Đánh giá về tác động tiêu cực của tâm lý hoảng sợ giữa đại dịch Covid-19, độc giả Phương Uyên nhận định:
"Không phải các nhà khoa học ngay từ đầu đã cảnh báo rằng đối tượng gặp nguy hiểm vì Covid-19 là người già và người có sức đề kháng yếu sao? Nhưng ai quan tâm chứ? Vì hoảng sợ mà những người bệnh thật sự gặp nguy hiểm không thể tiếp cận sự chăm sóc y tế kịp thời. Vì hoảng sợ mà virus lan nhanh hơn. Vì hoảng sợ mà các bác sĩ không còn thời gian để chăm sóc sức khỏe cho mình".
Cũng trải qua cảm giác hoang mang khi dịch bùng phát, nhưng bạn đọc Trananh14862018 đã chọn cho mình cách nhìn nhận và ứng xử khác với đại dịch này:
Gần hai tháng qua, ban đầu, tôi cũng có tâm lý hoang mang khi đọc những tin tức về Covid-19. Nhưng, tôi đã chọn cách đối mặt, và đi xuyên qua nó. Tôi tích cực vận động, ngủ nghỉ điều độ. Sau khoảng hai tuần, tâm lý của tôi đã trở lại bình thường. Tôi vẫn duy trì việc tập thể dục đều đặn, đến nay đã được một tháng rưỡi. Cơ thể khỏe mạnh, tinh thần vững vàng. Nhờ thế mà tôi không bị cúm vặt như trước.
Tôi chọn cách tích cực làm việc, tập thể dục đều đặn, ăn ngủ điều độ. Đôi khi, nguyên nhân gây ra nỗi sợ, không nguy hiểm bằng bản thân nỗi sợ. Trong lúc này, tiền chưa phải là chỗ dựa thực sự cho người thân của bạn. Chính sự bình tĩnh, không sợ hãi mới là điểm tựa vững vàng cho những người trong gia đình. Chúng ta thận trọng hành động theo hướng dẫn của nhà chuyên môn, và quan trọng là không sợ hãi".
Trong khi đó, nhìn lại cuộc chiến chống dịch Covid-19 của Việt Nam từ đầu đến giờ, độc giả Alice lạc quan chia sẻ:
"Tâm lý của con người thường lo lắng về những rủi ro mắt thấy tai nghe, có thể trực tiếp chạm đến mình, hơn là những rủi ro của tương lai và chưa thấy rõ. Chống dịch là chống cả sự sợ hãi. Việt Nam đã và đang làm rất tốt điều này để nằm trong khu vực thuận lợi. Một số nước Đông Nam Á khác cũng ghi nhận số ca nhiễm thấp như Indonesia, Lào, Campuchia, Thái Lan, dù họ không hành động chặt chẽ và quyết liệt như Việt Nam, có thể là do thời tiết vì một nghiên cứu cho thấy virus phát triển mạnh nhất ở nhiệt độ 8,5 độ C. Nên người dân hoàn toàn có thể yên tâm. Sợ hãi quá sẽ làm stress và giảm miễn dịch.
Tối qua tổng thống Pháp đã có bài phát biểu về các giải pháp đồng bộ khi Pháp cần phải hành động: ưu tiên bảo vệ người già, người nghỉ làm có lương; y tá bác sĩ được bảo vệ và sẵn sàng điều động; doanh nghiệp được hỗ trợ; bệnh nhân được khám chữa 100% miễn phí, 'sức khoẻ không có giá và virus không có hộ chiếu'; trường học đóng cửa; khuyến khích làm việc tại nhà tối đa. Bên cạnh đó, việc đóng biên giới sẽ tính đến sau, giao thông công cộng vẫn hoạt động với một số nguyên tắc và mọi người tự giác tuân thủ để cuộc sống không tê liệt. Tập trung vào thuốc chữa trị.
Đặc thù dân số, địa lý, văn hoá châu Âu rất khác Việt Nam, thái độ với dịch bệnh cũng khác, nhưng những giải pháp đồng bộ trên mọi mặt trận, theo tôi, Việt Nam cũng có thể xem xét".
>> Chia sẻ bài viết của bạn cho trang Ý kiến tại đây.