Trong những năm gần đây, Hà Nội cũng như các địa phường khác thường xuyên gặp phải nhiều vấn đề về ô nhiễm môi trường, xử lý chất thải. Tuy nhiên, trong năm 2019, vấn đề này đã trở nên rất cấp bách do chất lượng không khí suy giảm mạnh, ảnh hưởng đến sức khỏe người dân. Nếu vấn đề ô nhiễm không được giải quyết, hậu quả về kinh tế xã hội đối với thành phố là vô cùng lớn.
Chúng ta không phải là dân tộc đầu tiên phải đi qua "con đường" này. Tất cả các nước công nghiệp đều từng trải qua thời kỳ ô nhiễm tồi tệ, gần đây nhất là Trung Quốc. Có nhiều biện pháp đơn giản, rẻ tiền nhưng rất hiệu quả để giải quyết vấn đề ô nhiễm.
Chất thải rắn
Lượng rác thải đô thị cũng như nông thôn tăng rất mạnh trong những năm gần đây. Biện pháp hiện nay chủ yếu là chôn lấp, trong khi tái chế mới là giải pháp căn cơ. Giải quyết vấn đề tái chế rác thải không khó như chúng ta nghĩ, chỉ cần phân loại tại nguồn. Các hộ gia đình cần phân loại rác thành các loại sau: rau, củ, quả, tức là các loại rác thực vật chưa qua chế biến, không dính dầu mỡ (chiếm khoảng 50-75% tổng lượng rác thải sinh hoạt); rác thực phẩm như cá, thịt, xương, thực phẩm có nguồn gốc động vật, thực phẩm có nguồn gốc thực vật nhưng có dầu mỡ; rác thải rắn như giấy, nhựa, thủy tinh, kim loại...
Rác rau, củ, quả các hộ gia đình có thể tự xử lý, ví dụ dùng để ủ compost, hoặc chỉ cần cho xuống hố đất, rác sẽ tự phân hủy thành phân bón, rất tốt cho đất. Ở gia đình tôi, sau khi tách rác rau, củ, quả thì tổng lượng rác thải giảm chỉ còn 1/3 so với trước kia. Các gia đình ở chung cư hoặc nhà đất nhưng chật hẹp thì có thể không tự xử lý được rác rau củ quả. Tuy nhiên việc phân loại sẽ giúp đơn vị thu gom rác dễ dàng ủ rác rau củ quả thành phân bón.
Rác thực phẩm (động vật, hoặc thực vật đã có dầu mỡ), đơn vị thu gom rác có thể xử lý bằng biện pháp vi sinh để sản xuất phân bón. Như vậy sau khi phân loại tại nguồn, việc xử lý và tái chế rác thải trở nên đơn giản, thậm chí lúc này rác trở thành món hàng hóa có giá trị.
Các bạn sẽ hỏi làm sao để bắt mọi người phân loại rác? Vấn đề này cũng đã có người giải quyết trước chúng ta rồi. Ở Đài Bắc, nếu bạn không phân loại rác thì bên thu gom rác sẽ không nhận và mời bạn mang rác về nhà. Chúng ta cũng vậy, cần dẹp bỏ các bãi rác. Không có đô thị văn minh nào trên thế giới có bãi rác công cộng hay xe chứa rác để sẵn như ở nước ta, rác sinh hoạt sẽ được thu gom bởi đơn vị thu gom rác vào các khung giờ cố định cho từng khu vực, nếu không phân loại đơn vị thu gom rác sẽ không nhận.
Chất thải khí
Vấn đề này nan giải hơn chất thải rắn, trong đó nan giải nhất là bụi mịn PM2.5, vì chúng ảnh hưởng rất xấu đến sức khỏe con người. Về nguồn gốc của bụi mịn PM2.5 vẫn còn có nhiều tranh luận của các nhà khoa học. Tuy nhiên có những chứng cứ hết sức rõ ràng: lượng bụi mịn PM2.5 gia tăng ở các khu vực gia tăng các loại xe cơ giới, ở các khu vực có hoạt động xây dựng, ở các xã hội phát triển chuyển cơ cấu từ nông nghiệp sang công nghiệp... Về cơ bản nguồn gốc chính của bụi mịn PM2.5 là bụi thông thường (từ các hoạt động xây dựng, do đường phố bẩn và khi có phương tiện giao thông chạy qua thì bị khuấy lên...), khí thải từ động cơ đốt trong (của xe cộ, các loại máy móc...). Vậy chúng ta sẽ đối phó như thế nào?
