Chuyện người trẻ từ chối làm việc quá giờ, quá sức không còn là cá biệt. Độc giả Đình với kinh nghiệm sau hơn 20 năm làm việc chia sẻ:
"Nếu lúc phỏng vấn mà nhận được câu "áp lực công việc cao" và "làm hết việc chứ không hết giờ" là tôi xin phép từ chối việc phỏng vấn tiếp và ra về ngay.
Bởi những công ty mà có hai yếu tố trên, thường nội bộ rối như canh hẹ do quản lý yếu kém, đi làm với tinh thần chán nản, không có động lực bởi họ đưa ra những chỉ tiêu, hiệu quả công việc ở "trên trời".
Những người chủ hay quản lý cấp cao trong công ty mà có tâm, có tầm thì dù làm việc mệt hay lo lắng nhưng phần nhiều là với tinh thần làm việc rất thoải mái, cố gắng làm đạt chỉ tiêu hoặc tốt hơn để đáp lại sự tin tưởng của cấp trên, nghĩa là cấp trên luôn được nhân viên nể và phục và làm việc hết mình. Những doanh nghiệp có người quản lý được nhân viên nể, phục cũng không nhiều để đầu quân".
Độc giả có nickname Ý kiến cá nhân vui vẻ kể:
"Hồi trước sếp tôi suốt ngày nhắn tin, gọi điện lúc nửa đêm, gần sáng. Ai cũng sợ nên không ai dám không trả lời tin nhắn, bắt máy. Nghĩ lại mà tôi còn thấy kinh hoàng vì nó ảnh hưởng đến cuộc sống cá nhân kinh khủng. Đồng thời, khiến sếp ảo tưởng tự cho mình là quá quan trọng nên ngày càng leo thang tra tấn anh em.
Bây giờ tôi hiểu ra nên đã kệ mấy tin nhắn và cuộc gọi sau 20h, trừ trường hợp đang có sự kiện gấp thì vẫn làm. Sếp rất khó chịu nhưng tôi thấy đúng nên vẫn làm. Tôi vẫn luôn bảo sếp nên gói gọn các chỉ đạo trong giờ làm, tránh làm phiền cuộc sống cá nhân, và giờ tôi bị sếp ghét đủ hướng".
Độc giả Lưu Nguyển Văn nêu quan điểm: "Tôi thấy việc công ty luôn luôn tạo áp lực vô hình khi đem công việc ra sau giờ làm là thiếu chuyên nghiệp, và thiếu khoa học và là một hình thức lạm dụng và bóc lột sức lao động.
Thay vì trách móc Gen Z thế này, thế kia thì nên tối ưu quy trình làm việc, đưa ra những chính sách, quy chế về lương thưởng rõ ràng khi làm thêm giờ. Gen Z chưa hoàn toàn là tương lai, nhưng là một phần lớn của tương lai, các chủ doanh nghiệp không thay đổi để phù hợp với xu thế thì sẽ không có sức cạnh tranh trên đường dài".
Đồng quan điểm, độc giả có nickname Nhìn avatar đủ hiểu nói:
"Không phải Gen Z chúng tôi khó hợp tác, mà là bây giờ đã là thời đại mới và chuyển đổi nhanh, cần phải công tư rõ ràng, thù lao xứng đáng, quyền lợi đảm bảo theo giờ làm chứ không phải một, hai lời nói ngon nói ngọt là xong. Không phải ngẫu nhiên mà Gen Z hay thế hệ sau này đều chung tay nói không với áp đặt theo kiểu truyền thống lâu nay, đó là lối mòn tư duy nhiều chục năm rồi cần phải thay đổi".
Hữu Nghị tổng hợp
>>Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.