Mở đầu bài viết này, tôi không đề cập nhiều đến yếu tố chuyên môn bởi đẳng cấp của các cầu thủ Nhật Bản so với các cầu thủ Việt Nam thì ai cũng biết. Vì vậy, chỉ mượn lại câu chuyện đã xảy ra cách đây năm mươi năm để có đôi lời bình luận.
Ngày đó, bóng đá Nhật Bản chưa phát triển, cầu thủ Nhật Bản từ thể hình, thể lực cho đến kỹ chiến thuật thua kém so nhiều với cầu thủ các đội bóng khác trong khu vực. Trong khi đó, bóng đá Miền Nam Việt Nam tiếng tăm đã lẫy lừng, một loạt các hảo thủ rạng danh Á Châu như Tam Lang, Phạm Văn Rạng...Vì vậy, bóng đá Nhật Bản khi so sánh, chỉ là "gã tí hon" so với "người khổng lồ" miền nam Việt Nam.
Họ chỉ là " chiếc giày nhỏ" so với " chiếc giày lớn" của đội tuyển miền nam như hàm ý của họ, khi trao tặng cho cố huấn luyện viên Tam Lang mô hình chiếc giày trong một trận cầu giao hữu với đội tuyển miền nam Việt Nam. Thế nhưng, họ đã âm thầm cách tân nền bóng đá, nâng cao năng lực, thể chất cho cầu thủ, phát triển đóng đá trẻ, từng bước nâng cao chất lượng giải quốc nội.
>> Tuyển Việt Nam sẽ chơi sòng phẳng với Nhật
Về lối chơi, họ lấy kỹ thuật của Brazil làm chủ đạo cho phù hợp với thể hình, thể lực của người Á Đông, thậm chí ở giai đoạn đầu, họ sẵn sàng nhập tịch cầu thủ Brazil và thuê hẳn Zico về huấn luyện cho đội tuyển quốc gia. Kết quả, hơn ba mươi năm sau kể từ câu chuyện mà cố huấn luyện viên Tam Lang thuật lại, họ đã lần đầu tiên tham dự World Cup (1998) và từ đó đến nay, đều đặn tham gia.
Ngược lại, bóng đá Việt Nam sau năm 1975 có những nốt trầm vì nhiều lý do, mãi đến thập niên 90, mới hội nhập bóng đá khu vực, nhưng chỉ quanh quẩn Đông Nam Á, còn vươn ra biển "hơi lớn" như Asian Cup cũng chỉ là cuộc dạo chơi để rút kinh nghiệm.
Chỉ có mấy năm gần đây, khi công tác đào tạo trẻ được chú trọng từ các lò trong nước như HAGL, Hà Nội T&T, Viettel, SLNA..., bóng đá Việt Nam mới khởi sắc, mà quả ngọt ở các cấp độ đội tuyển quốc gia, dưới bàn tay huấn luyện của Park Hang- Seo, đã bội thu trong năm 2018.
>> Nhật Bản đá thực dụng, Việt Nam có cửa thắng
Rõ là, hai nền bóng có lúc vị thế ngược lại với nhau nhưng đã gặp nhau một điểm chung: muốn phát triển bóng đá, không có gì khác hơn là phát triển công tác đào tạo trẻ, mạnh dạn sử dụng họ, thậm chí gửi họ ra nước ngoài thi đấu để cọ xát và tăng cường chất lượng giải quốc nội.
Con đường thành công của bóng đá Nhật Bản cũng chính là con đường bóng đá Việt Nam, vốn là một thế lực trong quá khứ, đang đi theo.
Tuy nhiên, nói như thế không phải ám chỉ trận đấu tối nay của hai đối thủ là đồng tài, đồng sức, kẻ tám lạng, người nửa cân.
Ngày xưa, đội tuyển Nhật Bản là chiếc giày nhỏ, thời thế đổi thay, bây giờ là là chiếc giày lớn, còn đội tuyển Việt Nam, trước là chiếc giày lớn, giờ là chiếc giày đang lớn.
Đừng có vội chê đội tuyển Nhật Bản chơi giải này thực dụng nhàm chán, bởi họ đang tiến lên một đẳng cấp khác hơn, chiến thắng là quan trọng chứ không phải hào hoa để thất bại. Còn đội tuyển Việt Nam, đừng có cho là kẻ lót đường như thường lệ, biết bao anh tài đã rơi lệ đắng cay.
Vì vậy, dưới góc độ là người hâm mộ Việt Nam, bất luận như thế nào, chúng ta cũng phải ủng hộ các tuyển thủ đòi lại "chiếc giày lớn" mà chúng ta đã từng đánh mất. Biết đâu được, trong một buổi tối tâm lý thoải mái, tràn đầy sinh lực, "chiếc giày đang lớn" chơi tưng bừng và giành chiến thắng trước " đôi giày lớn" thì sao. Trái bóng tròn mà!
>>Chia sẻ bài viết của bạn tại đây.