Bụi thông thường: Có thể thấy việc quản lý đô thị và xây dựng ở Việt Nam còn kém. Các công trình xây dựng không được che chắn, xe chở nguyên vật liệu làm rơi vãi đất đá ra đường rất nhiều. Giải pháp cho vấn đề này chỉ có thể là phạt nặng chủ đầu tư. Họ sẽ tự truy xuống và phạt các nhà thầu của mình. Ngoài ra, cơ quan chức năng có thể xử phạt thanh tra đô thị và thanh tra xây dựng ở các địa bàn có vi phạm.
Khí thải từ động cơ đốt trong: Phần lớn khí thải là từ phương tiện giao thông. Ở Hà Nội, hiện nay có khoảng 750.000 ôtô và gần sáu triệu xe máy. Mỗi xe máy chỉ sử dụng lượng nhiên liệu bằng 1/4 - 1/5 so với ôtô. Nếu căn cứ vào lượng nhiên liệu tiêu thụ thì chúng ta sẽ nghĩ khí thải gây ô nhiễm từ xe máy chiếm khoảng 60-70% tổng khí thải của phương tiện giao thông. Tuy nhiên xe máy không được đăng kiểm và chúng ta đều biết hầu hết xe máy đang lưu thông có tiêu chuẩn khí thải của động cơ rất kém. Sẽ hợp lý nếu giả định lượng khí thải gây ô nhiễm tính trên lượng nhiên liệu tiêu thụ của xe máy cao hơn nhiều so với ôtô. Như vậy, giả định khoảng 85% khí thải gây ô nhiễm của phương tiện giao thông là do xe máy cũng có thể xem là hợp lý.
Tuy nhiên, việc cấm xe máy là không nên vì ta có thể dễ dàng tính ra xe máy có hệ số sử dụng hạ tầng giao thông (cả động và tĩnh) hiệu quả hơn nhiều so với ôtô cá nhân cũng như xe buýt, nghĩa là xe máy là phương tiện lý tưởng nhất trong hạ tầng đô thị yếu như ở Hà Nội hiện nay. Chúng ta cần có giải pháp khác thay vì cấm xe máy. Đó là Hà Nội cần phải có lộ trình cấm xe máy dùng động cơ đốt trong, thay bằng xe máy chạy điện (ắc quy, hoặc khí hydro).
>> Người Hà Nội và TP HCM khó thở vì chặt cây xanh, bê tông hóa
Sẽ có nhiều người nói là xe máy chạy điện cũng gây ô nhiễm do cần xử lý ắc quy và sản xuất khí hydro, nhưng đó là những lập luận thiển cận. Việc xử lý ắc quy hay sản xuất hydro được thực hiện trong nhà máy, trong môi trường được kiểm soát, khác hẳn ở việc xả thải vào đô thị như động cơ đốt trong. Ngoài ra, việc loại bỏ động cơ đốt trong còn giảm được số lượng rất lớn chất thải độc hại là dầu máy và các phụ tùng của động cơ đốt trong (động có đốt trong có lượng linh kiện nhiều gấp khoảng 10 lần so với động cơ điện).
Pin nhiên liệu dùng khí hydro còn có rất nhiều lợi thế, khí hydro có thể sản xuất bằng các nguồn năng lượng tái tạo như điện mặt trời, điện gió. Xe máy chạy bằng pin nhiên liệu hydro có thể dễ dàng thay bình tại các cửa hàng tiện lợi, dễ dàng mang theo bình dự phòng nên không gặp vấn đề về cự ly di chuyển như xe máy chạy ắc quy. Hiện nay, tại Đài Bắc xe máy chạy pin nhiên liệu hydro rất rẻ và phổ biến.
Tôi ủng hộ lộ trình cấm tuyệt đối xe máy chạy động ở đốt trong tại Hà Nội trong 1-2 năm nữa. Tôi cũng ủng hộ lộ trình cấm ôtô chạy động cơ đốt trong, hoặc áp thuế carbon khi xe ôtô điện xuất hiện trên thị trường. Trong thâm tâm, tôi nghĩ chiếc xe tôi đang chạy là chiếc xe động cơ đốt trong cuối cùng, tôi không có nhu cầu dùng bất cứ ôtô động cơ đốt trong nào khác và sẵn sàng chuyển sang sử dụng ôtô điện.
>> Chia sẻ bài viết của bạn cho trang Ý kiến tại đây.