Trồng cây trên vỉa hè, khi chúng lớn, tán sẽ vươn ra mọi phía. Nếu nhà gần cây nhưng có chiều cao lớn hơn, tán của cây sẽ phát triển như thế nào? Nếu chúng ta để ý, những cây cổ thụ lâu năm trồng trên vỉa hè thường ở nơi có kiến trúc xung quanh thấp hơn nó. Người ta có thể trồng cây cổ thụ trên vỉa hè cạnh một cao ốc cao hàng chục tầng? Có thể, nhưng với điều kiện vỉa hè ấy phải rất to, gốc cây phải cách tường cao ốc tầm chục mét.
TP HCM rộng khoảng 2.100 km2 với dân số 12 triệu người (bao gồm cả thường trú và tạm trú). Trong khi đó, mật độ dân cư đô thị chuẩn quốc tế chỉ có 1.500 người/ km2. Nếu xây nhà thấp tầng thì thành phố chỉ chứa được 3–4 triệu người. Các thành phố đông dân thường xây cao ốc ở trung tâm, biệt thự ở vùng ven để lấy đất lân cận trung tâm làm công viên.
Thành phố New York (thành phố lớn nhất nước Mỹ) có khoảng 8,4 triệu dân cư trên diện tích 768 km2. Nếu người Mỹ ai cũng ở nhà thấp tầng thì diện tích thành phố không đủ để xây dựng bất kỳ một hệ thống giao thông công cộng nào, nói chi đến trồng cây xanh. Bởi vậy, người ta dân nghèo ở trung tâm, dân giàu ở ngoại ô còn ta thì ngược lại. Nếu giải tỏa hết nhà thấp tầng ở trung tâm, e rằng GDP của quốc gia cũng không đủ để chi đền bù giải tỏa.
>> Người Hà Nội và TP HCM khó thở vì chặt cây xanh, bêtông hóa
Công viên của Mỹ thường nằm dọc theo các tuyến đường vành đai để chống ô nhiễm và chống ồn. Còn ta, bất kể đường to đường nhỏ gì cũng có nhà mặt tiền. Như vậy làm sao xây công viên? Nhiều người có ý kiến rất sơ sài về cây xanh. Trên là tán cây cần không gian để phát triển, dưới là rễ cây cũng cần không gian để phát triển mà không làm hư hại các công trình ngầm.
Phần lớn cây cổ thụ chỉ có tuổi thọ trên dưới 100 năm tuổi. Những cây có tuổi thọ 200–300 năm tuổi hoặc hơn thường là loại như cây đa. Chúng có thể sống lâu như vậy vì mầm cây non thường mọc ngay trên cái gốc mục của cây già (cây non và cây già mọc cộng sinh với nhau nên ta thấy thân cây khá chằng chịt với nhiều rễ cây buông thẳng từ tán cây xuống mặt đất). Những cây loại này thường không cao, chẳng bao giờ được trồng ở đô thị. Những cây khác không được như thế. Gốc rễ mục nát sẽ dẫn đến cây bị đổ ngã vì không chịu nổi cái tán quá lớn của nó.
>> Bài viết cùng tác giả:
>> 'Phương Tây nghỉ đông cả tháng có thấy nghèo đi đâu'
>> 'Người khôn ngoan một mình chỉ là khôn vặt'
>> 'Kỹ sư ngày nay không cần biết rộng, chỉ cần hiểu sâu'
Những cây mà người Pháp trồng ở Việt Nam từ đầu thế kỷ 20 đến nay đã hết (hoặc sắp hết) tuổi thọ, trước sau gì cũng phải đốn hạ. Thế nhưng, đốn xong rồi trồng cây gì thay vào là cả vấn đề vì kiến trúc xung quanh nó đã gần như thay đổi hoàn toàn. Câu hỏi đặt ra là, chúng ta nên trồng cây rải rác dọc theo vỉa hè hay nên trồng cây tập trung tạo thành những công viên lớn? Cái nào cũng có cái khó của nó và cái nào cũng cần có người hy sinh lợi ích vì cộng đồng. Cái khó không bó cái khôn nhưng để người dân có thể hy sinh lợi ích cá nhân vì cái chung thì không phải chuyện đơn giản.
>> Chia sẻ bài viết của bạn cho trang Ý kiến tại đây.