vật dụng xung quanh ta đều có thể làm binh khí và tất cả có bài thảo: tay, roi, mỏ gãy, bàn cào, cuốc, gươm, đao, giáo, mác, dây, ... thậm chí cái gàu xách nước, cái khoăn quàng cổ đều làm bình khí được. Bài quyền (thảo) như linh hồn của võ thuật, nó như bài thơ trong văn chương, bài hát trong âm nhạc, nó có mở đầu, diễn biến và kết thúc. Người tập nó có thêm sức mạnh, bộ pháp nhanh nhẹn, dẻo dai, ... có thêm nhiều đòn thế khi chiến đấu.
Phần 3: Tập đối kháng hay còn gọi là ráp ngựa. Sau khi trải qua hai nội dung tập ở trên người tập võ mới được cho tập đối kháng. Có thể nói người tập ở phần 1, phần 2 là học lý thuyết và phần 3 là tập thực hành. Khi ráp ngựa sẽ tập thế đứng, di chuyển, tấn công, phòng thủ, phối hợp tay, chân thế nào cho đúng (đối phương ngựa gì mình đi ngựa đó, tôi thấy các võ sư Trung Quốc thảm bại trước Từ Hiểu Đông không có kỹ năng này, thậm chí đi sai ngựa).
Người tập luyện ở 2 phần trên càng giỏi thì vào đối kháng càng giỏi. Ở Bình Định ngày xưa cứ đêm trăng là thanh niên của làng này sang làng kia để cho cặp đánh nhau trên tinh thần tập luyện thượng võ (gọi là đi "dợt"), không có chuyện thù oán nhau. Võ sĩ muốn lên đài phải trải qua rất nhiều công đoạn tập luyện có thể lực, nhanh, mạnh bền, chịu đòn, chịu được khắc nghiệt. Đối với tập binh khí: tập tăng dần từ cây bịt đầu, cây không bịt đầu, cây vót nhọn rồi mới đến gươm đao (binh khí sắt thép thật).
>> 'Sự thất bại của cá nhân không thể hiện võ cổ truyền kém'
Một binh sĩ nhà Tây Sơn muốn "xuống núi" được trải qua luyện tập khắc nghiệt, thường là thử thách: đứng giữa sân tập cho 20 - 30 người đứng xung quanh phóng đao sao cho không trúng (đỡ, né được). Một người tập võ Bình Định muốn giỏi phải tập luyện ăn ở nhà thầy từ 5 năm trở lên. Người Bình Định không gọi võ đường mà gọi là lò võ, từ này xuất phát từ lò rèn (sản xuất các công cụ lao động dao, rựa, cuốc xẻng và cả gươm đao, ... trải qua nhiều giai đoạn trui rèn). Có nghĩa là người tập võ cũng vậy phải trải qua các giai đoạn khắc nghiệt mới giỏi được. Các lò võ ngày xưa thường thử thách học trò trước khi vào tập như: nhảy qua bờ rào cao ngang đầu người hoặc lấy cây bổ xuống bờ ruộng đứt đôi... thì thầy mới nhận dạy.
Ngày xưa ở Bình Định có thượng đài võ tự do: không găng tay, không bảo vệ, không hạn chế các đòn đánh hiểm, người đấu đài ký giấy cam kết sinh tử (chết chịu, không kiện tụng).
Đấu như vậy còn sát thương hơn, khắc nghiệt hơn đấu trường MMA. Chính thời gian này, ở Bình Định sản sinh ra rất nhiều nhân tài võ thuật.
Sau này, chúng ta từ bao cấp chuyển sang kinh tế thị trường, đồng tiền lên ngôi, người theo nghiệp võ thường rất nghèo khổ nên không còn mấy ai theo, võ cổ truyền Bình Định ngày một mai một dần.
Hầu hết các quốc gia đều có môn võ của họ tạm gọi là võ cổ truyền, mỗi môn đếu có cái hay, cái hạn chế riêng. Võ MMA thực sự có tính đối kháng rất cao hầu hết chúng ta đều phải công nhận. Các võ sĩ cổ truyền thua võ sĩ MMA là do họ học chưa tới nơi tối chốn và ít có sân chơi cọ xát, chứ chưa hẳn là võ truyền thống thua võ hiện đại. Một người Bình Định xin có đôi lời.
>> Chia sẻ bài viết của bạn cho trang Ý kiến tại đây.